Là một huyện thuần nông, nhưng trong những năm gần đây, Trấn Yên đã xây dựng và hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa với diện tích sản lượng lớn góp phần xóa đói, giảm nghèo và làm giàu trong nông nghiệp, nông thôn.
Huyện đã và đang tiếp tục mở rộng và phát triển sản xuất theo hướng chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, phát triển mạnh sản phẩm OCOP và coi đây là một chương trình kinh tế trọng điểm, xây dựng huyện nông thôn mới (NTM) toàn diện.
Xác định rõ phát triển OCOP là gắn với khai thác các lợi thế về tài nguyên, văn hóa, tri thức bản địa, thúc đẩy phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo hướng gia tăng lợi ích cho cộng đồng. Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, các chủ thể kinh tế và mỗi người dân trên địa bàn, sau hơn ba năm triển khai, Chương trình OCOP đã và đang trở thành chương trình phát triển kinh tế quan trọng ở Trấn Yên.
Với lợi thế của địa phương có nhiều sản vật và sự nỗ lực, sáng tạo của bà con nông dân đã tạo ra những sản phẩm chất lượng, đặc trưng. Không phát triển một cách tràn lan mà có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào nhóm sản phẩm truyền thống, sản phẩm, dịch vụ đạt tiêu chuẩn và lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Đặc biệt, chú trọng đến các vùng quy hoạch, các chương trình kinh tế trọng điểm đã được xây dựng và hình thành cùng với chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng NTM. Bằng hướng đi, cách làm đó, đến hết năm 2022, Trấn Yên đã có 33 sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 3 sao đến 4 sao.
Trong năm nay, huyện phấn đấu xây dựng và phát triển thêm 10 sản phẩm OCOP, nâng cấp 4 sản phẩm từ 3 sao lên 4 sao, đánh giá lại 7 sản phẩm. Hàng loạt sản phẩm OCOP như miến đao Giới Phiên; chè Bát Tiên Trấn Yên; măng tre Bát độ; miến rút Quy Mông, miến trắng thái Quy Mông…, đã được chuẩn hóa và đều có bao bì, nhãn mác đẹp, chất lượng tốt, thông tin chỉ dẫn địa lý rất cụ thể.
Đặc biệt, các sản phẩm ngày càng chiếm lĩnh được thị trường và niềm tin của người tiêu dùng, đã có nhiều sản phẩm vào được hệ thống siêu thị lớn như BigC Hà Nội, lên sàn thương mại điện tử:
Voso,
Postmart…
Trong năm 2023 này, huyện triển khai hỗ trợ 100% sản phẩm OCOP đã được chứng nhận đạt chuẩn 3 sao trở lên được đưa lên sàn thương mại điện tử
Voso,
Postmart… để quảng bá giới thiệu sản phẩm.
Cùng với đó là 100% hộ sản xuất nông nghiệp, các chủ thể tham gia Chương trình OCOP lên sàn thương mại điện tử được đào tạo, hướng dẫn về kỹ năng số, kỹ năng kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử.
Qua đó phấn đấu để "mỗi một người dân Trấn Yên là thương nhân”. Để thực hiện được điều đó, huyện hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, các chủ thể, người dân thực hiện số hóa hồ sơ đăng ký đánh giá, phân hạng sản phẩm; đăng ký sản phẩm, phương án sản xuất kinh doanh. Số hóa dữ liệu từng hộ sản xuất nông nghiệp, các chủ thể có sản phẩm OCOP và đăng thông tin bán sản phẩm trên nền tảng thương mại điện tử…
Thực hiện có hiệu quả các trang ứng dụng thương mại điện tử của địa phương như các trang website: Măng tre Bát độ Yên Bái, Bưởi Trấn Yên, Vỏ quế khô Trấn Yên, Chè xanh Trấn Yên…
Bên cạnh đó, huyện tập trung xây dựng vùng nguyên liệu hàng hóa, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh đạt chuẩn VietGAP, HACCP; tiếp tục phát triển mạnh chuỗi liên kết giá trị gắn với sản xuất tiêu thụ sản phẩm măng Bát độ, dâu tằm, cây ăn quả có múi, gà đồi, chè…
Các sản phẩm OCOP như tinh dầu quế Đào Thịnh, chè Bát Tiên Nga Quán, chè LDP1 Bảo Hưng, nước uống đóng chai Vân Hội, sản phẩm bột quế gia vị Hòa Cuông, thanh long ruột đỏ Minh Quân, nước uống đóng chai Aqua Việt Cường, bưởi, miến Quy Mông… đã góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người dân và tạo động lực mới trong phát triển nội lực, xây dựng NTM. Đặc biệt, huyện đang rất chú trọng đến phát triển du lịch, du lịch cộng đồng gắn với sản phẩm OCOP.
Xã Việt Hồng đã và đang xây dựng mô hình làng bản du lịch cộng đồng với hàng chục hộ dân tham gia tại Bản Nả và Bản Vần, bước đầu thu hút trên 5.000 lượt du khách, góp phần tạo nguồn thu nhập cho người dân, đồng thời tạo được sự chuyển biến trong tư duy từ sản xuất nông - lâm nghiệp sang dịch vụ - thương mại bền vững.
Phát triển vùng nguyên liệu với quy mô lớn, gắn với phát triển sản phẩm OCOP đã và đang phát huy hiệu quả rõ nét ở huyện thuần nông. Quan trọng hơn tạo ra thói quen và hình thành các hộ nông dân, nông nghiệp số, thúc đẩy kinh tế số nông nghiệp đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững.
Ngọc Trúc