Gia đình ông Phạm Văn Trung ở thôn 6 có 4 ha đất rừng trồng quế. Hiện, gia đình ông đã tham gia vào chương trình trồng quế hữu cơ ở địa phương với mong muốn lựa chọn một giống cây trồng phù hợp, có giá trị kinh tế để tăng thu nhập. Khi tham gia chương trình trồng quế hữu cơ, ông Trung và các hộ được tiếp cận những kiến thức hoàn toàn mới về phương pháp canh tác quế.
Với cách làm cũ, cây quế được trồng bằng hạt, chọn giống theo kinh nghiệm, bón phân theo ước lượng, sử dụng thuốc hóa học để phòng trừ sâu, bệnh... thì với phương pháp trồng quế hữu cơ, người dân tận dụng phụ phẩm nông nghiệp kết hợp men vi sinh làm phân bón, sử dụng thảm thực vật để tạo độ ẩm, độ xốp và sự mầu mỡ cho đất; từ đó, vừa góp phần bảo vệ môi trường vừa tạo ra sản phẩm sạch an toàn với người tiêu dùng.
Ông Phạm Văn Trung chia sẻ: "Việc áp dụng phương thức sản xuất hữu cơ không những đảm bảo sức khỏe cho người dân mà còn bảo vệ nguồn nước và giúp cho đất không bị bạc màu. Đặc biệt, sản phẩm quế sau khi thu hoạch được các hợp tác xã thu mua hết với giá cao hơn”.
Với diện tích hơn 900 ha đất trồng quế, xã Đào Thịnh đã tuyên truyền cho người dân đăng ký thực hiện gần 700 ha theo phương thức sản xuất quế hữu cơ. Cây quế bắt đầu cho thu hoạch tỉa cành, lá từ năm thứ 5, đến năm thứ 10 có thể thu vỏ quế thành phẩm. Cây quế có tuổi đời càng cao thì càng có hàm lượng tinh dầu cao, giá trị càng lớn. Trung bình, mỗi năm xã khai thác khoảng 8ha.
Mỗi héc - ta cho thu nhập từ 500 - 600 triệu đồng. Sản phẩm được chứng nhận hữu cơ là lựa chọn ưu tiên hàng đầu đối với các thị trường cao cấp như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và các nước châu Âu, bởi những mặt hàng này được sản xuất theo bộ nguyên tắc quy định tiêu chuẩn quốc tế, hướng đến mục tiêu đảm bảo hệ sinh thái cây trồng, vật nuôi, tạo ra những sản phẩm có chất lượng an toàn với người sử dụng.
Ông Chu Đức Hiền - Chủ tịch UBND xã Đào Thịnh cho biết: "Những sản phẩm hữu cơ được sản xuất với quy cách không sử dụng bất cứ một loại hóa chất độc hại nào; đồng thời, chú trọng đến cân bằng hệ sinh thái tự nhiên. Mục đích hàng đầu của nông nghiệp hữu cơ là tối đa hóa sức khỏe và năng suất của cộng đồng về đời sống đất đai, cây trồng, vật nuôi và con người. Theo mô hình sản xuất hữu cơ này, giá trị sản phẩm quế hữu cơ của người dân trong xã cao hơn khoảng 10 - 15% so với sản phẩm quế thông thường; từ đó, mở ra những cơ hội lớn trong việc xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu, tạo cơ sở tăng thu nhập cho người dân”.
Để giải quyết những tồn tại trong sản xuất của người dân khi triển khai trồng quế hữu cơ, xã Đào Thịnh đã phối hợp với các công ty, đơn vị có chuyên môn mở các lớp tập huấn, giám sát quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch của các hộ trong vùng nguyên liệu, thường xuyên lấy mẫu để kiểm tra kịp thời phát hiện các chỉ số chất lượng.
HTX Quế hồi Việt Nam đặt tại thôn 5 - thôn có số hộ trồng quế hữu cơ với diện tích lớn nhất của xã Đào Thịnh. Đây là đơn vị sản xuất, chế biến các sản phẩm quế thô với sản lượng hàng năm ước đạt 1.500 - 2.000 tấn.
Để hình thành chuỗi sản xuất khép kín, HTX đã xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm quế hữu cơ có công suất từ 80 - 100 tấn quế tươi/tháng. Tại đây, HTX đã xây dựng được dây chuyền sản xuất quế hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế, chuẩn từ khâu nguyên liệu đến quy trình chế biến bằng máy móc cho ra sản phẩm là quế ống điếu xuất khẩu sang các thị trường cao cấp như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp...
Ông Nguyễn Bá Mão - Giám đốc Nhà máy Quế Hồi Yên Bái, Công ty Vinasamex cho biết thêm: "Hiện nay, chúng tôi đang phối hợp với chính quyền địa phương tập trung xây dựng vùng quế hữu cơ có chứng chỉ tiêu chuẩn quốc tế; tạo việc làm thường xuyên cho từ 50 - 100 lao động với thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/tháng; doanh thu bình quân mỗi năm trên 30 tỷ đồng, bao tiêu sản phẩm quế cho xã Đào Thịnh và các xã lân cận. Đảm bảo quy trình sản xuất quế hữu cơ thực sự là cơ hội tốt để nhà máy tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm”.
Quá trình xây dựng, hình thành vùng nguyên liệu quế hữu cơ ở Đào Thịnh không chỉ đơn thuần là tạo ra sản phẩm mang thương hiệu riêng của địa phương mà còn cho thấy sự đổi thay trong tư duy sản xuất của người dân nhằm hướng tới mục tiêu lâu dài; từng bước xây dựng và phát triển nền sản xuất hàng hóa hiện đại, hiệu quả, bền vững, góp phần tạo một diện mạo hoàn toàn mới ở một vùng nông thôn.
Thanh Tiến (Trung tâm TT&VH Trấn Yên)