Đa dạng hóa các mô hình kinh tế giúp người dân vùng cao thoát nghèo

  • Cập nhật: Thứ ba, 22/11/2022 | 9:50:50 AM

Với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, người dân xã Lao Chải đã xây dựng nhiều mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện địa phương. Nhờ đó, nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu trên vùng đất khó.

Chính quyền các cấp huyện Mù Cang Chải hướng dẫn người dân trồng cây ăn quả
Chính quyền các cấp huyện Mù Cang Chải hướng dẫn người dân trồng cây ăn quả

Nhiều mô hình phát triển kinh tế

Thời gian qua, Hội LHPN cùng với các Đoàn thể, chính quyền xã Lao Chải (huyện Mù Cang Chải, Yên Bái) đã tăng cường công tác tuyên truyền cũng như hỗ trợ hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế. Nhờ đó, đã có nhiều hội viên, phụ nữ thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu.

Chị Lờ Thị Mo, Chủ tịch Hội LHPN xã Lao Chải, cho biết, trên địa bàn xã hiện có 23 hội viên, phụ nữ phát triển mô hình kinh tế cho thu nhập từ 40 đến 170 triệu đồng. Các mô hình phát triển kinh tế của chị em đã và đang triển khai có hiệu quả như trồng sơn tra, thảo quả, chăn nuôi trâu, bò, lợn đen, gà đen bản địa... Ví như, hội viên Giàng Thị Thào (xã Lao Chải) đã phát triển mô hình kinh tế tổng hợp và thành công. 

Chị Thào cho biết, trước đây, chị cũng phát triển chăn nuôi nhưng do chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật nên chỉ đủ ăn. Sau đó, chị được Hội Phụ nữ xã và Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho vay 30 triệu đồng làm vốn sản xuất. Đồng thời, cán bộ nông nghiệp huyện còn mở các lớp hướng dẫn khoa học kĩ thuật và mời gia đình chị tham gia. Sau khi tham gia các lớp học, chị đã tích cực canh tác lúa, ngô và chăn nuôi. Đến nay, gia đình chị đã có 5ha ruộng, 8 con trâu, 11 con bò, 21 con lợn, gần 200 con gà,… mỗi năm, tổng thu nhập gần 200 triệu đồng.


Một góc xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải

Cũng như chị Thào, xác định muốn thoát nghèo phải thay đổi tư duy phát triển kinh tế nên anh Giàng A Cheo (bản Cồ Dề Sang B, xã Lao Chải) đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu về giống lợn rừng. Qua tìm hiểu, anh thấy đây là loài vật dễ nuôi, thức ăn chủ yếu là các phụ phẩm nông nghiệp. 

Vì vậy, năm 2021 anh quyết định đầu tư 200 triệu đồng để xây dựng chuồng trại và mua giống lợn rừng về nuôi. Hiện nay, gia đình anh Cheo có hơn 50 con lợn rừng và lợn rừng lai. "Khi mới nuôi, tôi cũng gặp không ít khó khăn do thị trường tiêu thụ lợn rừng chưa có. Dù vậy, tôi vẫn không nản chí mà tiếp tục nuôi thêm 5 - 6 lợn nái rừng, cùng với lợn nái địa phương để vừa bán lợn con và vừa bán cả lợn thịt khi người dân có nhu cầu. Nhờ đó, đến giữa năm 2022, gia đình đã lãi trên 100 triệu đồng", anh Cheo chia sẻ.


Người dân tích cực sản xuất, tăng thu nhập

Trong khi đó, tận dụng lợi thế đất đai, khí hậu địa phương, ông Sùng A Sàng (Bản Háng Gàng, xã Lao Chải) đầu tư trồng 10ha cây sơn tra. Khi sơn tra được giá, mỗi năm gia đình ông thu trên 400 triệu đồng. Không chỉ tăng thu nhập cho gia đình, ông còn tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng...Từ thành công của ông, nhiều hộ dân khác cũng đã mạnh dạn đầu tư trồng cây sơn tra. Hiện toàn xã có trên 400 ha sơn tra, trong đó, gần 250 ha đã cho thu quả. Nhiều hộ đã có cuộc sống khá lên nhờ trồng, chăm sóc loại cây này. 

