Yên Bái hiện có trên 433.000 ha đất có rừng, độ che phủ rừng 63% và thuộc tốp đầu cả nước. Để có được màu xanh bạt ngàn của những cánh rừng, là biết bao dấu chân lặng thầm trong hành trình tuần tra, bám rừng của các chiến sĩ kiểm lâm Yên Bái.
Cùng đó, những năm gần đây, ý thức của người dân trong việc bảo vệ rừng (BVR) được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, diện tích rừng lớn, lực lượng kiểm lâm mỏng; trong khi đó, thủ đoạn của các đối tượng khai thác, vận chuyển lâm sản ngày càng tinh vi, phức tạp và manh động.
Vì vậy, để giữ rừng hiệu quả, Chi cục Kiểm lâm Yên Bái đã chỉ đạo hạt kiểm lâm các huyện xây dựng kế hoạch bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và ký kết giao khoán BVR tự nhiên sản xuất cho các hộ, nhóm hộ. Chi cục Kiểm lâm tỉnh tăng cường lực lượng về cơ sở, đảm bảo tất cả các xã, phường đều có kiểm lâm địa bàn tham mưu giúp chính quyền địa phương làm tốt công tác quản lý, BVR, quản lý lâm sản và PCCCR.
Trong suốt 50 năm xây dựng và trưởng thành, với tinh thần quyết tâm không khoan nhượng với "lâm tặc”, các thế hệ lực lượng kiểm lâm Yên Bái đã tổ chức thực hiện và phối hợp với các ngành chức năng truy quét ở các khu vực trọng điểm phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép.
Tính riêng 10 năm gần đây, 1.861 vụ vi phạm về lĩnh vực lâm nghiệp được lực lượng kiểm lâm Yên Bái phát hiện, xử lý; tịch thu hơn 114.000 m3 gỗ các loại và nhiều phương tiện ô tô, xe máy vận chuyển lâm sản trái pháp luật, thu nộp ngân sách trên 9,4 tỷ đồng. Các vụ vi phạm được xử lý nghiêm minh, đúng luật có tác dụng giáo dục cao, góp phần nâng cao ý thức của người dân trong bảo vệ và phát triển rừng.
Cuộc chiến để ngăn chặn vấn nạn phát phá rừng, khai thác rừng trái phép gian khổ bao nhiêu thì cuộc chiến phòng chống "giặc lửa” cũng đầy rẫy khó khăn. Vào mùa khô hanh, những người giữ rừng lại canh cánh nỗi lo lửa rừng và nóng bỏng nhất là ở các huyện thị phía Tây của tỉnh gồm: Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải.
Để ngăn chặn lửa rừng, ngay trước mùa khô hanh, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã tham mưu với tỉnh, các huyện, thị xã, các xã, thị trấn, công ty lâm nghiệp củng cố, kiện toàn các ban chỉ đạo; chỉ đạo hạt kiểm lâm các huyện tăng cường tuyên truyền pháp luật đến đông đảo nhân dân về phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR); xây dựng kế hoạch BVR, PCCCR, tổ chức mạng lưới thông tin cảnh báo, dự báo, cháy rừng từ huyện tới các thôn, bản.
Đặc biệt, để từng bước cụ thể hóa Luật Lâm nghiệp đi vào cuộc sống, kiểm lâm Yên Bái đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn và các cộng đồng dân cư thôn, bản xây dựng được quy ước, hương ước BVR gắn với phong tục, tập quán của người dân; tham mưu giúp chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng có kế hoạch cụ thể về bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) trên địa bàn, quản lý sản xuất nương rẫy; hàng năm tổ chức diễn tập PCCCR ở các xã trọng điểm sát với tình hình thực tế; ký cam kết với các hộ dân về BVR, PCCCR đến các thôn, bản.
Xác định rõ nguyên nhân cháy rừng thường do đồng bào đốt nương làm rẫy, cán bộ kiểm lâm đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức họp dân, hướng dẫn cho bà con kỹ thuật đốt nương, làm đường ranh cản lửa. Đặc biệt, ở huyện vùng cao, kiểm lâm địa bàn phối hợp với địa phương tổ chức đốt nương rẫy có kiểm soát.
Nhờ làm tốt công tác dự báo và chủ động triển khai quyết liệt các biện pháp PCCCR, nên số vụ cháy rừng và diện tích thiệt hại đã giảm đáng kể trong những năm gần đây. Song song với BVR, công tác phát triển vốn rừng cũng được quan tâm, chú trọng.
Những năm gần đây, bình quân mỗi năm toàn tỉnh trồng mới trên 15.000 ha rừng các loại; trong đó, có 94% là rừng sản xuất, sản lượng gỗ có thể khai thác hàng năm gần 700.000 m3 gỗ đưa Yên Bái trở thành địa phương dẫn đầu về gỗ rừng trồng và chế biến lâm sản của khu vực miền núi phía Bắc.
Tiếp nối hành trình 50 năm đáng trân trọng và tự hào, cùng với việc tuần tra, canh gác, các cán bộ kiểm lâm vẫn hằng ngày bám dân, bám địa bàn để vận động bà con chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng, quyết tâm bảo vệ màu xanh cho rừng. Sự có mặt của các chiến sĩ kiểm lâm sẽ huy động được sức mạnh của cộng đồng trong việc bảo vệ và phát triển rừng, giúp bà con có thêm niềm tin, động lực để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo từ rừng.
Văn Thông