Được biết đến là "thủ phủ” của cây chè ở Yên Bái, những năm qua, huyện Văn Chấn tập trung quy hoạch, chuyển đổi diện tích chè già cỗi bằng các giống chè mới cho năng suất cao. Trong số hơn 4.600 ha chè, đến nay, có gần 3.000 ha được trồng mới, trồng cải tạo bằng các giống chè lai LDP1, LDP2 cho năng suất, chất lượng cao. Cùng đó, huyện cũng thực hiện tốt công tác khuyến công, khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chè sau chế biến.
Bên cạnh đó, các diện tích chè Shan tuyết vùng cao được huyện quan tâm, động viên, hỗ trợ nhân dân mở rộng diện tích. Từ năm 2016 đến nay, có trên 300 ha chè Shan tuyết được trồng mới, nâng tổng diện tích chè Shan vùng cao lên trên 1.500 ha.
Ông Hoàng Hữu Dũng - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: "Để nâng cao thu nhập, khuyến khích nhân dân tập trung thâm canh chăm sóc, bảo vệ các diện tích chè Shan, huyện đã đẩy mạnh liên kết sản xuất, xúc tiến quảng bá xây dựng thương hiệu chè. Cùng với sản phẩm chè Shan tuyết Suối Giàng đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận nhãn hiệu chứng nhận, các sản phẩm chè Shan Giàng Pằng, chè Shan Nậm Búng cũng đang được các nhà đầu tư quan tâm. Nhờ đó, các sản phẩm chè Shan luôn đạt giá trị khá cao, trung bình đạt 12.000 đồng/kg chè búp tươi”.
Cùng với chè, cây ăn quả có múi cũng được huyện Văn Chấn xác định là cây trồng chủ lực trong nâng cao thu nhập cho người dân. Hiện nay, huyện đã quy hoạch phát triển vùng cây ăn quả có múi với diện tích trên 1.400 ha; trong đó, có hơn 1.000 ha đang cho thu hoạch với sản lượng đạt trên 9.500 tấn quả/năm.
Để hạn chế sâu bệnh, huyện đẩy mạnh nghiên cứu, áp dụng các phương pháp trồng, chăm sóc, thu hoạch theo tiêu chuẩn VietGAP và liên kết các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất...
Sản phẩm cam Đường canh của Hợp tác xã Trồng cây ăn quả và Dịch vụ tổng hợp Bình Thuận được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao và đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng bảo hộ Chỉ dẫn địa lý "Cam Văn Chấn”.
Đến nay, toàn huyện đã có trên 100 ha cam, quýt đạt chứng chỉ tiêu chuẩn VietGAP; trong đó, sản phẩm cam Đường canh của Hợp tác xã (HTX) Trồng cây ăn quả và Dịch vụ tổng hợp Bình Thuận được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao và đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng bảo hộ Chỉ dẫn địa lý "Cam Văn Chấn”. Đây là điều kiện quan trọng giúp các sản phẩm cam, quýt của huyện tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước.
Ông Hoàng Hữu Dũng cho biết thêm, cùng với cây chè, cây ăn quả có múi, những năm qua, huyện tập trung quy hoạch, xây dựng, phát triển các cây trồng chủ lực như: cây quế, nếp Tan Tú Lệ, rau màu... theo hướng liên kết sản xuất, nâng cao giá trị sản xuất.
Trong đó, nếp Tan Tú Lệ hiện có HTX Dịch vụ tổng hợp Tú Lệ liên kết sản xuất với hơn 200 hộ, quy mô trên 50 ha; toàn bộ diện tích sản xuất của người dân đã được chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP năm 2020. Sản phẩm gạo nếp Tan Tú Lệ của HTX được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao năm 2020. Với giá bán 70.000 đồng/kg, hàng năm HTX tiêu thụ khoảng 70 tấn thóc cho các hộ liên kết; năm 2021 sản phẩm gạo nếp đã được cấp chỉ dẫn địa lý Nếp Tú Lệ.
Việc chú trọng phát triển bền vững các cây trồng chủ lực đã góp phần giúp huyện nâng tổng giá trị sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản năm 2022 đạt 1.355 tỷ đồng; bình quân thu nhập đạt 34,5 triệu đồng/người; hộ nghèo giảm còn 4.959 hộ, chiếm tỷ lệ 16,07%...
Thời gian tới, Văn Chấn tiếp tục phát triển các mô hình sản xuất các sản phẩm nông lâm nghiệp, thủy đặc sản chủ lực gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2023 - 2025 theo hướng bền vững, nâng cao hiệu quả kinh tế; đồng thời, chủ động ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh đó, huyện tập trung phát triển nhân rộng các mô hình là hướng đi đúng trong lộ trình xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo chiều sâu nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Hùng Cường