Với mục tiêu, xây dựng vùng trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế các sản phẩm theo chuỗi giá trị sản phẩm, tạo việc làm, thu nhập cho lao động địa phương, anh Lục Vân Anh, tổ 9, thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên mạnh dạn thành lập Hợp tác xã (HTX) "Sáu không Farm” chuyên sản xuất và cung ứng các sản phẩm rau màu, củ, quả tốt cho sức khỏe, đạt tiêu chuẩn chất lượng cao.
Thời điểm tháng 8/2018, sau khi nghiên cứu quy trình xét nghiệm các mẫu đất, mẫu nước và xử lý bằng các biện pháp thủ công như: bón phân chuồng, phân hữu cơ, làm tăng hệ vi sinh vật trong đất kết hợp với đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại một số địa phương lân cận, Lục Vân Anh quyết định trồng thử nghiệm giống nho Hạ đen trên diện tích 10.000 m2.
Năm 2019, anh bắt đầu xây dựng hệ thống nhà màng, nhà kính để nâng cao chất lượng sản phẩm với diện tích trên 5.000 m2 và liên kết với các hộ dân tại thị trấn Yên Thế, xã Tân Lập, huyện Lục Yên để trồng, chăm sóc và bao tiêu đầu ra sản phẩm. Tháng 3/2022, Lục Vân Anh tiếp tục mở rộng diện tích trồng các loại nho với diện tích 0,7 ha nhằm làm tăng thêm sản phẩm và cơ cấu cây trồng cho địa phương.
Đồng thời, liên kết tiêu thụ sản phẩm có đầy đủ chứng nhận đảm bảo an toàn cho sức khỏe với các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch và siêu thị uy tín. Đẩy mạnh việc quảng cáo sản phẩm, kinh doanh sản phẩm chất lượng cao trên các nền tảng mạng xã hội và một số sàn giao dịch thương mại điện tử. Vừa ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào trồng, chăm sóc cây vừa khai thác thế mạnh của công nghệ thông tin để bán sản phẩm nhằm nâng cao doanh số, đã cho thấy hướng đi đúng đắn của HTX trong thời đại hiện nay.
Bà Hoàng Thuyết Lập - Giám đốc HTX Cam sành Lục Yên cho biết: "HTX Cam sành Lục Yên có địa chỉ tại xã Khánh Hòa. Để phát triển bền vững cây cam sành, đặc biệt là hướng tới mục tiêu sản xuất nông nghiệp an toàn, thời gian qua, HTX đã tạo điều kiện thuận lợi, tích cực hỗ trợ người dân tiếp cận khoa học, kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, xây dựng thương hiệu, nâng cao thu nhập cho người trồng cam”.
HTX hiện có 59 ha cam; trong đó, có trên 30 ha được cấp chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và sản xuất đủ điều kiện an toàn thực phẩm, đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh và sản phẩm có mặt tại nhiều tỉnh, thành, trung tâm thương mại như: Hapro, BigC, Công ty Nông sản Việt Bắc… và nhận được sự chào đón của đông đảo người tiêu dùng. Đó cũng là cú hích để sản phẩm cam của HTX Cam sành Lục Yên tiếp tục vươn xa hơn trên thị trường.
Là địa phương có tiềm năng, thế mạnh trong phát triển nông nghiệp, huyện Lục Yên đã và đang có nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ và coi đây là hướng đi bền vững, góp phần giải quyết những vấn đề còn tồn tại như: tiêu chuẩn chất lượng, quy trình sản xuất. Trong giai đoạn 2021 - 2025, huyện Lục Yên xây dựng kế hoạch về vấn đề tiêu chuẩn hóa chất lượng sản phẩm. Tiến hành đưa các vùng sản xuất có khả năng chuyển đổi sang nông nghiệp hữu cơ, VietGAP...
Hiện nay, huyện đã hình thành vùng sản xuất lúa trên 600 ha, vùng ngô diện tích ổn định trên 5.100 ha, trên 1.000 ha
cây ăn quả có múi; có 3 HTX được cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn ViepGAP; toàn huyện có trên 5.000 ha quế; trên 900 ha tre lấy măng; 16 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh…
Ông Trần Quốc Tuấn - Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lục Yên cho biết: Ngành nông nghiệp huyện đang hỗ trợ, xây dựng và nhân rộng các mô hình điểm trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, tổ chức nhiều hoạt động cụ thể để hỗ trợ nhân dân sản xuất nông nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Cùng đó, huyện tập trung thực hiện các giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững và phát triển du lịch nông nghiệp sinh thái bền vững. Trong đó, ưu tiên thực hiện các hoạt động: xúc tiến thương mại, xác định thị trường tiêu thụ, định hướng mở rộng thị trường; định hướng phát triển dịch vụ chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp; xây dựng mã vùng, mã vạch cho các sản phẩm nông nghiệp, xây dựng và thực hiện quy trình sản xuất bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn sinh học và bảo vệ môi trường.
Khắc Điệp