Ngay sau khi Nghị quyết số 11/NQ-CP được Chính phủ ban hành, UBND tỉnh đã xây dựng Chương trình hành động số 05/CTr-UBND và cụ thể hóa nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, ngành chức năng, phân công nghiệp vụ cụ thể cho từng cá nhân, đơn vị.
Trong đó, đối với chính sách tín dụng ưu đãi được giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Chi nhánh tỉnh Yên Bái chủ trì triển khai thực hiện. Tỉnh cũng chỉ đạo các cơ quan truyền thông, báo chí tăng cường tuyên truyền, phổ biến các chính sách theo Nghị quyết 11/NQ-CP trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông qua các tổ chức chính trị - xã hội nhằm đảm bảo người dân và các đối tượng thụ hưởng hiểu rõ về chính sách, tiếp cận với chính sách và cùng tham gia giám sát.
Ông Nguyễn Thanh Hải - Giám đốc NHCSXH Chi nhánh tỉnh Yên Bái cho biết: năm 2022, Chi nhánh đã được giao kế hoạch dư nợ các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết 11/NQ-CP là 276,7 tỷ đồng. Ngay sau khi có thông báo chỉ tiêu kế hoạch của NHCSXH Trung ương, Chi nhánh đã báo cáo UBND tỉnh và tham mưu giúp Trưởng ban Đại diện Hội đồng Quản trị giao chỉ tiêu kế hoạch cho các đơn vị kịp thời. Các đơn vị đã khẩn trương hướng dẫn lập hồ sơ và tổ chức giải ngân cho đối tượng thụ hưởng.
Theo NHCSXH Chi nhánh tỉnh Yên Bái, đến hết năm 2022, đơn vị đã giải ngân cho 3.623 lượt khách hàng với tổng số tiền 186 tỷ đồng, hoàn thành 67% kế hoạch được giao. Trong đó, cho vay tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm 2.276 lao động, số tiền 150 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch được giao; cho vay học sinh sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn mua máy tính, thiết bị học tập 1.291 hộ (1.801 học sinh, sinh viên), số tiền 18 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch; cho vay nhà ở xã hội được 45 hộ số tiền 17,5 tỷ đồng, đạt 99% kế hoạch; cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập được 11 cơ sở, số tiền 0,9 tỷ đồng, đạt 90% kế hoạch.
Đồng thời, thực hiện hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết 11 cho trên 24.700 khách hàng, số tiền hỗ trợ lãi suất 12,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh Yên Bái, các tổ chức chính trị - xã hội và các ngành chức năng đã làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến và kiểm tra, giám sát, đặc biệt với phương thức cho vay đặc thù của NHCSXH đảm bảo tính công khai, dân chủ, minh bạch, từ khâu bình xét cho vay tại tổ tiết kiệm và vay vốn đến khâu công khai danh sách hộ vay vốn tại điểm giao dịch xã, nên nguồn vốn đã được đầu tư đúng đối tượng thụ hưởng, người vay sử dụng vốn đúng mục đích.
Từ các chính sách tín dụng ưu đãi thuộc Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 11/NQ-CP được triển khai trên địa bàn tỉnh đã mang lại những kết quả khả quan, góp phần quan trọng vào việc bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định đời sống của nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc như liên quan đến nguồn vốn, tiến độ giải ngân Chương trình, cơ chế, chính sách.
Đặc biệt, đối với chính sách cho vay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ, hiện Chi nhánh đã được giao nguồn vốn trong năm 2022 là 90 tỷ đồng. Tuy nhiên, cấp có thẩm quyền hiện chưa có hướng dẫn cụ thể về việc rà soát, xác nhận và phê duyệt danh sách đối tượng thụ hưởng chính sách.
Đồng thời, chưa có quy định về các định mức đất ở, đất sản xuất để làm cơ sở xác nhận đối tượng thụ hưởng chính sách nói trên; vì vậy, các đơn vị chưa có cơ sở để giải ngân nguồn vốn được giao, nguồn vốn năm 2022 còn tồn 90 tỷ đồng.
Năm 2023, tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết 11/NQ-CP đảm bảo các chương trình tín dụng này hoàn thành 100% kế hoạch được giao; trong đó, mục tiêu cho vay tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm tăng trưởng 150 tỷ đồng, dư nợ đến hết năm đạt 300 tỷ đồng; cho vay nhà ở xã hội tăng trưởng 20 tỷ đồng, dư nợ đến hết năm đạt 37,5 tỷ đồng; cho vay thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số miền núi theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP tăng trưởng 90 tỷ đồng, dư nợ đến hết năm đạt 90 tỷ đồng.
Để đạt mục tiêu này, NHCSXH tiếp tục phối hợp với các cơ quan truyền thông, Ủy Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh Yên Bái, các hội, đoàn thể làm ủy thác và các ngành liên quan tuyên truyền, phổ biến về chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết 11/NQ-CP. Chủ động trình UBND cấp tỉnh, cấp huyện bổ sung nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương để thực hiện cho vay các đối tượng chính sách theo Nghị quyết 11/NQ-CP.
Phối hợp với các ngành chức năng nắm bắt nhu cầu vốn của đối tượng thụ hưởng để chủ động báo cáo NHCSXH Trung ương tổng hợp nhu cầu vốn kịp thời, đồng thời đôn đốc các đơn vị triển khai cho vay ngay khi được giao vốn.
Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để đảm bảo các chính sách đầu tư đúng đối tượng thụ hưởng, mang lại hiệu quả và ngăn chặn các trường hợp lợi dụng, trục lợi chính sách.
Văn Thông