Là tỉnh có điều kiện đất đai, khí hậu thích hợp cho cây chè sinh trưởng, phát triển; có ngành sản xuất chè từ lâu và hình thành các vùng nguyên liệu sản xuất tập trung, Yên Bái xác định cây chè là một trong 4 cây trồng chủ lực của tỉnh trong sản xuất nông nghiệp. Do đó, tỉnh luôn quan tâm, tạo điều kiện cho ngành sản xuất chè phát triển.
Tuy nhiên, Yên Bái cũng là tỉnh có năng suất chè thấp, không đồng đều giữa các vùng, các cơ sở sản xuất; chưa sản xuất được các sản phẩm có chất lượng khác biệt từ các giống mới dẫn đến hiệu quả kinh tế của các giống mới chưa tương xứng tiềm năng trong sản xuất.
Cùng với đó, diện tích, năng suất, sản lượng và chất lượng chè búp tươi những năm qua liên tục giảm và có xu hướng tiếp tục giảm. Một số vùng sản xuất chè truyền thống tại huyện Trấn Yên, Yên Bình, Lục Yên và các xã vùng ngoài của huyện Văn Chấn đang xuống cấp nghiêm trọng.
Việc tổ chức sản xuất chè ở Yên Bái ngoài một số cơ sở gắn vùng nguyên liệu với nhà máy chế biến, đến thị trường, còn phần lớn sản xuất chè không được tổ chức theo chuỗi giá trị mà chia cắt thành từng khâu riêng biệt như: khâu sản xuất nguyên liệu, nhà máy chè chế biến riêng, các cơ sở thu mua tiêu thụ riêng, vì thế không quản lý được chất lượng, vệ sinh an toàn sản phẩm, không tạo được sức cạnh tranh sản phẩm trên thị trường và mới chỉ phù hợp với một số thị hiếu tiêu dùng truyền thống, chưa đáp ứng yêu cầu cao và thị hiếu khác nhau của người tiêu dùng…
Chiều 4/3/2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình sản xuất, chế biến, kinh doanh chè; định hướng phát triển ngành chè theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị và thực hiện Nghị quyết số 69/2020/NQ-HĐND ngày 16/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái.
>>
Yên Bái đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh chè hướng tới xuất khẩu
Để cây chè phát triển, đem lại hiệu quả kinh tế, tỉnh cần khuyến khích các cơ sở chế biến đầu tư sử dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến để sản xuất ra được sản phẩm mặt hàng có chất lượng cao; tăng cường công tác khuyến công, đào tạo nâng cao tay nghề cho người chế biến chè.
Đa dạng các sản phẩm, các mẫu mã, chủng loại đáp ứng nhu cầu, thị hiếu khách hàng, đặc biệt với các vùng chè gắn với bảo tồn văn hóa bản địa và phát triển du lịch như: Suối Giàng, Nậm Búng, Gia Hội, Sùng Đô…
Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại tìm kiếm mở rộng thị trường, bạn hàng để có thị trường ổn định, giá trị sản phẩm cao; nâng cao chất lượng từ khâu nguyên liệu đầu vào đến công nghiệp chế biến giữ uy tín chất lượng sản phẩm; quản lý chặt chẽ, khai thác hiệu quả nhãn hiệu thông thường, nhãn hiệu chứng nhận đã được cấp.
Đặc biệt, quan tâm xây dựng và tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp với người trồng chè từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Khuyến khích doanh nghiệp ký kết hợp đồng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm với các HTX, hộ nông dân sản xuất chè, xây dựng vùng nguyên liệu ổn định.
Đẩy mạnh vai trò hoạt động của các HTX sản xuất chè đã có và tiếp tục phát triển các HTX mới. Xây dựng và nhân rộng mô hình HTX, tổ hợp tác dịch vụ về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho vùng sản xuất chè tập trung; tạo điều kiện cho nông hộ phát triển kinh tế trang trại.
Trên cơ sở quy hoạch được duyệt, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các xã, sự hợp tác giữa các cơ quan, các cơ sở sản xuất, chế biến chè. Tạo điều kiện về cơ sở vật chất, mặt bằng và hỗ trợ kinh phí ban đầu cho việc thành lập HTX, các HTX liên doanh liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chè.
Xây dựng cơ chế để khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển cây chè, kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào các trung tâm dịch vụ kỹ thuật, thương mại và du lịch vùng chè. Từng bước thực hiện liên kết "4 nhà” trong công tác phát triển cây chè để đảm bảo khép kín từ khâu sản xuất, kinh doanh, chế biến và tiêu thụ chè.
Thành Trung