Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 20/01/2021 của Tỉnh ủy Yên Bái về phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới (XDNTM) bền vững tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021 - 2025 (Nghị quyết 20) đã giúp huyện Lục Yên đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, thúc đẩy nông dân thay đổi cơ cấu sản xuất phù hợp với điều kiện các xã, thị trấn; đồng thời, là điều kiện thuận lợi huy động nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất hàng hóa, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế trên địa bàn.
Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 20, giá trị sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản của Lục Yên ước đạt trên 1.500 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch.
Ông Trần Quốc Tuấn - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: "Việc triển khai thực hiện Nghị quyết đã góp phần đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, thúc đẩy nông dân thay đổi cơ cấu sản xuất phù hợp với điều kiện của các xã, thị trấn”.
Nổi bật là kết quả trong cơ cấu sản xuất theo vùng, Lục Yên đã hình thành rõ nét vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: vùng sản xuất lúa trên 600 ha, vùng ngô gieo trồng ổn định hàng năm trên 3.500 ha, vùng lạc diện tích gieo trồng 1.000 ha/năm, vùng cây ăn quả có múi 939 ha, vùng tre lấy măng (mai, Bát độ) 650 ha; vùng quế tập trung 4.500 ha...
Các ngành chuyên môn của huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng và nhân rộng mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị hàng hóa. Tập trung phát triển sản xuất, kinh doanh theo hình thức hợp tác xã (HTX), hỗ trợ và nâng cao chất lượng và xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông lâm nghiệp và thủy sản.
Năm 2022, huyện đã thành lập mới 13 HTX. Các HTX đã chủ động liên kết với các doanh nghiệp đầu tư, trang bị máy móc, đào tạo kỹ thuật chế biến, cam kết bao tiêu sản phẩm cho HTX; HTX tổ chức hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, tổ chức thu mua nguyên liệu, sản xuất, sơ chế theo tiêu chuẩn, đơn đặt hàng của doanh nghiệp.
Đồng thời, để chủ động nguồn nguyên liệu đảm bảo chất lượng, các HTX đã cam kết hỗ trợ các dịch vụ đầu vào, bao tiêu sản phẩm đầu ra cho người dân nhằm ổn định sản xuất. Dần hình thành các HTX sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị từ trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến, đến cung cấp sản phẩm ra thị trường, người tiêu dùng như: HTX Thái Sơn, HTX Cam sành Lục Yên, HTX Nông lâm nghiệp và Thủy sản Khánh Thiện…; đồng thời, duy trì và phát triển làng nghề dệt thổ cẩm, chế tác đá, đan rọ tôm tại các xã Phúc Lợi, Tân Lĩnh, Liễu Đô, Phan Thanh.
Bên cạnh chú trọng XDNTM bền vững, đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển nông nghiệp, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, tăng cường năng lực nội nhập và phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững… huyện Lục Yên tập trung thực hiện Chương trình OCOP. Theo đó, năm 2022, được UBND tỉnh công nhận 3 sản phẩm OCOP đạt 3 sao và đến hết năm 2022, huyện có 16 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao.
Chương trình OCOP bước đầu góp phần nâng cao được giá trị, chất lượng sản phẩm, tạo thêm niềm tin, uy tín đối với người tiêu dùng sản phẩm và đây là động lực mới trong phát triển sản xuất và XDNTM, phát triển kinh tế nông thôn; mở ra cơ hội cho các sản phẩm được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường; một số sản phẩm được sự quan tâm và ký kết hợp đồng tiêu thụ với các siêu thị, nhà phân phối lớn. Chương trình bước đầu cũng khuyến khích các doanh nghiệp, HTX, chủ thể đầu tư vào nông nghiệp; trong đó, HTX tham gia chiếm 92,3%, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, giải quyết việc làm cho người dân nông thôn.
Ông Đoàn Ngọc Tuấn - Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Yên cho biết: Với mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với XDNTM bền vững, huyện tập trung phát triển về sản lượng, chất lượng các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP gắn với xây dựng nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc, đáp ứng nhu cầu của thị trường, nâng cao lợi thế cạnh tranh của các sản phẩm chủ lực, đảm bảo an ninh lương thực. Phát triển lâm nghiệp đa mục tiêu, bảo vệ tốt diện tích rừng trồng hiện có, nâng cao chất lượng, hiệu quả rừng trồng theo hướng phát triển trồng rừng gỗ lớn gắn với du lịch, dịch vụ, công nghệ chế biến, bảo quản, tiêu thụ phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu... Phấn đấu xây dựng huyện Lục Yên cơ bản đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021 - 2025”.
Theo đó, thời gian tới, Lục Yên tập trung đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đặc biệt trong nông nghiệp và nông thôn. Phấn đấu hoàn thành toàn diện chỉ tiêu diện tích gieo trồng, năng suất và sản lượng, đảm bảo tiến độ thực hiện kế hoạch phát triển vùng cây ăn quả, vùng trồng tre măng và vùng trồng các cây trồng ngắn ngày. Phát triển mạnh chăn nuôi hàng hóa theo hướng giảm số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, tăng số hộ chăn nuôi gia trại, trang trại, công nghiệp, bán công nghiệp theo hướng an toàn sinh học và bảo vệ môi trường… Qua đó, thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế trên địa bàn huyện, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập bền vững cho người dân nông thôn.
Thành Trung