Cây sơn “bám rễ” đất Sơn Thịnh

  • Cập nhật: Thứ sáu, 28/4/2023 | 11:02:05 AM

YênBái - Khu dân cư Phù Sơn thuộc tổ dân phố Thác Hoa, thị trấn Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn có trên 90% đồng bào dân tộc Dao sinh sống. Vài năm trở lại đây, đời sống người dân khấm khá hơn hẳn. Câu chuyện đổi đời từ cây sơn - loài cây từng bị người dân nơi đây “bỏ rơi” đã trở lên thời sự...

Lãnh đạo thị trấn Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn trao đổi với người dân về hướng phát triển cây sơn.
Lãnh đạo thị trấn Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn trao đổi với người dân về hướng phát triển cây sơn.

Sau gần 3 năm theo anh em trồng, chăm sóc trên 8.000 m2 cây sơn, chỉ 3 tháng cuối năm 2022, gia đình bà Hoàng Thị Đánh đã thu về hơn 70 triệu đồng tiền bán nhựa sơn. Đó là khởi đầu cho niềm vui lớn khi năm nay mới vào đầu vụ, hầu như ngày nào gia đình bà cũng vào rừng thu hoạch nhựa sơn. Ở tuổi thứ 4, cây sơn đang sức trẻ nên chỉ cần 60 - 70 chắp (dụng cụ hứng nhựa sơn), bà và các con đã thu hoạch được 1 kg sơn nên trung bình mỗi ngày đêm, gia đình bà thu về 12 kg sơn. Với giá trung bình 420.000 đồng/kg, gia đình bà có nguồn thu 5 triệu đồng. 

Không chỉ thu được 1 đêm mà diện tích sơn có thể cho thu hoạch 3 lần/tuần, 10 - 12 lần mỗi tháng, thời gian thu hoạch từ tháng 3 - tháng 9 hàng năm. Tính sơ sơ, gia đình bà thu nhập trên 50 triệu đồng/tháng. Bà Đánh không giấu nổi niềm vui: "Trước các con tôi đi làm ăn xa, cũng có thu nhập vài triệu đồng mỗi tháng, nhưng gia đình xa cách. Thấy anh em trồng sơn có hiệu quả, sẵn có đất nên tôi bảo các cháu về trồng. Nay thì yên tâm rồi, các cháu có việc làm và thu nhập cũng khá. Với diện tích còn lại, gia đình cũng đang khai phá để trồng thêm”. 

Ở đây, câu chuyện về những tỷ phú cây sơn không còn hiếm. Bằng chứng là trước đây, tỷ lệ hộ nghèo luôn chiếm  50 - 60%. Nay đã khác, nhiều nhà xây kiên cố mọc lên san sát, trong đó có những biệt thự đều là của những ông chủ rừng sơn.

Câu chuyện cây sơn đến với khu dân cư Phù Sơn nói riêng và tổ dân phố Thác Hoa cũng tự nhiên như câu chuyện người dân kiếm kế sinh nhai. Ấy là những năm 2010 - 2013, khi đời sống người dân nơi đây còn rất khó khăn, nhiều thanh niên trong làng đã đi đến các tỉnh bạn tìm kiếm việc làm. 

Trong đó, nhóm anh em nhà anh Đặng Văn Tân đã tham gia lao động nông, lâm nghiệp ở tỉnh Phú Thọ. Quá trình lao động, các anh nhận thấy người dân Phú Thọ trồng cây sơn ta rất hiệu quả. Cây dễ trồng, tốn ít chi phí đầu tư, chăm sóc và phù hợp với điều kiện lao động ở địa phương. 

Nghĩ vậy, anh Tân cùng mấy anh em đã quyết đem 1.000 cây sơn ta về trồng thử. Thế nhưng chuyện đến với cây sơn là cơ duyên, chuyện mang cây sơn ta về làng trồng lại là cả quá trình gian khó. Bởi lời truyền "Sơn ăn tùy mặt", người dân nơi đây hết sức miệt thị với loài cây này và không cho anh Tân trồng. 

Cực chẳng đã, anh phải mang số cây sơn vào tận rừng sâu để trồng. Ngày qua ngày, lấy ngắn nuôi dài, anh phải trồng sơn xen sắn mưu sinh qua ngày. Cây chưa được thu nhưng do tập quán thả rông gia súc, nhiều cây bị trâu, bò  phá hoại. Tệ nhất là những người đi lấy củi, hay chăn thả trâu, bò, hễ gặp ngứa ngáy, hay dị ứng là lại tìm anh bắt đền. Anh Tân tâm sự: "Thời điểm đó, có những lúc tưởng chừng muốn bỏ cuộc, vừa đói vừa cực nhưng tôi quyết tâm trồng bằng được cây sơn, chứng minh cho dân làng thấy những lời đồn thổi chỉ là nói quá lên. Tôi đưa cả vợ, con vào rừng sơn sinh sống để người dân thấy không sao. Lâu dần, người dân cũng hiểu để cho vợ, chồng mình làm”. 

Sau hơn 3 năm trồng chăm sóc, đến năm 2016, diện tích sơn bắt đầu cho thu hoạch, tuy giá thành chỉ được 250.000 đồng/kg nhưng đã giúp gia đình anh dần khá giả. Có vốn, anh tiếp tục mở rộng lên trên 3 ha. 

Từ chỗ e dè, lo ngại cây sơn ta, người dân Phù Sơn đã học theo anh Tân, khai khẩn đất hoang, đồi trọc, chuyển đổi các diện tích sắn, ngô kém hiệu quả sang trồng Sơn. Năm 2020, cả khu dân cư tổ dân phố Thác Hoa có gần 25 ha, đến năm 2022, cả diện tích đã lên trên 70 ha cây sơn. 

