Để thực hiện có hiệu quả Chương trình OCOP năm 2023 và cả giai đoạn 2023 - 2025, huyện Yên Bình đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp theo hướng tạo điều kiện và động lực cho người sản xuất mạnh dạn đầu tư, phát triển các sản phẩm lợi thế của địa phương.
Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền lồng ghép với hoạt động tuyên truyền trong xây dựng nông thôn mới (XDNTM) để nâng cao nhận thức cho cán bộ, người dân, các chủ thể sản xuất. Từ đó, kích thích tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất, tạo điều kiện và động lực cho người sản xuất mạnh dạn đầu tư, phát triển các sản phẩm lợi thế của địa phương.
Đồng thời, chỉ đạo các ngành chuyên môn rà soát, hướng dẫn, khuyến khích các chủ thể sản xuất đăng ký tham gia Chương trình OCOP năm 2023 đối với các sản phẩm có tiềm năng. Ngành chuyên môn cũng hướng dẫn các chủ thể tiếp tục hoàn thiện sản phẩm đảm bảo các điều kiện để đánh giá, phân hạng sản phẩm.
Ông Lã Tuấn Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: "Năm 2023, huyện tổ chức đánh giá ít nhất cho 9 sản phẩm phát triển mới và 9 sản phẩm đánh giá lại. Huyện cũng tổ chức các lớp đào tạo tập huấn cho cán bộ quản lý, cán bộ theo dõi Chương trình các cấp, các tổ chức, cá nhân tham gia Chương trình OCOP huyện và thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu trong, ngoài tỉnh cho sản phẩm OCOP.
Cùng đó, huyện chú trọng hướng dẫn các chủ thể sản phẩm tổ chức sản xuất tuân thủ đúng các quy định của pháp luật; đó là, mở rộng quy mô sản xuất theo các tiêu chuẩn đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm; bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất; sử dụng bao bì, nhãn hiệu đúng quy định; phát huy tốt sức mạnh cộng đồng, phát huy những giá trị tiềm năng, lợi thế của địa phương trong tổ chức sản xuất và phát triển sản phẩm…".
Từ đó, tạo ra nguồn sản phẩm phong phú, đảm bảo về chất lượng, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người lao động tại địa phương, góp phần thiết thực vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM. Điển hình như vào cuối năm 2022, Công ty TNHH Thủy sản sạch Hải Hà đã ký kết với đối tác Central Retail về việc đưa các sản phẩm của mình vào hệ thống siêu thị của tập đoàn.
Bà Vũ Thị Thu Hương - Quản lý Công ty TNHH Thủy sản sạch Hải Hà cho biết: "Để vào được siêu thị lớn như Big C, bên cạnh việc đảm bảo đầy đủ các chứng nhận của tỉnh như sản phẩm đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm của cơ quan chức năng thì các sản phẩm của Công ty phải đảm bảo đủ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt từ: nuôi trồng, sản xuất, chế biến và bảo quản khi tiêu thụ. Đây là lần đầu tiên các sản phẩm: chả, xúc xích, ruốc cá lăng đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh của Công ty được đưa vào bán tại hệ thống siêu thị Big C đánh dấu sự phát triển vượt bậc của sản phẩm”.
Đặc biệt, huyện quan tâm khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư nâng cấp dây truyền thiết bị tiên tiến, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, chế biến sản phẩm, cải tiến mẫu mã, tem nhãn, bao bì... cũng như tìm cách hỗ trợ các chủ thể tham gia thực hiện Chương trình OCOP tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ thông qua các cơ chế, chính sách hiện hành của Nhà nước và tỉnh.
Được biết, trong tháng 3 vừa qua, UBND huyện Yên Bình đã đề xuất UBND tỉnh tăng số lượng sản phẩm tham gia đăng ký đánh giá mới từ 21 sản phẩm lên 24 sản phẩm OCOP giai đoạn 2022 - 2025; trong đó, đã thực hiện đánh giá năm 2022 là 12 sản phẩm, còn lại 12 sản phẩm đăng ký trong giai đoạn 2023 - 2025.
Bên cạnh đó, huyện cũng đề nghị điều chỉnh tăng số sản phẩm đánh giá lại từ 18 sản phẩm được phê duyệt tại Quyết định số 1633/QĐ-UBND lên 28 sản phẩm; điều chỉnh tăng số sản phẩm nâng hạng từ 0 sản phẩm được phê duyệt tại Quyết định số 1633/QĐ-UBND lên 1 sản phẩm.
Hiện nay, toàn huyện có 29 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao và 1 sản phẩm OCOP đạt 4 sao. Dự kiến, hết năm 2023 có ít nhất 38 sản phẩm OCOP và phấn đấu được công nhận là huyện đạt chuẩn NTM. Đây là tiền đề vững chắc để Chương trình trở thành hướng đi hiệu quả trong phát triển nông nghiệp, nông thôn của huyện Yên Bình thời gian tới.
Hồng Duyên