Nhiều người chia sẻ, họ đã nhận được những cuộc gọi, lời mời hoặc đường link, tin nhắn giả mạo ngân hàng, cơ quan điều tra, công an… với mục đích lừa đảo chiếm đoạt tiền trong tài khoản. Thậm chí nhiều đối tượng còn giả mạo cả những trang web, fanpage của các hãng tàu hỏa, máy bay, xe bus... để bán vé giả.
"Bạn đang rất cần tiền cho dịp Tết này. Hãy dành 2 phút tải app và đăng nhập thông tin chúng tôi sẽ chuyển tiền ngay lập tức", những lời mật ngọt đó chính là cái bẫy đang chờ đón bạn để đánh cắp thông tin cá nhân.
Thời gian gần đây, đưa ra lời cảnh báo về các cuộc gọi nâng cấp miễn phí SIM 4G hoặc 5G là phương thức, thủ đoạn những kẻ lừa đảo thường sử dụng nhằm chiếm quyền sử dụng SIM và lấy tiền trong tài khoản của khách hàng.
Các chuyên gia công nghệ cho rằng tình trạng lừa đảo đánh cắp thông tin tài khoản, thẻ tín dụng tấn công ngày càng mạnh vào người dùng trong dịp lễ, Tết thông qua tin nhắn dẫn dụ khách rút tiền.
"Mới đây, tôi nhận được lời mời rút tiền mặt qua thẻ tín dụng, chi phí thấp, thời gian nhận tiền chỉ trong 5 phút. Tôi đã rút 20 triệu, nhưng sau mới biết hóa ra đó là trang giả mạo mPOS để lừa lấy thông tin và tiền của mình", một tài khoản mạng xã hội chia sẻ.
"Tôi vừa nhận được tin nhắn phải xác nhận lại tài khoản của ngân hàng, họ gửi cho mình đường link nhưng khi mình nhấn vào đường link đó thì tài khoản ngân hàng của mình bỗng dưng bị phong tỏa", một tài khoản khác cho biết.
"Bà cô nhà mình có nhu cầu vay tiền, họ yêu cầu kết bạn Zalo và tải app vay tiền theo đường link từ Zalo. Sau đó, cô mình được yêu cầu chuyển tiền đóng phí mới được giải ngân khoản vay. Bà đã chuyển gần 30 triệu đồng nhưng không nhận được khoản vay. Sau mới biết mình bị lừa và đến cơ quan Công an trình báo", một tài khoản khác cho hay.
Dịp lễ Tết là thời điểm những kẻ gian lợi dụng tâm lý người dân muốn kiếm tiền nhanh chóng. Kẻ gian sẽ mạo danh là nhân viên của sàn thương mại điện tử, yêu cầu thu hồi sản phẩm khách hàng đã đặt trước đó và hoàn tiền gấp 3 lần. Tuy nhiên, bạn cần phải bấm vào liên kết và cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng. Nếu người dùng làm theo, tiền trong tài khoản sẽ ngay lập tức biến mất.
Ngoài ra, một hình thức lừa đảo khác là thông báo bạn đã trúng thưởng khi mua sắm trực tuyến. Nội dung tin nhắn sẽ bao gồm một liên kết giả mạo, yêu cầu bạn cung cấp thông tin cá nhân, thông tin thẻ tín dụng/tài khoản Internet Banking (bao gồm cả tên đăng nhập, mật khẩu và OTP).
"Tôi được mời mua voucher trong ví điện tử. Kẻ gian đã nhắn tin cho tôi và đề nghị sẽ thu mua số lượng lớn voucher mà họ không sử dụng. Sau đó, yêu cầu tôi đăng nhập tài khoản ví điện tử để được tự ý sử dụng voucher. Hậu quả là tôi đã bị kẻ gian lấy cắp thông tin, rút sạch tiền", một tài khoản mạng xã hội chia sẻ.
"Càng đến Tết thì kẻ gian lại càng lợi dụng tâm lý tranh thủ kiếm thêm thu nhập dịp Tết, bọn chúng rất tinh vi khi sử dụng chiêu trò tuyển dụng "việc nhẹ, lương cao" để dụ nhiều người sập bẫy", một tài khoản khác cảnh báo.
Theo thống kê, hàng năm, toàn quốc xảy ra khoảng 2.000 vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, chiếm đoạt hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm.
Gần đây, ngày 28/12, Công an TP Hồ Chí Minh phối hợp với Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an, bắt giữ 86 số đối tượng về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng viễn thông. Cơ quan Công an bước đầu xác định các đối tượng giả danh là nhân viên của đơn vị phát hành thẻ tín dụng, gọi điện thoại tư vấn các chủ thẻ tín dụng rút tiền mặt qua phần mềm. Bộ Công an khuyến cáo người dân nên cẩn trọng để tránh là những nạn chân của hành vi này.
(Theo VTV)