Anh Lê Thành Hưng, xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình cùng vợ làm công nhân tại tỉnh Bình Dương và có thu nhập đủ để đảm bảo cuộc sống ở mức trung bình cho gia đình và cho 2 con học hành, nhưng không có tích lũy.
Khi công việc bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, nên cuối năm 2021, anh Hưng cùng vợ quyết định về quê. Hiện tại, vợ chồng anh đã xin được việc làm tại một nhà máy gia công giấy xuất khẩu ở địa phương và mức lương có thể thấp hơn, song bù lại không phải chi phí thuê nhà, trông trẻ... nên cuộc sống ổn định hơn.
Anh Hưng chia sẻ: "Vợ chồng tôi lấy nhau ra ở riêng chỉ có 2 sào ruộng nên không đủ ăn và lúc đó tại địa phương chẳng có công ty, DN nào để xin đi làm nên chúng tôi phải đi làm ăn xa. Gần đây, do cuộc sống khó khăn nên tôi quyết định về quê, bởi tại địa phương giờ đã có cơ hội tìm kiếm việc làm với nguồn thu nhập ổn định”.
Vợ chồng anh Hưng chỉ là một trong số hàng trăm lao động hồi hương do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 từ năm 2021. Thực tế cho thấy, khi làm việc ở gần nhà, người lao động sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí khác. Đặc biệt, khi có những biến động do dịch bệnh, thiên tai…, mức độ ảnh hưởng đến cuộc sống cũng hạn chế.
Theo thống kê, lực lượng lao động trên địa bàn tỉnh có khoảng 532.000 người gồm lao động nam là 268.000 người, chiếm 50,4% tổng lao động và lao động nữ là 264.000 người, chiếm 49,6% tổng lao động. Trong đó, lực lượng lao động nông thôn là trên 436.000 người, chiếm 82,04%; tổng số lao động có việc làm cả tỉnh là trên 521.000 người, tăng trên 16.000 người so với cùng kỳ năm 2021. Riêng tại 4 khu công nghiệp và 11 cụm công nghiệp trên địa bàn, với 2.812 DN đang hoạt động, đã giải quyết việc làm cho 43.863 lao động địa phương.
Để có được kết quả trên, thời gian qua, tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong thu hút các DN trong và ngoài nước đầu tư vào tỉnh nhằm tạo việc làm cho NLĐ. Theo đó, tỉnh đã và đang từng bước cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và hiện Yên Bái đang ở vị trí 40/63 tỉnh, thành phố; tốc độ tăng GRDP bình quân ước đạt 6,64%/năm, GRDP bình quân đầu người ước đạt 42 triệu đồng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp xây dựng và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông - lâm nghiệp và thủy sản, đặc biệt là sự tăng trưởng tương đối cao đối với giá trị xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh.
Để tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư, tỉnh đã nỗ lực không ngừng trong việc tạo dựng môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh (SXKD) hấp dẫn, thông thoáng, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư tại tỉnh; đề ra những giải pháp tạo đột phá trong thu hút đầu tư theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra, đưa Yên Bái trở thành điểm đến của nhiều DN, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, đặc biệt là xúc tiến đầu tư tại chỗ; sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ, đồng hành cùng DN, tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong đầu tư, trong SXKD của DN một cách thiết thực và hiệu quả.
Với môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, hiện Yên Bái đã và đang thu hút một số dự án lớn của các nhà đầu tư như: Tập đoàn Vingroup, TH, APEC, Công ty cổ phần Eurowindow Holding... và nhiều nhà đầu tư lớn đã đến khảo sát, tìm kiếm cơ hội, triển khai dự án đầu tư tại tỉnh như tập đoàn Sungroup, Tổng Công ty Viglacera…
Ở chiều ngược lại, một trong những yếu tố thu hút đầu tư của tỉnh cũng là bởi Yên Bái có nguồn lao động trẻ, dồi dào và nhiều tiềm năng. Tỉnh cũng đã tận dụng mọi nguồn lực để đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, lựa chọn đầu tư phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh như công nghiệp chế biến nông - lâm, thực phẩm. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất, phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề gắn với du lịch là những ngành sử dụng nhiều lao động để thu hút lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp...
Các hoạt động kết nối cung - cầu lao động, tư vấn, giới thiệu việc làm cho NLĐ được đẩy mạnh, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã triển khai tích cực các hoạt động tư vấn, các phiên giao dịch việc làm, ngày hội tư vấn tuyển sinh việc làm. Thông qua đó, đã giới thiệu, cung ứng, tuyển dụng lao động cho các DN trong các khu công nghiệp của tỉnh (Trung tâm đã tổ chức 51 phiên giao dịch, tư vấn việc làm cho 7.410 lượt người).
Với các giải pháp đồng bộ, trọng tâm, thị trường lao động của tỉnh đang có những bước phát triển, đặc biệt khi tỉnh đã tìm được hướng đi đúng đắn đó là thu hút được nguồn lao động tại chỗ làm lợi thế. Qua các đợt dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp cho thấy, việc sử dụng được nguồn lao động tại chỗ đã giúp các DN xây dựng được kịch bản ứng phó dễ dàng và tiết kiệm hơn và không bị biến động lớn về nhân lực bởi dịch bệnh. Vì thế, đa số các DN trên địa bàn tỉnh vẫn đảm bảo SXKD ổn định.
Để thu hút và sở hữu được nguồn lao động tại chỗ, các DN đã tích cực triển khai các chiến dịch tuyên truyền, tuyển dụng về đến tận các đơn vị xã, phường. Cùng đó, các DN đã chủ động tăng lương và các khoản phụ cấp để thu hút và giữ chân NLĐ.
Ông Phạm Duy Hưng - Trưởng phòng Phòng Lao động - Việc làm - Giáo dục nghề nghiệp thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Với những nỗ lực đó của các cấp, ngành chức năng, thị trường lao động cơ bản được phục hồi. Các DN có xu hướng tiếp tục tuyển dụng thêm nhiều lao động để mở rộng SXKD và chỉ tính trong 8 tháng năm 2022, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 17.260 người, đạt 88,5% kế hoạch năm, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Giải quyết việc làm đã góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp là 42,19%, phấn đấu hết năm 2022 tỷ lệ lao động nông nghiệp toàn tỉnh còn 55,97%.
"Theo khảo sát của ngành chức năng, những tháng đầu năm 2022, đơn hàng của các DN tương đối ổn định. Vì vậy, nhu cầu tuyển dụng lao động mới theo các đơn hàng đã ký kết của các DN diễn ra thường xuyên. Tại thời điểm này, 102 DN trên địa bàn tỉnh có nhu cầu tuyển dụng mới 1.054 lao động vào làm việc, tập trung vào các ngành như may mặc, chế tạo” - ông Phạm Duy Hưng cho biết thêm.
Thu Hiền