Sự vào cuộc của các cấp chính quyền

Ông Giàng A Vàng, Bí thư Đảng ủy xã Lao Chải, cho biết, Lao Chải là xã có diện tích rộng và đông dân nhất nhì của huyện Mù Cang Chải, trong đó chủ yếu là đồng bào Mông sinh sống. Do trình độ dân trí thấp, cùng với địa hình khó khăn, nên tỷ lệ hộ nghèo trước đây của xã luôn chiếm trên 50%.

Để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, những năm qua, Đảng ủy, chính quyền cùng các đoàn thể xã đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi... Cùng với vác chương trình hỗ trợ của nhà nước đã làm bộ mặt nông thôn ở Lao Chải đã có nhiều đổi thay.


 Các mô hình phát triển kinh tế ở Lao Chải đem lại hiệu quả cao 
 
Theo ông Vàng, hiện nay hệ thống đường giao thông liên xã đã cơ bản được kiên cố đến từng bản, giúp việc giao thương, buôn bán, trao đổi hàng hóa của người dân được thuận lợi hơn. Nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi xuất hiện giúp người dân tăng thu nhập, từng bước thoát nghèo. 

Theo thống kê, trên địa bàn xã Lao Chải đã có 23 mô hình kinh tế cho hiệu quả cao trong đó có 8 mô hình chăn nuôi trâu, bò với quy mô 10 con trở lên và 15 mô hình nuôi lợn từ 20 con trở lên. Đây là những mô hình phát triển kinh tế điểm của xã để bà con đến học tập và làm theo để phát triển kinh tế cho gia đình. Ngoài ra, UBND xã Lao Chải còn tích cực đưa các giống lúa, ngô lai mới vào gieo cấy, góp phần quan trọng nâng tổng sản lượng lương thực có hạt của xã năm 2021 lên 8.035 tấn.

Nhờ đa dạng hóa các mô hình kinh tế, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã tăng dần theo từng năm. Riêng năm 2021, xã đã giảm được 110 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều mới giảm xuống còn 30,03% năm 2021, hộ khá, giàu cũng tăng lên nhiều, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước nâng lên trông thấy. 
(Theo  Phụ nữ Việt Nam)

Các tin khác
Người dân thu hoạch nghệ tươi.

Cây nghệ gắn liền với cuộc sống người dân thôn Trấn Ninh, xã Yên Thịnh (Thành phố Yên Bái) nhiều năm nay. Từ góc vườn trước đây bị bỏ trống, những thửa ruộng khô hạn không thể cấy lúa nay đã được phủ xanh bằng nghệ.

Diễn tập phòng cháy, chữa cháy rừng tại xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu.

Trạm Tấu có diện tích rừng lớn, mùa khô hanh cũng là thời điểm bà con vùng cao sản xuất nương rẫy nên luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng cao.

Cán bộ Chi cục Hải quan tỉnh tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa.

Với quyết tâm hoàn thành dự toán được giao, Chi cục Hải quan Yên Bái tăng cường các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thông quan hàng hóa, tạo nguồn thu bền vững; đồng thời, thực hiện tốt công tác quản lý thuế, chống thất thu ngân sách và thu hồi nợ thuế.

Các thành viên HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông, lâm nghiệp Lâm Giang (Văn Yên) thu hoạch củ cải trắng.

Theo Kế hoạch số 232 ngày 8/11/2022 của UBND tỉnh, năm 2023, Yên Bái quyết định hỗ trợ cho các hợp tác xã (HTX), liên hiệp HTX trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí gần 8,15 tỷ đồng (không bao gồm kinh phí hỗ trợ các năm trước chưa giải ngân hết chuyển tiếp sang năm 2023) từ nguồn ngân sách tỉnh theo quy định tại Nghị quyết số 06/2021/NQ-HĐND, ngày 19/4/2021 của HĐND tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục