Ông Bùi Song Hỷ ở tổ dân phố Hà Thịnh, thị trấn Sơn Thịnh vừa mới chuyển đổi 3 sào ruộng sang trồng ớt theo hướng dẫn của Hợp tác xã (HTX) Thương mại và Dịch vụ tổng hợp Quỳnh Anh ở thị trấn Nông trường Trần Phú từ đầu năm nay.
Mặc dù là cây trồng mới, quá trình canh tác còn nhiều lúng túng, nhưng với việc được ký hợp đồng bao tiêu trước mỗi mùa vụ với giá 6.500 đồng/kg, được trao đổi, hướng dẫn kỹ thuật từ phía HTX, ông Hỷ nhận định việc chuyển đổi này sẽ mang lại nhiều hiệu quả.
Ông Hỷ cho biết: "Tôi thấy ưu điểm của giống ớt này là khá dễ chăm sóc, không mất nhiều công, trồng chỉ sau 40 - 45 ngày đã cho thu hoạch lại có thể thu kéo dài trong 6 tháng. Hiện, cứ mỗi tuần tôi lại thu hái một lần và đến nay đã thu được 4 lần. Hơn nữa, giống ớt này càng về sau thì sản lượng sẽ càng tăng lên, như lứa 1 tôi chỉ được thu 60 kg nhưng đến lứa 4 thì được 3,7 tạ. Bởi vậy, tháng thu hoạch đầu tiên, hơn 1.000 m2 đất ruộng cho thu trên 8 tạ ớt, mang lại thu nhập trên 5 triệu đồng”.
Gia đình anh Đỗ Chí Thành ở tổ dân phố Phiêng 1, thị trấn Sơn Thịnh thì lại chuyển đổi trên 1.500 m2 đất ruộng sang trồng măng tây. Anh Thành chia sẻ: "Một năm cây măng tây cho thu gối từ 2 - 3 vụ tùy thuộc vào thời tiết trong vòng từ 2,5 - 3 tháng/vụ. Vào mùa thu hoạch, mỗi ngày tôi thu hái được 10 - 15 kg, bán buôn cho thương lái với giá bình quân khoảng 70.000 đồng/kg”. Như vậy, nếu thời tiết thuận lợi, anh Thành thu nhập được gần 200 triệu đồng/năm.
Ông Hỷ, anh Thành chỉ là 2 trong hàng trăm hộ dân trên địa bàn huyện Văn Chấn mạnh dạn chuyển đổi và chuyển đổi hiệu quả cơ cấu cây trồng trên đất lúa. Năm 2022, toàn huyện đã chuyển đổi 216,1 ha (đất lúa 2 vụ 197,8 ha; đất lúa 1 vụ 18,3 ha) sang trồng các cây khác như: rau màu, ngô, dâu tằm, cây ăn quả...
Năm 2023, người dân trên địa bàn huyện tiếp tục đăng ký chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa với diện tích là 226,8 ha. Để việc chuyển đổi đạt hiệu quả cao, các địa phương trong huyện đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con lựa chọn những cây giống phù hợp. Đồng thời, chỉ đạo cán bộ khuyến nông, nông nghiệp thường xuyên thăm đồng, hướng dẫn nông dân trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh...
Bên cạnh đó, công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa hàng năm được thực hiện đảm bảo nguyên tắc: ưu tiên chuyển đổi trên đất trồng lúa kém hiệu quả, vùng không chủ động tưới tiêu, thường xuyên thiếu nước; tập trung; gọn vùng; bảo đảm thiết chế hạ tầng phục vụ chuyển đổi; có sự đồng thuận của người dân; không làm biến dạng mặt bằng; không gây ô nhiễm; thoái hóa đất trồng lúa; không làm hư hỏng công trình giao thông; công trình thủy lợi phục vụ trồng lúa...
Các xã, thị trấn cũng đã tổ chức rà soát, lập kế hoạch tổng hợp nhu cầu đăng ký chuyển đổi; thực hiện xây dựng kế hoạch chuyển đổi theo định hướng các chương trình phát triển kinh tế nông nghiệp hàng năm; tổ chức lấy ý kiến của hộ, cá nhân có liên quan trong việc xác định vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng...
Rất nhiều nông dân huyện Văn Chấn đã khẳng định, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đem lại thu nhập cao hơn từ 1,5 - 4 lần so với trồng lúa. Mặt khác, đối với các vùng diện tích đất gò, đất cao thường xuyên thiếu nước và khó khăn trong điều tiết nước tưới, việc chuyển sang trồng các loại cây họ đậu, ngô sẽ nâng cao độ phì của đất. Đây là giải pháp quan trọng để thích ứng sản xuất trong điều kiện nắng hạn kéo dài, nguồn nước sản xuất bị hạn chế. Việc luân canh cây trồng trên đất lúa còn giúp hạn chế sự phát triển của dịch bệnh, tiết kiệm nguồn nước tưới (nhất là trong vụ xuân) ở một số địa phương vùng cao.
Hoài Anh