Để bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, lực lượng kiểm lâm, chính quyền địa phương đã chủ động thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp bảo vệ rừng (BVR), phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) trên địa bàn. Ngay trước mùa khô, huyện đã kiện toàn 16 ban chỉ huy PCCCR cấp xã và chủ rừng với 437 thành viên; thành lập 103 tổ đội xung kích tuần tra, BVR với 603 lượt người tham gia.
Các xã, thị trấn đã xây dựng lịch trực PCCCR, có ghi số điện thoại liên lạc của từng thành viên để kịp thời chỉ đạo theo phương châm "4 tại chỗ”.
Lực lượng kiểm lâm huyện đã tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức BVR, PCCCR bằng nhiều hình thức phong phú như: tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, phát các tờ rơi, áp phích, băng hình; làm tốt công tác quy hoạch nương rẫy gắn với PCCCR đồng thời hướng dẫn kỹ thuật đốt nương rẫy, tổ chức cho người dân các thôn bản học tập các tài liệu, quy định về BVR và PCCCR; ký cam kết BVR, PCCCR tới tất cả các hộ gia đình tại 98 thôn, bản tổ dân phố.
Đặc biệt, từ nguồn thu từ chi trả môi trường rừng, các xã, thị trấn đã xây dựng quỹ BVR thôn, bản để chủ động trong hoạt động BVR, PCCCR như: tuyên truyền, tuần tra canh gác, làm mới các chòi canh lửa, tu sửa làm mới đường băng cản lửa.
Năm 2022, các địa phương đã huy động nhân dân tu sửa 282,2 km đường băng cản lửa phân chia ranh giới giữa các bản, giữa các loại rừng, làm mới 14 km hệ thống đường ranh cản lửa trong rừng giao khoán bảo vệ; tu sửa, làm mới hệ thống, bảng biểu phục vụ công tác quản lý BVR với 4 bảng nội quy BVR.
Tại các xã, thị trấn duy trì chế độ trực tại 70 chòi canh lửa và lán tạm canh lửa để chủ động phát hiện lửa rừng trong mùa khô hanh. Tuy nhiên, giữ rừng ở vùng cao không chỉ là chống lửa rừng, bởi đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, áp lực gia tăng dân số, nhu cầu tách hộ cần đất để sản xuất, gỗ để làm nhà đã tác động không nhỏ đến công tác BVR. Mặc dù lực lượng kiểm lâm không còn phải đối mặt với các đội quân phá rừng chuyên nghiệp nhưng tình trạng khai thác nhỏ lẻ vẫn còn diễn ra.
Ông Trần Xuân Dưỡng - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện cho biết: Với phương châm "BVR tại gốc”, đơn vị đã phối hợp với UBND các xã, các tổ quản lý BVR và các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra rừng, truy quét, tuần tra, kiểm soát lâm sản, đặc biệt các địa bàn trọng điểm, vùng giáp ranh. Đồng thời, có giải pháp chấn chỉnh, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý, BVR tại địa phương, chủ rừng.
Tính riêng năm 2022, trên địa bàn huyện phát hiện và xử lý 81 vụ vi phạm luật lâm nghiệp, xử lý hình sự 1 vụ, xử phạt hành chính nộp ngân sách Nhà nước trên 331 triệu đồng. Nhờ thực hiện đồng bộ các biện pháp, nên từ đầu năm tới nay, tình trạng khai thác, buôn bán, cất giữ, vận chuyển, chế biến lâm sản trái phép đã được kiểm soát ngăn chặn có hiệu quả không để xảy ra điểm nóng”.
Thời gian tới, huyện Mù Cang Chải chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác bảo vệ rừng, PCCCR; tiến hành kiện toàn, tăng cường hoạt động của Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững cấp huyện và Ban chỉ huy PCCCR cấp xã.
"Các xã, thị trấn xây dựng phương án PCCCR cụ thể và tập trung thực hiện các biện pháp phòng chống hiệu quả; đồng thời, thực hiện tốt các quy định PCCCR, củng cố, tu sửa các đường băng cản lửa, các bảng biển, nội quy, biển báo hiệu cấp dự báo cháy rừng" - ông Dưỡng nói.
Đặc biệt, lực lượng kiểm lâm tiến hành rà soát thống kê diện tích nương rẫy gần rừng, có nguy cơ xảy ra cháy lan cao, tổ chức cưỡng chế đốt hoặc đốt có kiểm soát theo quy định; đồng thời, chỉ đạo lực lượng kiểm lâm phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền địa phương, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát trên địa bàn xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp.
Thông Nguyễn