Khoảng nửa tháng trở lại đây, người chăn nuôi Yên Bái như ngồi trên đống lửa bởi giá lợn hơi đang giảm mạnh. Cụ thể, ngày 13/3 giá dao động 45.000 đồng - 47.000 đồng/kg (thấp nhất trong hai năm trở lại đây).
Theo tính toán của ngành chuyên môn và các chuyên gia kinh tế nông nghiệp thì để sản xuất ra được 1 kg lợn hơi đối với các doanh nghiệp (DN) phải chi phí khoảng 51.000 đồng - 52.000 đồng/kg; đối với nông hộ thì chi phí đội lên khoảng 58.000 đồng - 59.000 đồng/kg. Như vậy, với mức giá hiện nay, người chăn nuôi đang lỗ bình quân 500.000 đồng - 700.000 đồng/con.
Khi nói về giá lợn xuống thấp trên Đài Truyền hình Việt Nam, ông Dương Tất Thắng - Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết: "Giá lợn hơi xuống thấp không riêng gì Việt Nam mà hầu hết trên các nước đều giảm; thậm chí, giảm mạnh hơn cả Việt Nam. Ở Trung Quốc, giá lợn hơi vào tháng 10/2022 là 87.000 đồng/kg, nay giảm chỉ còn 55.000 đồng/kg, dù nước này đã mở cửa trở lại”.
Nguyên nhân nữa khiến giá lợn hơi giảm liên tục từ sau tết Nguyên đán đến nay là do nguồn cung lớn của cả DN đến nông hộ. Tính đến hết tháng 2/2023, tổng đàn gia súc đạt 707.589 con, tăng 3% so cùng kỳ; trong đó, đàn lợn trên 557.000 con, đấy là chưa kể hàng triệu con gia cầm. Nguồn cung dồi dào, sức tiêu thụ lại giảm mạnh, bởi sau tết và ảnh hưởng của lạm phát, người dân tự thắt chặt chi tiêu…
Cùng với đó, sau tết nhiều DN khó khăn, sản xuất chưa ổn định; theo đó, giảm lao động, sức tiêu thụ thực phẩm trong các khu, cụm công nghiệp giảm theo… Bên cạnh đó, người tiêu dùng có nhiều lựa chọn, bởi giá các loại thực phẩm như: thủy sản, trứng gia cầm, thịt gia cầm, thịt trâu, bò đang ở mức thấp; do vậy. người dân có xu hướng giảm thịt lợn…
Để nắm rõ hơn thực trạng chăn nuôi lợn hiện nay, chúng tôi đã đến trang trại chăn nuôi lợn của gia đình anh Hoàng Anh Hoa ở thành phố Yên Bái, với quy mô chăn nuôi 10 con nái và trên 400 lợn thịt mỗi lứa.
Từ sau tết Nguyên đán đến nay, giá lợn hơi liên tục giảm, thương lái đến mua tại chuồng chỉ có 56.000 đồng/kg, khiến người chăn nuôi như gia đình anh thua lỗ nặng. Anh Hoa chia sẻ: "Nhà tôi hoàn toàn chủ động được con giống nên chi phí giá thành thấp hơn, nhưng để nuôi được một con lợn đạt trọng lượng thì bình quân mất 12 bao cám cùng với chi phí thuốc men phòng chống dịch, đầu tư chăm sóc, chi phí nhân công… mất 4,5 triệu đồng. Với giá bán hiện nay, trung bình mỗi một con lợn 1 tạ trừ chi phí, tiền giống gia đình thì đang lỗ từ 400.000 đồng -500.000 đồng. Đấy là nuôi khép kín, đầu tư bài bản, còn đối với các hộ nuôi nhỏ lẻ, chắc chắn sẽ lỗ còn cao hơn”.
Gia đình chị Lam ở xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình là hộ có kinh nghiệm nuôi lợn hàng chục năm nay. Chị cho biết: "Do điều kiện kinh tế ở nông thôn, nên gia đình tôi không có vốn đầu tư chăn nuôi lớn mà chỉ nuôi nhỏ lẻ mỗi lứa trên dưới 20 con lợn. Thời điểm trước, giá đầu ra ổn định, mỗi lứa xuất bán tôi cũng thu được vài ba chục triệu đủ trang trải cuộc sống. Nay, giá lợn hơi xuống thấp, thương lái mua lẻ chỉ từ 42.000 đồng - 43.000 đồng/kg nên gia đình vừa xuất bán 1,8 tấn lợn hơi sau khi trừ chi phí bị lỗ 7,2 triệu đồng”.
Lỗ ít là do gia đình chị Lam chủ động được một ít nguồn thức ăn: ngô, cám gạo, rau xanh nên hạn chế thức ăn công nghiệp. Giá lợn xuống thấp, nhưng với hầu hết người chăn nuôi, nhất là chăn nuôi nông hộ thì nuôi lợn vẫn là nguồn thu nhập không thể thiếu, nên họ vẫn tiếp tục tái nuôi với hy vọng giá sẽ cao trong một vài tháng tới.
Trong bối cảnh giá lợn hơi xuống thấp như hiện nay, các cơ quan chuyên môn khuyến cáo các trang trại, hộ nông dân tiếp tục theo dõi thị trường để có kế hoạch chăn nuôi phù hợp, không nên giảm đàn ồ ạt khiến nguồn cung đứt gãy và khi thị trường phục hồi lại thì không có nguồn cung. Khuyến khích các hộ, trang trại phát triển đàn lợn nái để tự tạo ra con giống không chỉ đảm bảo chất lượng, nguồn gốc, sạch bệnh mà giá thành đầu vào sẽ giảm.
Cùng đó, ngoài thức ăn công nghiệp, người chăn nuôi nên tăng cường tận dụng phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn nhằm giảm chi phí, giúp chăn nuôi có lãi và góp phần ổn định nguồn cung thực phẩm. Cần chuyển đổi sang chăn nuôi khép kín từ sản xuất đến chế biến; đồng thời, sử dụng nguồn nguyên liệu thức ăn có sẵn tại địa phương.
Chủ động phòng, chống dịch bệnh, nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi, dịch lợn tai xanh… tránh bị thiệt hại kép. Về lâu dài, ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh sản xuất ngô cung ứng cho DN sản xuất thức ăn để giảm nguồn nguyên liệu nhập khẩu, hạ giá thành sản phẩm.
Thanh Phúc - Mạnh Cường - Thu Trang