Xuân về trên đất Y Can
- Cập nhật: Thứ ba, 23/1/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Đến Y Can - một xã vùng sâu nằm ở phía Tây của huyện Trấn Yên những ngày đầu năm, được tận mắt chứng kiến không khí lao động khẩn trương trên nương quế, dưới đồng ruộng của các hộ đồng bào dân tộc Kinh, Dao, Tày, Mường, Nùng... mới cảm nhận được sức bật mới cùng những đổi thay kỳ diệu của vùng quê nghèo bên hữu ngạn sông Hồng.
Nông dân xã Y Can chuẩn bị đất và giống cho vụ xuân.
|
Toàn xã có 12 thôn, bản với 767 hộ, những năm trước cuộc sống của người dân Y Can vô cùng khó khăn, đặc biệt là hơn 200 hộ đồng bào dân tộc Dao ở các thôn vùng sâu. Ruộng đất ít, lại chỉ gieo cấy một vụ lúa, kinh tế của họ chủ yếu trông vào những gùi lúa nương do chặt phá rừng làm rẫy mà có được. Vì thế, đất rừng cùng nguồn nước ngày càng khánh kiệt, để lại cái đói, cái nghèo và sự nheo nhóc, lạc hậu bởi đông con, nhiều cháu. Thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp, từ năm 2001, xã đã mạnh dạn thực hiện phong trào chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; khai hoang mở rộng diện tích ruộng nước và thâm canh tăng vụ. Ngay cả đội ngũ cán bộ lãnh đạo xã cũng triển khai học tập bổ túc văn hóa, bồi dưỡng chính trị, chuyên môn tại huyện, tại tỉnh để nâng cao năng lực, trình độ. Đến nay, đồng bào dân tộc từ các thôn, bản vùng thấp đến vùng cao trong xã đã được học tập, tiếp thu kiến thức KHKT, biết làm mạ khay, mạ ném, biết làm vụ ba trên đất hai vụ lúa và đặc biệt có nhiều hộ đã xây dựng được mô hình phát triển kinh tế theo hướng VACR. Từ những thôn, bản có số hộ nghèo cao nhất, thì nay tỷ lệ hộ giàu ở những thôn người Dao vùng sâu của Y Can lại khiến nhiều hộ khác trong xã phải nể phục với thu nhập từ kinh tế vườn rừng đạt từ 60 - 100 triệu đồng/năm. Đó là các gia đình: Triệu Phú Thăng, thôn Minh An, thu 60 triệu đồng; Triệu Phúc An, thôn Minh An, thu 100 triệu đồng; Dương Đức Văn, thôn An Hòa, thu 100 triệu đồng; Dương Trung Nguyên, Trưởng thôn An Thành năm 2006 cũng thu 100 triệu đồng...
Đến Y Can những ngày đầu năm mới 2007, được đi dọc những con mương dài ăm ắp nước, được hòa mình trong không khí thi đua lao động sản xuất khẩn trương của bà con nông dân từ thôn 1 tới thôn 12 mới thấy được nội lực trong dân còn rất lớn. Những cô gái Dao răng đen nhánh nhoẻn cười sau lưng lũ trâu béo đang chở mạ ra đồng; những chàng trai người Tày, người Nùng khỏe khoắn gánh những sọt đầy bầu quế giống lên rừng trồng cây vụ xuân. Ngay đầu thôn Minh An là các bà, các mẹ cùng nhiều hội viên các đoàn thể trong xã đang lao động vệ sinh đường liên thôn, bản chuẩn bị đón Tết. Chủ tịch UBND xã là người Dao, Triệu Đình Khoa vừa đi vừa phấn khởi tâm sự: "Năm 2006, quế được giá, cả xã bán được hơn 200 tấn quế vỏ, mang về nguồn thu lớn. Ngoài ra, còn bán được 400 m3 gỗ quế và hơn 300 tấn gỗ nguyên liệu giấy cho Công ty Yên Sơn". Cùng với những bước chuyển dịch trong cơ cấu cây trồng vật nuôi và phát triển kinh tế hộ gia đình, bộ mặt kinh tế - xã hội ở Y Can đã thực sự đổi mới. Năm 2006, nhờ khai hoang thêm 19 ha ruộng nước, xã nâng diện tích ruộng nước lên 113 ha, gieo cấy bằng 100% giống lúa mới đã đưa năng suất bình quân tăng lên gần 49 tạ/ha. Cùng đó, với diện tích quế có trên 650 ha và 21,6 ha tre măng Bát Độ vừa cho thu nhập 20 tấn đã góp phần tăng thu nhập bình quân đầu người lên 4,5 triệu đồng/người/năm.
Hôm nay ở Y Can, hầu hết các thôn, bản đã mở đường cho xe máy đi lại thuận lợi, 2/12 thôn có đường ô tô vào thôn; người dân ở 11/12 thôn được sử dụng điện lưới quốc gia; 7 thôn đã xây dựng được nhà văn hóa, trong đó 3 thôn Minh An, Hòa Bình và Tự Do được công nhận đạt danh hiệu thôn văn hóa cấp huyện. Năm 2004, xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, năm 2005 đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở, đây chính là tiền đề quan trọng để Y Can phấn đấu xây dựng xã văn hóa vào năm 2010. Tuy vậy, như kiến nghị của bà con trong xã là mong muốn được Nhà nước đầu tư xây dựng công trình thủy lợi Ngòi Gùa để vừa đảm bảo phục vụ tưới tiêu cho diện tích lúa của xã, vừa cung ứng thêm cho cả ba xã Minh Tiến, Âu Lâu và Quy Mông. Được như vậy, diện tích và năng suất các vụ lúa tiếp theo của Y Can chắc chắn sẽ tăng lên. Đó vừa là mong ước phấn đấu cũng vừa là lời hứa quyết tâm thực hiện của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Y Can trong hành trình xây dựng mô hình nông thôn mới của Trấn Yên.
Thanh Hương
Các tin khác
YBĐT - Thực hiện Hiệp định tín dụng Dự án " Phát triển chè và cây ăn quả", giữa Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và mục tiêu của dự án là tăng thu nhập cho nông dân và tăng giá trị hàng nông sản thông qua việc phát triển sản xuất chè và cây ăn quả, tăng cường bảo vệ môi trường thông qua trồng chè, cây ăn quả, tỉnh Yên Bái là một trong 6 tỉnh được thực hiện Dự án chè trong dự án giai đoạn 2002-2006 với tổng số vốn 1.483.580 USD cho hai hợp phần là: đầu tư trồng mới, trồng phục hồi và thâm canh; nguồn vốn tín dụng cho vay.
YBĐT - Năm 2006, nền kinh tế địa phương tiếp tục tăng trưởng cao, thị trường hàng hoá, dịch vụ giao lưu thương mại ngày càng sôi động. Tuy nhiên, thị trường cũng phát sinh và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ổn định, nạn buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại tiếp tục gia tăng và diễn biến phức tạp.
YBĐT - Với chức năng quản lý, điều hành nguồn ngân quỹ Quốc gia, huy động và cấp phát vốn, năm 2006 cán bộ ngành Kho bạc Yên Bái được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh và Kho bạc nhà nước Việt Nam, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao, đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh trên quê hương Yên Bái.
YBĐT - Vào những ngày cuối năm, chúng tôi lại có chuyến lên công tác tại Mù Cang Chải; đến La Pán Tẩn - một trong những xã mà những năm trước đây đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, nhưng hiện nay đang có những bước bứt phá rất đáng khích lệ, đặc biệt cây thảo quả đã trở thành cứu cánh cho người dân.