Mùa khô (cuối tháng 10 năm trước đến tháng 5 năm sau) thời tiết khô hanh, nắng nóng kéo dài cùng tác động của gió lào luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng cao. Đặc biệt, nguy cơ lớn hơn cả là các huyện, thị phía Tây - nơi có khí hậu khắc nghiệt cùng với tập quán đốt nương làm rẫy của đồng bào.
Để hạn chế thiệt hại do cháy rừng gây ra, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã triển khai nhiều phương án phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) đến các địa phương và chủ rừng. Trong đó, ngay từ trước mùa khô hanh, Chi cục đã triển khai các chỉ thị, công văn về việc thực hiện các biện pháp cấp bách PCCCR nhằm chỉ đạo UBND các cấp, ngành, chủ rừng tăng cường thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng (BVR), PCCCR.
Chi cục tham mưu giúp UBND tỉnh thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, đôn đốc các chủ rừng thực hiện tốt PCCCR; chuẩn bị phương tiện, dụng cụ sẵn sàng chữa cháy rừng; thực hiện tốt việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BVR, tăng cường cán bộ kiểm lâm xuống địa bàn cơ sở, ký cam kết với các hộ dân, mở các lớp tập huấn về PCCCR cho kiểm lâm địa bàn và trưởng nhóm BVR ở các địa phương.
Đồng thời, lãnh đạo Chi cục thường trực 24/24 giờ tại đơn vị; phòng chuyên môn thường xuyên cập nhật, theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng trên hệ thống thông tin cảnh báo cháy rừng sớm của Cục Kiểm lâm để kiểm tra, phát hiện sớm điểm cháy rừng và có biện pháp xử lý kịp thời.
Tại thời điểm này, các giải pháp PCCCR tại các địa bàn trọng điểm cháy rừng đang được "kích hoạt”; trong đó, tập trung hướng dẫn, tuyên truyền về PCCCR; củng cố mạng lưới dự báo, cảnh báo cháy rừng; củng cố các tổ xung kích chữa cháy rừng ở các xã; đồng thời, ký cam kết BVR, PCCCR đến các hộ dân.
Ông Vũ Trọng Huân - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Trạm Tấu - Nghĩa Lộ cho biết: "Đến nay, huyện đã kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025 cấp xã, xây dựng lịch trực PCCCR, có ghi số điện thoại liên lạc của từng thành viên để kịp thời chỉ đạo theo phương châm "4 tại chỗ”.
Các
thôn, bản đã xây dựng phương án PCCCR và thành lập 54 tổ đội BVR, PCCCR với 536 người tham gia; tuyên truyền và cho bà con nhân dân học tập ký cam kết BVR, PCCCR với 6.243 hộ tại 55/57 thôn, bản, tổ dân phố. Cùng đó, kiểm lâm địa bàn phối hợp với công an xã, lực lượng dân quân tự vệ đấu tranh phòng ngừa các đối tượng có nguy cơ xâm hại đến rừng; tổ chức kiểm tra thống kê quản lý nương rẫy áp dụng hình thức xử lý thực bì bằng biện pháp đốt có kiểm soát”.
Huyện Mù Cang Chải có trên 98.626 ha rừng và đất lâm nghiệp. Để chủ động PCCCR, các địa phương, đơn vị chú trọng kiện toàn ban chỉ đạo PCCCR các cấp; giao nhiệm vụ phụ trách cụ thể cho các thành viên; đồng thời, theo chức năng, nhiệm vụ các địa phương trong huyện đều xây dựng kịch bản, thành lập các tổ, đội xung kích thực hiện nhiệm vụ khi xảy ra các vụ cháy rừng.
Bên cạnh đó, Hạt Kiểm lâm huyện tích cực cùng với Ban Quản lý Rừng phòng hộ Mù Cang Chải làm đường băng cản lửa mới, tu sửa đường băng cản lửa cũ và tích cực tuần tra BVR 24/24 giờ. Một trong những cách làm hay được duy trì trong nhiều năm trở lại đây ở Mù Cang Chải là việc triển khai lắp đặt các chòi canh lửa.
Ông Trần Xuân Dưỡng - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện cho biết: "Vào thời kỳ cao điểm cháy rừng, đơn vị duy trì chế độ trực ở 70 chòi canh, lán tạm canh lửa trên địa bàn các xã, thị trấn được đặt tại các điểm cao nhằm theo dõi, quan sát rừng để phát hiện sớm các đám cháy và kịp thời xử lý để hạn chế thiệt hại”.
Công tác PCCCR đã được chính quyền địa phương, ngành chức năng tích cực triển khai. Tuy nhiên, hiện vẫn đang là giai đoạn khốc liệt nhất của mùa khô. Vì vậy, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân về PCCCR và bảo vệ, phát triển rừng.
Tại các vùng rừng trọng điểm nguy cơ cháy rừng cao, các địa phương cần bố trí lực lượng tuần tra, giám sát chặt chẽ người ra vào rừng và việc sử dụng lửa trong rừng, ven rừng để kiểm soát tốt nguồn lửa có thể gây ra cháy rừng.
Các huyện thị vùng cao - nơi người dân có tập quán đốt nương làm rẫy cần tăng cường quản lý các hoạt động canh tác nương rẫy gần rừng; quy định cụ thể khu vực nghiêm cấm đốt rẫy và những hành vi dùng lửa khác; hướng dẫn và quản lý chặt chẽ việc đốt nương làm rẫy theo quy hoạch; ngành chức năng cần thường xuyên kiểm tra công tác PCCCR tại các địa phương; tiếp tục rà soát đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác chữa cháy rừng.
Văn Thông