Trấn Yên nâng cao giá trị nghề trồng dâu nuôi tằm

  • Cập nhật: Thứ hai, 31/10/2022 | 7:30:48 AM

YênBái - Sau 20 năm kể từ ngày bắt đầu đưa cây dâu tằm về Trấn Yên, đến nay, Chương trình trồng dâu nuôi tằm trở thành một trong những chương trình phát triển kinh tế nông nghiệp chủ lực của huyện.

Ông Nguyễn Duy Ứng giới thiệu về giàn khay trượt của gia đình.
Ông Nguyễn Duy Ứng giới thiệu về giàn khay trượt của gia đình.

Hàng năm, trên địa bàn huyện sản xuất 1.000 tấn kén doanh thu 200 triệu đồng/ha/năm. Hiện nay, Trấn Yên có trên 1.500 hộ dân lấy nghề trồng dâu nuôi tằm làm nghề cho thu nhập chính, có 13 hợp tác xã dâu tằm thuộc 12 xã vùng trồng dâu/tổng số 21 xã, thị trấn của huyện. 

Trong sản xuất, ngoài sự liên kết chặt chẽ giữa các hộ trồng dâu nuôi tằm với các tổ hợp tác, hợp tác xã theo chuỗi liên kết sản xuất với doanh nghiệp, người dân Trấn Yên còn ứng dụng một số kỹ thuật nuôi tằm để tăng sản lượng, chất lượng kén như: đưa giống dâu tiến bộ kỹ thuật mới (giống kháng sâu bệnh, giống cắt cành nâng cao sản lượng lá dâu...) phát triển mở rộng diện tích dâu tằm hàng năm bằng cây giống, hom cành; áp dụng kỹ thuật nuôi tằm con tập trung; áp dụng biện pháp nuôi tằm lớn trên nền nhà; áp dụng cho tắm lên né gỗ ô vuông khi tằm chín thay né tre cũ và mới nhất là áp dụng nuôi tằm lớn trên khay trượt.

Nuôi tằm trên khay trượt là một trong những kỹ thuật nuôi mới giai đoạn nuôi tằm lớn (tầm tuổi 4, tuổi 5). Hiện, trên địa bàn huyện đang thực hiện dự án khoa học và tổ chức triển khai bắt đầu vụ xuân năm 2022 được 1 lứa cuối vụ xuân, tại 3 hộ dân tại các xã: Tân Đồng, Báo Đáp, Việt Thành, tiến hành thử nghiệm nuôi tằm trên 5 giàn khay trượt cải tiến theo thiết kế mới. Thay đổi phương pháp nuôi tằm, nâng cao trình độ kỹ thuật cho nông dân, là cơ sở để triển khai, ứng dụng các thành tựu, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. 

Bà Triệu Thị Bích Liệu - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trấn Yên cho biết: "Bước đầu cho thấy hiệu quả rõ rệt qua số liệu theo dõi của thành viên tham gia. Nuôi tằm trên giàn khay trượt giúp tằm không bị ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết nồm ẩm nên sinh trưởng khỏe, phát dục đều, ít bị bệnh, chín đều, kén trắng, chất lượng kén tốt hơn so với nuôi tằm trên nền nhà, năng suất kén đạt 17 kg/vòng, năng suất tăng 13,3%”. 

Giàn khay trượt được thiết kế trên cơ sở khắc phục những tồn tại, hạn chế so với áp dụng nuôi tằm trên nền nhà: có thời gian cách ly giữa các lứa nuôi việc vệ sinh nhà, dụng cụ nuôi tằm triệt để, hạn chế bệnh hại tằm. Dễ dàng điều chỉnh được những nhân tố từ môi trường (ẩm độ, nhiệt độ, ánh sáng) ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống con tằm, thuận lợi trong việc áp dụng chặt chẽ quy trình kỹ thuật nuôi tằm như: thay phân, san tằm, cho tằm ăn, nhặt tằm bệnh, tằm kẹ, khắc phục các đối tượng như: kiến, thạch sùng, chuột... gây hại tằm. 

Áp dụng nuôi tằm trên khay trượt tiết kiệm được diện tích làm nhà tằm đối với những hộ có diện tích trồng dâu lớn nhưng không có quỹ đất để làm nhà tằm. Theo tính toán, nuôi tằm trên khay trượt sẽ giảm 30% diện tích làm nhà tằm. 

Cùng với đó, công vệ sinh nhà tằm sau lứa nuôi giảm, tương đương giảm chi phí về công lao động 3,2 triệu đồng/ha so với nuôi tằm trên nền nhà. Ông Nguyễn Duy Ứng ở thôn Làng Đồng, xã Tân Đồng cho biết: "Nuôi tằm trên khay trượt khắc phục được những hạn chế, rủi ro trong nghề nuôi tằm do điều chỉnh được nhiệt độ, ẩm độ khi nuôi tằm, tạo được độ thông thoáng, môi trường thích hợp cho tằm sinh trưởng và phát dục, hạn chế bệnh tằm nên tăng năng suất kén tăng so với nuôi tằm trên nền nhà, chất lượng kén tằm tốt, nâng cao giá trị nghề trồng dâu nuôi tằm…”. 

Theo cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trấn Yên, chênh lệch lợi nhuận 1 ha dâu nuôi tằm trên giàn khay trượt so với nuôi tằm trên nền nhà là 27.821.800 đồng/năm.

Việc nuôi tằm trên khay trượt giải phóng sức lao động cho người nuôi tằm, giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. 

Ứng dụng kỹ thuật nuôi tằm trên giàn khay trượt hiệu quả sẽ là nơi để các hộ nông dân đến tham quan học tập, áp dụng và làm theo, góp phần mở rộng vùng trồng dâu nuôi tằm, bảo đảm tính bền vững, làm thay đổi diện mạo nông thôn Trấn Yên.

Thành Trung

Tags Yên Bái Trấn Yên trồng dâu nuôi tằm xóa đói giảm nghèo khay trượt nông thôn mới

Các tin khác
Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Bình kiểm tra các sản phẩm OCOP của huyện.

Đến hết năm 2021, huyện Yên Bình đã có 18 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có 2 sản phẩm đạt 4 sao là bưởi Đại Minh của Hợp tác xã (HTX) Bưởi đặc sản VietGAP Đại Minh và Du lịch cộng đồng hồ Thác Bà của Công ty cổ phần Thương mại và Du lịch hồ Thác Bà.

Ảnh minh hoạ

Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN), việc tăng lãi suất phù hợp với xu hướng chung của nền kinh tế thế giới khi lạm phát tăng cao, kéo dài cũng như chưa có dấu hiệu dừng lại.

Sáng 29/10, Hội Nông dân tỉnh Yên Bái đã phối hợp với Hội Nông dân thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị Ký kết kế hoạch phối hợp giai đoạn 2022 – 2023.

Con đường Sùng Đô - Nậm Mười, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái sẽ là động lực thúc đẩy kinh tế vùng cao.

Những con đường bê tông "đặc thù" bé nhất chỉ rộng 1 mét đến các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn được hình thành.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục