Làng miến vào Xuân

  • Cập nhật: Thứ ba, 10/1/2023 | 7:35:36 AM

YênBái - Tận dụng đất ven sông Hồng phù sa màu mỡ, người dân ở Yên Bái trồng đao riềng làm nguyên liệu chế biến miến. Bằng sự cần cù, không ngừng học hỏi, họ đã đưa nghề làm miến vượt qua nhiều thăng trầm để trở thành làng nghề với sản phẩm nổi tiếng.

Nhân dân xã Quy Mông, huyện Trấn Yên tranh thủ thời tiết thuận lợi để chế biến miến đao phục vụ nhu cầu tiêu dùng cuối năm.
Nhân dân xã Quy Mông, huyện Trấn Yên tranh thủ thời tiết thuận lợi để chế biến miến đao phục vụ nhu cầu tiêu dùng cuối năm.


Đã thành nếp, cứ 4 giờ sáng căn bếp của gia đình ông Vũ Tiến Thơm ở xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái lại đỏ lửa và rục rịch làm miến đao. Không còn cái cảnh cặm cụi nhóm bếp, nhào bột bằng tay, lau rửa khung ép sợi miến như nhiều năm về trước, tất cả các công đoạn làm miến giờ đã được tự động hóa nhiều hơn từ khâu bếp lò, máy trộn bột, máy ép sợi miến cho đến nhà bảo quản sản phẩm đã góp phần rút ngắn thời gian làm miến, giảm nhân lực. 

Dịp tết Nguyên đán là vụ làm miến đao lớn nhất trong năm đối với gia đình ông Thơm, nên cả 5 nhân khẩu làm việc liên tục từ mờ sáng đến hết trưa.Miến được làm từ bột đao riềng nên sợi miến có màu trong, khi nấu rất dẻo, mềm, dai, có vị thơm ngon đặc trưng.  Miến đao Giới Phiên là sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. 

Hiện nay, xã Giới Phiên có 50 hộ sản xuất miến, với sản lượng đạt trên 500 tấn/năm, giá bán dao động từ 60.000 - 65.000 đồng/kg và mỗi năm doanh thu đạt trên 30 tỷ đồng. 

Từ ngày hình thành HTX Sản xuất và kinh doanh miến đao Giới Phiên đến nay, chị Phạm Thị Thu Hà - Phó Giám đốc HTX là người tích cực đứng ra mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng cho sản phẩm của quê hương. Vào vụ, chị Hà thường xuyên xuống thăm 10 hộ thành viên để kịp thời động viên, tháo gỡ khó khăn và chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức mới trong sản xuất, kinh doanh. 

"Sau khi thu gom cả 100 tấn miến khô/năm, HTX có trách nhiệm nặng nề nhất là quảng bá, tiêu thụ sản phẩm miến khắp các sàn giao dịch: Shoppee, Lazada, voso.vn… và vận chuyển hàng hóa đến các địa phương tiêu thụ đảm bảo đúng thời gian. Bây giờ, tôi đã quen việc, các hộ thành viên tích cực hợp tác nên công việc buôn bán của HTX trở nên thuận lợi và thu nhập của người dân cũng ổn định” - chị Hà chia sẻ. 

Gia đình ông Đỗ Danh Toàn ở xã Quy Mông, huyện Trấn Yên có trên 1 ha trồng đao riềng. Loại cây trồng này đã mang lại nguồn thu ổn định cho gia đình từ 80 - 100 triệu đồng/năm. Khoảng 100 tấn củ tươi được thu mỗi năm tương đương gần 11 tấn bột đao không chỉ xuất bán tại địa phương, mà gia đình ông Toàn còn bán tại các tỉnh: Hà Nam, Hưng Yên... 

Thế nhưng, khi bột đao được chế biến thành miến thì giá thành sẽ cao gấp đôi, nên khi xã Quy Mông triển khai dự án phát triển cây đao riềng theo mô hình liên kết sản xuất chuỗi giá trị, ông Toàn mạnh dạn đầu tư 300 triệu đồng xây dựng nhà máy sản xuất miến đao. 

"Gia đình tôi sản xuất bằng máy móc là chính và nếu sử dụng hết công suất thì làm được 4 tấn bột/ngày. Do nhu cầu thị trường, hiện gia đình sản xuất hơn 1 tấn bột, được 5 tạ miến khô/ngày và mỗi tháng bán 2 tấn miến khô ra thị trường” - ông Toàn chia sẻ. 

HTX Việt Hải Đăng ở thôn Thịnh Lợi, xã Quy Mông chuyên sản xuất miến đao được thành lập vào năm 2017 với 8 thành viên. Đến tháng 8/2020, sản phẩm miến đao của HTX được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Vào vụ gần tết Nguyên đán này, HTX cũng tăng năng suất làm miến lên 70 - 80 kg miến/ngày để xuất đi các tỉnh, thành phố miền xuôi. 

Chị Phùng Thị Tuyền - Phó Giám đốc HTX Việt Hải Đăng chia sẻ: Làm nghề, nhất là nghề cung cấp thực phẩm có nhu cầu lớn vào dịp tết Nguyên đán cần phải lấy chữ tín đặt lên hàng đầu. Cây đao riềng được chúng tôi trồng tại địa phương theo tiêu chuẩn VietGAP, tức là nguyên liệu rõ ràng, nguồn gốc xã ở Quy Mông để mọi người đều nắm được. Tiếp đến, các khâu: chế biến, bảo quản, đóng gói và tiêu thụ sản phẩm cũng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. 

"Mỗi hộ thành viên đều cam kết khi tham gia HTX là giữ gìn, phát huy thương hiệu sản phẩm miến của địa phương để miến đao Quy Mông không chỉ đến nhiều nơi hơn mà luôn giữ được chữ tín với khách hàng” - Chị Tuyền nói. 

Hiện nay, xã Quy Mông đã hình thành vùng trồng đao riềng tập trung với 60 ha đều ở các thôn nằm ven bờ sông Hồng. Cây đao riềng đã giúp người nông dân nơi đây nâng cao thu nhập, đưa số hộ nghèo của xã giảm nhanh và thu nhập bình quân đầu người đạt trên 41 triệu đồng/năm. 

Thực tế cho thấy, người nông dân ở làng miến Giới Phiên, thành phố Yên Bái và làng miến xã Quy Mông, huyện Trấn Yên, từ việc trồng đao riềng và làm miến vốn chỉ xem là nghề "tranh thủ lúc nông nhàn” thì nay đã trở thành cây trồng chủ lực, nghề truyền thống giúp người dân nơi đây vươn lên làm giàu.  

Hoài Văn

Tags làng miến Giới Phiên thành phố Yên Bái cuối năm rộn ràng Quy Mông Trấn Yên Đao riềng

Các tin khác
Biên lai thu phí sử dụng đường bộ (Ảnh minh họa).

Bộ Tài chính đề xuất mức thu phí sử dụng đường bộ áp dụng cho ô tô (trừ xe của lực lượng quốc phòng, công an) chia làm 8 nhóm theo tải trọng và ghế ngồi của xe, từ 130.000 - 1.430.000 đồng/tháng.

Bộ Công Thương vừa ký ban hành Quyết định số 21/QĐ-BCT về việc ban hành khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp.

Quang cảnh hội nghị.

Sáng 9/1, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2023. Đồng chí Ngô Hạnh Phúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và chỉ đạo Hội nghị.

Ảnh minh họa

Việc khôi phục toàn diện hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh qua cửa khâu Lào Cai sẽ góp phần gia tăng năng lực thông quan hàng hoá.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục