Gia đình chị Triệu Thị Mái ở thôn Bẻ, xã Lâm Thượng trước đây nuôi giống vịt bầu địa phương. Tuy nhiên, do thiếu vốn, cộng với chưa nắm bắt được kỹ thuật chăn nuôi nên gia đình chị chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ khoảng từ 50 đến 70 con.
Năm 2022, gia đình chị Mái nhận được hỗ trợ 6 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ theo Nghị quyết số 69 của HĐND tỉnh đã đầu tư mua 300 con vịt giống về nuôi. Sau hơn 3 tháng chăn nuôi, lứa đầu tiên xuất bán thu về gần 30 triệu đồng.
Chị Mái phấn khởi: "Nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước và được sự hướng dẫn, hỗ trợ về kỹ thuật chăm sóc, phòng dịch bệnh của cán bộ nông nghiệp, tôi nắm được kỹ thuật chăn nuôi, giúp gia đình nâng cao thu nhập. Tới đây, gia đình sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng chuồng trại để phát triển chăn nuôi”.
Ông Trần Quốc Tuấn - Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 69 và Nghị quyết số 05 của HĐND tỉnh, huyện đã tổ chức các hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết đến cán bộ, công chức từ huyện đến xã, chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tổ chức họp thôn, tổ dân phố phổ biến rộng rãi chính sách của Nghị quyết đến người dân. Chỉ đạo rà soát, lựa chọn, mời gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã, các đơn vị đủ năng lực tham gia thực hiện các dự án liên kết sản xuất, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; chú trọng đầu tư thâm canh để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; gắn sản xuất với khai thác, bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái. Ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tại địa phương có đủ điều kiện tham gia.
Qua 4 đợt triển khai đã đề xuất thực hiện 4 chính sách gồm, hỗ trợ phát triển cây ăn quả liên kết theo chuỗi giá trị và chính sách phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa hoặc đặc sản hữu cơ, chính sách phát triển sản phẩm măng tre Bát độ, chính sách hỗ trợ phát triển dược liệu, với tổng kinh phí đề xuất là 8.715,8 triệu đồng.
Trong đó, Dự án liên kết đầu tư xây dựng vùng sản xuất cam an toàn đạt tiêu chuẩn chứng nhận VietGAP, hữu cơ, tổng kinh phí thực hiện trong năm 2022 là 852 triệu đồng. Đến nay, Trung tâm Dịch vụ, hỗ trợ phát triển nông nghiệp tổ chức phối hợp với Công ty TNHH Sơn Tùng cấp giống đủ 30 ha trồng mới, cải tạo, hướng dẫn các hộ dân tham gia dự án tổ chức trồng đảm bảo quy trình kỹ thuật.
Đối với Dự án phát triển sản xuất măng tre Bát độ liên kết theo chuỗi giá trị, Hạt Kiểm lâm huyện đã phối hợp tốt với Công ty cổ phần Yên Thành tổ chức cấp giống được 34,65 ha/30 ha kế hoạch năm 2022. Các hộ tham gia Dự án được cán bộ kỹ thuật của Công ty phối hợp với kiểm lâm địa bàn hướng dẫn các hộ trồng đảm bảo trong khung thời vụ quy định.
Đối với chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa hoặc đặc sản hữu cơ, hiện nay, Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn tham mưu với UBND huyện phê duyệt đối tượng thực hiện với tổng số 150 cơ sở với tổng kinh phí 2,921 tỷ đồng.
UBND chỉ đạo đơn vị chuyên môn phối hợp với UBND các xã, thị trấn hướng dẫn các hộ dân làm chuồng trại, mua mới con giống, tổ chức kiểm tra, nghiệm thu theo quy định. Hiện nay, tổ chức nghiệm thu 51 cơ sở; tiếp tục hướng dẫn các xã, hộ hoàn thiện hồ sơ giải ngân nguồn kinh phí đảm bảo theo quy định.
Bà Đặng Thị Kim Liên - Phó Chủ tịch HĐND huyện Lục Yên cho biết: "Qua giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển nông - lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn huyện cho thấy, việc triển khai chính sách hỗ trợ các chế độ chính sách hỗ trợ theo các nghị quyết của HĐND tỉnh cơ bản thực hiện đảm bảo mục tiêu chung. Các hộ đã mạnh dạn phát triển sản xuất theo quy mô lớn, tập trung, chuyển dần sang sản xuất chuyên canh, thâm canh cho năng suất, chất lượng cao, góp phần trong hình thành các vùng sản xuất nông - lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa của tỉnh, thực hiện mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp”.
Đức Toàn