Thời tiết giao mùa, nhiệt độ, độ ẩm biến động mạnh làm cho sức đề kháng của vật nuôi suy giảm. Đây cũng là giai đoạn dịch bệnh nguy hiểm, như: cúm gia cầm, lở mồm long móng (LMLM) gia súc, tai xanh ở lợn... dễ phát sinh và lây lan thành dịch.
Có kinh nghiệm chăn nuôi 12 năm nay, bình quân mỗi năm, gia đình ông Hoàng Xuân Hợi ở thôn 3, xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình nuôi từ 2 - 3 lứa lợn thịt, mỗi lứa 100 - 150 con. Để có thêm kiến thức trong phát triển chăn nuôi, ông Hợi tham gia các lớp tập huấn ngắn hạn về thú y do xã, huyện tổ chức; áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong chăn nuôi theo từng mùa; đồng thời thường xuyên khử trùng, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, tiêm phòng vắc-xin định kỳ theo hướng dẫn của xã.
Ông Hợi cho biết: "Gia đình tôi thường xuyên quan tâm phòng chống dịch bệnh (PCDB) cho đàn vật nuôi. Trước hết là vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, giữ ấm về mùa đông, mát về mùa hè. Thực hiện tiêm phòng định kỳ vắc - xin phòng chống bệnh tụ huyết trùng để bảo vệ đàn lợn”.
Ông Nguyễn Văn Phương, thôn 6 có 10 con bò được hỗ trợ theo Nghị quyết số 69/2020/NQ-HĐND ngày 16/12/2020 của HĐND tỉnh. Xác định đây là tài sản lớn của gia đình nên ông Phương thường xuyên tuân thủ nghiêm ngặt quy trình tiêm vắc - xin phòng bệnh; nhờ đó, đàn bò phát triển ổn định, không xảy ra dịch bệnh, đến nay đã phát triển lên 14 con.
Ông Phương cho biết: "Vào thời điểm giao mùa, nhiệt độ thất thường, bò dễ mắc các loại bệnh như tụ huyết trùng, LMLM nên chỉ cần một biểu hiện nhỏ là tôi phải chữa trị ngay, nếu không sẽ lây ra cả đàn. Chăn nuôi quy mô lớn rất cần phải có kiến thức về thú y, chăn nuôi. Bởi vậy, tôi đặc biệt chú trọng biện pháp phòng bệnh cho đàn bò để bảo vệ tài sản của gia đình”.
Đến thời điểm này, tổng đàn gia súc chính của xã Phú Thịnh có gần 7.900 con; trong đó, trâu 230 con, bò 280 con, lợn gần 7.400 con và gia cầm 42.600 con. Thực hiện Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh, đến nay, xã Phú Thịnh có 4 mô hình chăn nuôi trâu, bò quy mô 10 con trở lên; 19 mô hình nuôi lợn; 1 hợp tác xã nuôi trâu, bò quy mô 60 con trở lên. Ngoài ra, xã còn có 27 mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô tập trung.
Để đàn gia súc, gia cầm của xã phát triển ổn định, bền vững, cùng với việc vận động người dân duy trì, mở rộng quy mô chăn nuôi, công tác tiêm phòng, PCDB cũng được xã quan tâm chú trọng; trong đó, tăng cường tuyên truyền thông qua các lớp tập huấn để nâng cao nhận thức của người dân.
Hiện tại, xã đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Yên Bình phun 75 lít thuốc tiêu độc khử trùng khu chăn nuôi tập trung của các hộ trên địa bàn; tiêm phòng 150 liều vắc - xin LMLM cho đàn gia súc và đang xây dựng kế hoạch tiêm phòng các loại vắc - xin khác cho đàn vật nuôi nhằm đảm bảo không để dịch bệnh phát sinh ảnh hưởng đến chăn nuôi cũng như thiệt hại về kinh tế cho nông dân. Nhờ đó, trong nhiều năm trở lại đây, trên địa bàn xã không có dịch bệnh lớn phát sinh.
Ông Lê Hồng Quân - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thịnh cho biết: ngay từ đầu năm, xã đều phân công cán bộ chuyên môn phối hợp với Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện rà soát, xây dựng kế hoạch tiêm phòng và đôn đốc nhân dân thực hiện đảm bảo 100% giống vật nuôi trong diện tiêm phòng đều được tiêm phòng đầy đủ.
Cùng đó, mỗi năm xã cũng phối hợp với khối nông nghiệp huyện mở 3 - 5 lớp tổ chức tập huấn kiến thức về chăn nuôi, thú y, cách PCDB trên đàn vật nuôi cho các hộ dân, nhất là những hộ chăn nuôi quy mô tập trung để người dân thường xuyên được cập nhật kiến thức, nắm bắt các phương pháp chăm sóc, PCDB cho đàn vật nuôi hiệu quả nhất.
Thanh Tân