Là một trong những hộ có thâm niên chăn nuôi lâu năm trên địa bàn xã Trúc Lâu nhưng từ khi đầu tư chuồng trại, mở rộng số lượng đàn gia súc, kinh tế gia đình ông Vũ Đức Phận, thôn Nà Hiên mới dần có của ăn, của để.
Ông Phận cho biết: "Trước đây, chăn nuôi theo kiểu chăn thả đàn vật nuôi hay bị dịch bệnh lại tốn nhiều công lao động nhưng giờ nuôi nhốt tại chuồng mang lại nhiều lợi ích từ khâu chăm sóc, tiết kiệm nhân công lại phòng chống dịch tốt hơn. Tuy giá trâu, bò có giảm nhưng lúc nào gia đình tôi vẫn luôn duy trì trên dưới 20 con”.
Theo thống kê, hiện, trên địa bàn xã Trúc Lâu có khoảng 640 con trâu, 45 con bò, 315 con dê, 3.635 con lợn; trong đó có nhiều mô hình chăn nuôi theo quy mô gia trại bán công nghiệp. Việc phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa đã góp phần mang lại thu nhập ổn định, nâng cao đời sống cho người dân trên địa bàn.
Ông Phạm Minh Phong – Chủ tịch UBND xã Trúc Lâu cho biết: "Để người dân chuyển dần từ chăn nuôi truyền thống, nhỏ lẻ sang chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa; cấp ủy, chính quyền xã đã tích cực tuyên truyền và phối hợp với Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức khoa học, kỹ thuật trong chăn nuôi cho người dân. Bên cạnh đó, xã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể thực hiện phát triển nhiều mô hình chăn nuôi giúp bà con nông dân tìm ra hướng đi trong phát triển kinh tế gia đình; qua đó, phát hiện những mô hình chăn nuôi hiệu quả, phù hợp với điều kiện của địa phương để nhân rộng trong toàn xã...”.
Xác định chăn nuôi gia súc là một trong những trọng tâm trong sản xuất nông nghiệp, huyện Lục Yên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân và đặc biệt quan tâm đưa các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh, trung ương vào cuộc sống; trong đó, chú trọng triển khai hỗ trợ kinh phí làm chuồng trại chăn nuôi đại gia súc; từ đó, thúc đẩy chăn nuôi nhỏ lẻ thành các khu nuôi nhốt tập trung.
Bên cạnh đó, huyện đã chỉ đạo các địa phương phối hợp với Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức các lớp tập huấn để nâng cao kiến thức, chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho người chăn nuôi; tạo điều kiện và khuyến khích người dân đưa con giống tốt, có giá trị kinh tế cao vào chăn nuôi; tích cực đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật áp dụng vào chăn nuôi nhằm tăng năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm…
Nhờ những giải pháp đó, tổng gia súc của huyện luôn có sự phát triển ổn định, ít dịch bệnh; trong đó, có nhiều mô hình chăn nuôi gia súc tập trung theo hướng hàng hoá mang lại thu nhập cao cho người dân. Đến nay, tổng đàn gia súc trong toàn huyện ước đạt trên 107.000 con; trong đó, trâu là 18.480 con, bò 1.850 con, lợn hơn 87.000 con…
Ông Trần Quốc Tuấn - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: "Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển chăn nuôi theo hướng có chuồng trại tập trung; chủ động công tác phòng chống dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, chú trọng lựa chọn con giống, sử dụng giống lai phù hợp với điều kiện chăn nuôi tại địa phương; tìm kiếm thị trường; quy hoạch bãi chăn thả, trồng cỏ phục vụ chăn nuôi…; tận dụng các chính sách hỗ trợ của tỉnh. Đó sẽ là điều kiện thiết thực để phát triển chăn nuôi đại gia súc, góp phần giảm nghèo bền vững trên địa bàn”.
Hùng Cường