Hồ Bốn phát triển vùng mía hàng hóa

  • Cập nhật: Thứ sáu, 9/6/2023 | 1:56:32 PM

YênBái - Cùng với đặc sản ngô nếp mini, xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải đã phát triển vùng mía hàng hóa lên tới 25 ha, có năng suất, sản lượng cao lại tiêu thụ khá tốt ở thị trường trong và ngoài huyện.

Người dân xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải kiểm tra chất lượng mía trước khi thu hoạch.
Người dân xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải kiểm tra chất lượng mía trước khi thu hoạch.

Năm 2016, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai mô hình trồng mía vàng trên đất nương đồi tại xã Hồ Bốn với những hỗ trợ về giống, phân bón và tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc. Sau thành công của mô hình, thấy được hiệu quả kinh tế rõ rệt, người dân xã Hồ Bốn đã mạnh dạn nhân rộng, phát triển diện tích trồng mía của địa phương, hình thành vùng mía hàng hóa với tư duy hàng hóa. 

Chị Mùa Thị Cha ở bản Trống Là có 5.000 m2 đất ruộng bậc thang. Trước đây, diện tích này để trồng lúa nhưng do thiếu nước nên năng suất, sản lượng đều thấp. 

Chị Cha chia sẻ: "Đây đã là năm thứ 4 trồng mía rồi nên tôi nắm khá vững kỹ thuật và có kinh nghiệm trồng, chăm sóc mía. Được cái là mía cũng khá dễ chăm, chủ yếu là tưới nước, nhổ cỏ, dày cây thì bỏ bớt cây nhỏ và bóc bớt lá. Năm ngoái, tôi thu hoạch được gần 3.000 cây, giá bán 13.000 - 14.000 đồng/cây, trừ chi phí cho lãi gần 40 triệu đồng. Mía dễ tiêu thụ và có nhiều mía nữa thì cũng vẫn bán hết nên năm nay tôi lại chuyển đổi thêm 1.000 m2 để trồng mía và dự kiến đến tháng 1 năm tới sẽ được thu hoạch”. 

Một trong những nguyên do giúp mía tiêu thụ tốt ở thị trường trong huyện, bởi người Mông rất thích ăn mía, nhất là vào dịp tết, không ai là không có một vài cây mía trong nhà. Trong khi đó, thời gian thu hoạch mía lại trùng vào thời điểm này, tức là từ tháng 1 đến tháng 2 hàng năm. 

Cùng đó, để phục vụ đa dạng nhu cầu của thị trường, một số hộ dân ở Hồ Bốn cũng đã nhanh nhạy trồng thêm giống mía ép nước giải khát và cho thu hoạch quanh năm. Những ngày này, nắng nóng kéo dài, anh Giàng A Rùa lại tấp nập thu hoạch mía ép nước để bán cho thương lái. 

Anh Rùa chia sẻ: "Ưu điểm của cây mía ép nước là có thể thu hoạch tỉa mà không ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng, nên không có áp lực về thời vụ thu hoạch, người trồng cũng không lo bị ép giá. Toàn bộ diện tích trồng mía hiện giờ của gia đình tôi khoảng 3.000 m2. Mía thân dài khá mập và mọng nước nên nhiều thương lái đã tới tận vườn đặt mua. Hiện giờ, tôi có 2 đầu mối tiêu thụ ở trên địa bàn huyện và ở xã Mường Kim, huyện Than Uyên, Lai Châu thu mua với giá ổn định. Dự tính, năm nay sẽ thu hoạch được trên 4 tấn với giá bán 8.000 đồng/kg, cao hơn năm ngoái 3.000 đồng/kg, tôi thu về 30 triệu đồng”. 

Khác với mía vàng, mỗi năm phải trồng một lần thì giống mía ép nước trồng một lần thu hoạch trong 3 năm. Để đạt được hiệu quả cao, nhiều hộ dân trong xã đã tích cực áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào canh tác. Ngoài thường xuyên làm cỏ, xới đất vun gốc để cho đất tơi xốp, thoáng khí, giữ ẩm, họ còn ủ hoai mục phân chuồng thành phân bón, bón lót ngay từ khi bắt đầu trồng. Khi có bệnh rầy thì bóc sạch vỏ bị bệnh đốt xa khu vực trồng và phun thuốc có nguồn gốc sinh học để điều trị. 

Có thể khẳng định, không chỉ phù hợp với địa hình, thổ nhưỡng vùng cao, cây mía còn cho năng suất và hiệu quả cao hơn gấp 2 - 3 lần so với trồng lúa. Hơn nữa, đồng bào cũng đã thay đổi phương thức sản xuất cũ sang chủ động ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, chuyển đổi hiệu quả cơ cấu cây trồng trên đất ruộng kém hiệu quả, hướng tới nền nông nghiệp bền vững. 

Đến nay, xã Hồ Bốn đã hình thành được vùng mía hàng hóa rộng 25 ha, giá trị đạt khoảng gần 2 tỷ đồng. Từ mía, nhiều hộ đã tự tạo thu nhập cho gia đình, góp phần vào công cuộc xoá đói giảm nghèo của địa phương.

Hoài Anh

Các tin khác

Sau phiên đấu thầu vàng ngày 23/4, NHNN sẽ tiếp tục phiên đấu thầu tiếp theo vào 25/4.

Khách hàng giao dịch vàng tại Hà Nội.

Phiên mở cửa sáng 24/4, giá vàng SJC tại nhiều doanh nghiệp vọt lên ngưỡng 83,8 triệu đồng, trong khi vàng nhẫn của Công ty Bảo Tín Minh Châu cũng tăng thêm 100.000 đồng/lượng.

Cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình trao đổi kỹ năng mua bán hàng hóa qua mạng xã hội.

Thời gian qua, công tác phòng chống buôn lậu (PCBL), gian lận thương mại và hàng giả (GLTMHG) trên địa bàn huyện Yên Bình đã có sự chuyển biến tích cực, nhờ sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng.

Diễn tập ứng phó phòng cháy, chữa cháy rừng tại huyện Trấn Yên.

UBND tỉnh yêu cầu tăng cường chỉ đạo, kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy rừng, nhất là các khu vực trọng điểm; sẵn sàng hỗ trợ các địa phương về lực lượng, trang thiết bị chữa cháy, thông tin điểm cháy, công tác chỉ huy khi có cháy rừng lớn xảy ra; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực lâm nghiệp và dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục