Dọc con đường đất dẫn đến thôn 8 trơ đá sỏi nhưng lại cơ man các loại cây ăn quả. Ông Hoàng Trung Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lộ chia sẻ: "Vùng đất này trước đây hoang vu, toàn lau sậy, khó canh tác lắm vì đất lẫn nhiều đá sỏi khô cằn. Ấy vậy mà, chỉ bằng sức người, nhiều hộ dân ở đây đã cải tạo vùng đất này thành vùng cây ăn quả, mang lại thu nhập cao và ổn định như bây giờ. Gia đình ông Trần Bá Đức mà chúng ta đang đến đây được coi là tiên phong”.
Nhà ông Đức ở cuối con đường đất ấy với bốn bề là cây trái được quy hoạch theo từng khu, phủ kín trên nền diện tích rộng 1,5 ha. Toàn bộ diện tích này được vợ chồng ông Đức tự tay cải tạo từ những năm 1997 đến nay, mỗi năm, cần cù san gạt từng chút.
Đến nay, khu vườn của ông Đức có 400 gốc thanh long ruột đỏ, 100 cây mận tam hoa, 20 cây táo lai lê và 30 cây hồng xiêm xoài, gần 100 gốc vú sữa Hoàng Kim. Hàng năm, gia đình ông Đức cung cấp ra thị trường trên 10 tấn quả các loại, mang lại thu nhập trên 400 triệu đồng/năm.
Ông Đức chia sẻ: "Ban đầu, chỉ là vì đam mê nông nghiệp nên làm chứ hoàn toàn tôi không có kiến thức, kỹ năng gì về làm nông; chất đất ở đây cũng khá nhiều đá sỏi, khó canh tác. Lúc ấy, tôi chỉ trồng 1 vài cây ăn quả: dưa hấu, dưa lê, dưa bở để gia đình sử dụng nhưng rồi thấy cây hợp đất, hợp khí hậu nên tôi và vợ mở rộng dần diện tích rồi đưa những giống cây ăn quả mới trồng thử nghiệm trên đất này. Ấy vậy mà cũng thành công...".
"Như cây vú sữa Hoàng Kim tôi đã trồng được 4 năm; năm nay cho quả bói mà cũng được trên 2 tạ quả với giá bán 80.000 đồng/kg. Tuy đắt nhưng khá nhiều người quan tâm, giới thiệu và tìm đến mua nên cứ chín đến đâu là bán hết đến đó” - ông Đức cho biết.
Cách nhà ông Đức không xa, vườn cây ăn quả của gia đình ông Đoàn Văn Yêm ở thôn 9 lại là một vùng chuyên canh cam, quýt rộng 1,8 ha với 20 giống cam, quýt khác nhau: BH, V2, CT36... Gia đình ông Yêm có 6 ha đất trồng rừng, song đã xin chuyển 1,8 ha sang trồng cây ăn quả có múi từ những năm 2010. Để có vườn cam như hiện nay, ông Yêm phải thuê máy xúc tạo các đường đồng mức rồi làm cỏ thủ công, cải tạo đất để trồng cam.
Ông Yêm cho biết: Ngay khi bắt đầu trồng, tôi cũng xác định canh tác theo phương thức an toàn tức là không thuốc diệt cỏ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật nguồn gốc sinh học. Bởi vậy, mặc dù vùng ngoài chịu ảnh hưởng nặng nề từ căn bệnh vàng lá, thối rễ thì vườn cam của tôi không chịu ảnh hưởng nhiều. Năm vừa rồi, tôi thu 20 tấn quả, thu nhập trên 300 triệu đồng”.
Gia đình ông Đức, ông Yêm chỉ là 2 trong số gần 200 hộ dân ở xã Nghĩa Lộ trồng cây ăn quả. Từ cây ăn quả, nhiều hộ dân nơi đây không những đã vươn lên thoát nghèo mà còn trở thành hộ khá giả. Cả xã Nghĩa Lộ cũng trở thành vùng cây trái ngọt lành, đa dạng chủng loại: na, nhãn, thanh long, táo, ổi, cam, mận... với tổng diện tích là 242 ha, hàng năm, cung cấp ra thị trường trên 500 tấn quả các loại.
Sản phẩm quả ở xã Nghĩa Lộ còn trở thành thứ hàng hóa đặc sản mỗi khi du khách đến với các huyện, thị miền Tây của tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay, sản phẩm này vẫn chủ yếu tiêu thụ nội tỉnh, chưa xây dựng được thương hiệu trên thị trường.
Để tăng sức cạnh tranh, nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng xu thế tiêu dùng của thị trường, xã Nghĩa Lộ đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân tham gia nâng tầm cho các sản phẩm từ cây ăn quả bằng Chương trình OCOP.
Ngay sau đó, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Nghĩa Lộ đã được thành lập với 12 thành viên. HTX đã nhanh chóng đầu tư đưa 2 sản phẩm: thanh long ruột đỏ, bưởi da xanh tham gia OCOP. Sản phẩm đang trong quá trình hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục để đề nghị Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh xem xét, đánh giá, phân hạng đạt tiêu chuẩn cấp tỉnh.
Ông Hoàng Trung Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lộ cho biết thêm: "Việc "gắn sao” các sản phẩm đặc trưng lợi thế địa phương không những nâng tầm cho sản phẩm mà còn dễ thu hút người dân, chủ thể, doanh nghiệp, HTX tham gia liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ, tạo vùng nguyên liệu tập trung cho sản phẩm. Xã rất mong muốn có doanh nghiệp sản xuất chế biến các sản phẩm từ cây ăn quả đóng trên địa bàn để giúp bà con tiêu thụ sản phẩm được ổn định”.
Hoài Anh