Qua đánh giá, cây sơn rất dễ trồng, chi phí đầu tư và phân bón rất thấp. Trung bình mỗi héc-ta với mật độ 1.700 - 2.000 cây, chi phí khoảng 1,5 triệu tiền giống, cộng với phân bón ban đầu nếu có nhân lực trồng, chăm sóc mỗi héc-ta sơn ta sau 4 năm trồng được thu hoạch chi phí hết 20 triệu đồng. 

Khi vào thời kỳ thu hoạch chính, mỗi héc-ta có thể cho sản lượng 1,5 - 2 tấn sơn/năm. Nếu tính giá thời điểm hiện tại 420.000 đồng/kg thì mỗi héc-ta sơn cho thu nhập ít nhất 700 triệu đồng. Tuy việc thu hoạch khá vất vả, vì phần lớn thời gian cạo mủ vào ban đêm nhưng với khả năng cho thu hoạch kéo dài 6 - 7 năm và giá trị hiện có thì cây sơn đang là cây "đẻ ra vàng" trên vùng đất khó.

Trên cơ sở kết quả đạt được và thực trạng phát triển các mô hình kinh tế nông, lâm nghiệp tại địa phương, cấp ủy, chính quyền thị trấn Sơn Thịnh đã xem xét và đề nghị huyện Văn Chấn xây dựng cây sơn trở thành mô hình kinh tế đặc trưng. Trước mắt, thị trấn đang kêu gọi các nguồn hỗ trợ để tiếp tục giúp đỡ các hộ nghèo và động viên các hộ dân ở tổ dân phố Thác Hoa mở rộng diện tích trồng cây sơn. Thị trấn cũng chỉ đạo Hội Nông dân và tổ dân phố tập hợp các hộ trồng sơn, tạo mối liên kết để thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã, xúc tiến tìm kiếm các nhà đầu tư để tạo chuỗi liên kết từ cung ứng đến giống, đến tư vấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và bao tiêu sản phẩm. 

Ông Nguyễn Ngọc Quý  - Chủ tịch UBND thị trấn Sơn Thịnh cho biết: "Chúng tôi đánh giá rất cao mô hình trồng sơn của người dân tổ dân phố Thác Hoa. Thị trấn đang tiếp tục khuyến khích nhân dân tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tận dụng đất trống, đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng cây sơn. Đồng thời, khuyến khích các hộ tập hợp, giúp đỡ nhau về kinh nghiệm trồng, chăm sóc và quá trình thu hoạch cũng như tạo ra số lượng sản phẩm đủ lớn để đáp ứng yêu cầu làm hàng hóa”.

Từ những ngày gian khó ban đầu, đến nay, sau 10 năm bám rễ trên đất Sơn Thịnh, cây sơn đã thực sự làm cho nhiều hộ nông dân đổi đời. Hiệu quả kinh tế và những giá trị đích thực từ cây sơn mang lại đã xóa tan những định kiến của người dân về loài cây này. Để hôm nay, trên bản Phù Sơn những cánh rừng sơn xanh mướt cứ nối dài ôm ấp những bản làng trù phú. Nơi đó, dòng "vàng trắng" vẫn ngày đêm tuôn chảy mang về cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho những người nông dân cần mẫn bấy lâu. 

Với những thành công đạt được, cây sơn ta đang trở thành một cây trồng mới có tiềm năng phát triển kinh tế rất cao. Không chỉ tại địa phương này, cây sơn cũng đang được người dân Văn Chấn trồng nhân rộng tại các khu vực khác trên địa bàn.

 Trong tổng thể, để phát triển cây sơn một cách bền vững, cần có những nghiên cứu về sinh thái học của cây, đánh giá tác động của việc trồng cây sơn đến đa dạng sinh học và môi trường địa phương. Ngoài ra, cần thiết lập các chính sách hỗ trợ để khuyến khích việc trồng cây sơn một cách bền vững và hiệu quả.
Trần Van

Tags Cây sơn mô hình kinh tế đồng bào Dao vùng chè đá cảnh

Các tin khác
Bãi rác thải sinh hoạt xã Báo Đáp hiện mỗi ngày thu gom khoảng 16 tấn rác thải

Yên Bái sẽ đầu tư lò đốt rác sinh hoạt tại xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên dự kiến công suất xử lý 60 tấn rác thải mỗi ngày, đảm bảo việc xử lý rác cho 25 xã và 2 thị trấn của huyện Trấn Yên và Văn Yên.

Mô hình VAR của gia đình bà Nguyễn Thị Nguyệt ở thôn Hơn mỗi năm cho thu nhập hơn nửa tỷ đồng.

Khai thác lợi thế về đất nông lâm nghiệp, những năm gần đây, trên địa bàn xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hộ gia đình làm ăn hiệu quả, cho thu nhập hàng trăm triệu đến cả tỉ đồng mỗi năm.

Dòng máy bay thế hệ hiện đại nhất Airbus A350 của Vietnam Airlines được sử dụng để khai thác đường bay Hà Nội-Australia.

Với tốc độ phục hồi đi lại của hành khách ấn tượng, Australia hiện tại được xếp thứ 4 trong số những thị trường hàng không quan trọng nhất của Vietnam Airlines.

Tham gia các sự kiện giới thiệu, kết nối thương mại là cơ hội để DN và HTX Yên Bái quảng bá sản phẩm.

Là tỉnh miền núi, Yên Bái có nhiều mặt hàng nông sản có thế mạnh như: quế, cam, chè, miến đao... Những năm trước đây, sản phẩm nông sản của tỉnh ít được quảng bá, giới thiệu nên không được thị trường biết đến.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục