Chị Dung chia sẻ: "Trước đây, diện tích này trồng lúa nếu bội thu cũng chỉ được 13 bao thóc để dùng và chăn nuôi. Chuyển sang trồng bầu, mướp đắng lấy hạt, qua vụ đầu tiên, tôi thu 28,5 triệu đồng, trừ chi phí: cây giống, phân bón, nilon, lưới, giàn, còn lãi 24 triệu đồng. Tuy cách chăm sóc tỉ mẩn hơn, nhưng với sự hướng dẫn của Công ty, đến nay, tôi đã làm chủ những kỹ thuật này. Một năm 2 vụ, dự kiến mỗi năm tôi thu lãi 50 triệu đồng”.
Không chỉ gia đình chị Dung, toàn xã Phúc Sơn có trên 30 hộ trồng cây lấy hạt với diện tích 1,3 ha, chủ yếu trồng ở thôn Bản Lanh, Thón, Muông. Tại thôn Bản Lanh còn thành lập tổ hợp tác với 6 thành viên để trao đổi kinh nghiệm, giúp nhau công lao động và bảo vệ sản xuất. Để bảo đảm quyền, lợi ích của nông dân, UBND xã phân công nhiệm vụ cụ thể cho Hội Nông dân trực tiếp cùng nông dân giám sát, chứng thực hợp đồng ký kết bao tiêu của Công ty với người dân trước mỗi mùa vụ, giúp nhân dân an tâm sản xuất.
Đối với gia đình anh Hoàng Văn Hải ở thôn Bản Muông thì chuyển đổi 600 m2 đất trồng lúa ở gò cao, khó lấy nước, màu nông sang trồng bưởi da xanh. Anh Hải cho biết: "Cuối năm 2018, do đất ruộng canh tác kém hiệu quả, tôi đã nghiên cứu trên sách, báo, mạng Internet đưa vào trồng thử nghiệm 40 gốc bưởi da xanh. Tất cả kỹ thuật trồng chăm sóc tôi đều nhờ cán bộ khuyến nông cơ sở hướng dẫn cộng với tự mày mò, nghiên cứu. Vụ năm nay là vụ bưởi đầu tiên được xuất bán. Cách đây cả tháng, một số người dân trong xã đã tìm đến tôi đặt hàng, chủ yếu là để phục vụ gia đình họ chưa có mối lớn nhưng thu đến đâu bán hết đến đó, chưa được lãi nhiều do số lượng ít nhưng tôi rất vui mừng vì đất này đã phát huy hiệu quả, không để lãng phí”.
Rõ ràng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững. Bởi vậy, từ năm 2022, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa đã trở thành 1 trong những chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở xã Phúc Sơn với mục tiêu chuyển đổi 2 ha đất ruộng kém hiệu quả sang trồng các cây có giá trị kinh tế cao trong năm 2022.
Ông Lường Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Phúc Sơn cho biết: "Đến nay, xã đã hoàn thành chỉ tiêu này. Để việc chuyển đổi đạt hiệu quả cao, xã đã tuyên truyền, vận động bà con lựa chọn những cây giống phù hợp. Với những giống cây mới, xã định hướng người dân cần cân nhắc không nên trồng ồ ạt, tránh tình trạng được mùa mất giá hay bị thương lái ép giá. Đồng thời, chỉ đạo cán bộ nông nghiệp thường xuyên thăm đồng, hướng dẫn nông dân canh tác theo hướng cầm tay chỉ việc, giúp nông dân nâng cao thu nhập trên cùng một diện tích đất; từ đó, mở hướng cho nhân dân làm giàu chính đáng”.
Bên cạnh đó, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa được xã Phúc Sơn thực hiện đảm bảo nguyên tắc: ưu tiên chuyển đổi trên đất trồng lúa kém hiệu quả, vùng không chủ động tưới tiêu, thường xuyên thiếu nước; tập trung, gọn vùng; bảo đảm thiết chế hạ tầng phục vụ chuyển đổi; có sự đồng thuận của người dân; không làm biến dạng mặt bằng, không gây ô nhiễm, thoái hóa đất trồng lúa, không làm hư hỏng công trình giao thông, công trình thủy lợi phục vụ trồng lúa.
Hoài Anh