Hồ Bốn phát triển vùng mía hàng hóa

  • Cập nhật: Thứ sáu, 9/6/2023 | 1:56:32 PM

YênBái - Cùng với đặc sản ngô nếp mini, xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải đã phát triển vùng mía hàng hóa lên tới 25 ha, có năng suất, sản lượng cao lại tiêu thụ khá tốt ở thị trường trong và ngoài huyện.

Người dân xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải kiểm tra chất lượng mía trước khi thu hoạch.
Người dân xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải kiểm tra chất lượng mía trước khi thu hoạch.

Năm 2016, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai mô hình trồng mía vàng trên đất nương đồi tại xã Hồ Bốn với những hỗ trợ về giống, phân bón và tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc. Sau thành công của mô hình, thấy được hiệu quả kinh tế rõ rệt, người dân xã Hồ Bốn đã mạnh dạn nhân rộng, phát triển diện tích trồng mía của địa phương, hình thành vùng mía hàng hóa với tư duy hàng hóa. 

Chị Mùa Thị Cha ở bản Trống Là có 5.000 m2 đất ruộng bậc thang. Trước đây, diện tích này để trồng lúa nhưng do thiếu nước nên năng suất, sản lượng đều thấp. 

Chị Cha chia sẻ: "Đây đã là năm thứ 4 trồng mía rồi nên tôi nắm khá vững kỹ thuật và có kinh nghiệm trồng, chăm sóc mía. Được cái là mía cũng khá dễ chăm, chủ yếu là tưới nước, nhổ cỏ, dày cây thì bỏ bớt cây nhỏ và bóc bớt lá. Năm ngoái, tôi thu hoạch được gần 3.000 cây, giá bán 13.000 - 14.000 đồng/cây, trừ chi phí cho lãi gần 40 triệu đồng. Mía dễ tiêu thụ và có nhiều mía nữa thì cũng vẫn bán hết nên năm nay tôi lại chuyển đổi thêm 1.000 m2 để trồng mía và dự kiến đến tháng 1 năm tới sẽ được thu hoạch”. 

Một trong những nguyên do giúp mía tiêu thụ tốt ở thị trường trong huyện, bởi người Mông rất thích ăn mía, nhất là vào dịp tết, không ai là không có một vài cây mía trong nhà. Trong khi đó, thời gian thu hoạch mía lại trùng vào thời điểm này, tức là từ tháng 1 đến tháng 2 hàng năm. 

Cùng đó, để phục vụ đa dạng nhu cầu của thị trường, một số hộ dân ở Hồ Bốn cũng đã nhanh nhạy trồng thêm giống mía ép nước giải khát và cho thu hoạch quanh năm. Những ngày này, nắng nóng kéo dài, anh Giàng A Rùa lại tấp nập thu hoạch mía ép nước để bán cho thương lái. 

Anh Rùa chia sẻ: "Ưu điểm của cây mía ép nước là có thể thu hoạch tỉa mà không ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng, nên không có áp lực về thời vụ thu hoạch, người trồng cũng không lo bị ép giá. Toàn bộ diện tích trồng mía hiện giờ của gia đình tôi khoảng 3.000 m2. Mía thân dài khá mập và mọng nước nên nhiều thương lái đã tới tận vườn đặt mua. Hiện giờ, tôi có 2 đầu mối tiêu thụ ở trên địa bàn huyện và ở xã Mường Kim, huyện Than Uyên, Lai Châu thu mua với giá ổn định. Dự tính, năm nay sẽ thu hoạch được trên 4 tấn với giá bán 8.000 đồng/kg, cao hơn năm ngoái 3.000 đồng/kg, tôi thu về 30 triệu đồng”. 

Khác với mía vàng, mỗi năm phải trồng một lần thì giống mía ép nước trồng một lần thu hoạch trong 3 năm. Để đạt được hiệu quả cao, nhiều hộ dân trong xã đã tích cực áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào canh tác. Ngoài thường xuyên làm cỏ, xới đất vun gốc để cho đất tơi xốp, thoáng khí, giữ ẩm, họ còn ủ hoai mục phân chuồng thành phân bón, bón lót ngay từ khi bắt đầu trồng. Khi có bệnh rầy thì bóc sạch vỏ bị bệnh đốt xa khu vực trồng và phun thuốc có nguồn gốc sinh học để điều trị. 

Có thể khẳng định, không chỉ phù hợp với địa hình, thổ nhưỡng vùng cao, cây mía còn cho năng suất và hiệu quả cao hơn gấp 2 - 3 lần so với trồng lúa. Hơn nữa, đồng bào cũng đã thay đổi phương thức sản xuất cũ sang chủ động ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, chuyển đổi hiệu quả cơ cấu cây trồng trên đất ruộng kém hiệu quả, hướng tới nền nông nghiệp bền vững. 

Đến nay, xã Hồ Bốn đã hình thành được vùng mía hàng hóa rộng 25 ha, giá trị đạt khoảng gần 2 tỷ đồng. Từ mía, nhiều hộ đã tự tạo thu nhập cho gia đình, góp phần vào công cuộc xoá đói giảm nghèo của địa phương.

Hoài Anh

Các tin khác
Thống đốc ngân hàng trung ương hai nước trải nghiệm thành công quét QR thanh toán xuyên biên giới giữa Việt Nam và Campuchia.

Trong khuôn khổ chương trình Hội nghị song phương giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Quốc gia Campuchia, mới đây, hai bên đã phối hợp tổ chức Lễ công bố kết nối thanh toán bán lẻ song phương sử dụng QR code giữa Việt Nam và Campuchia.

Năm 2021, Yên Bình thực hiện kiên cố hóa trên 141 km/ 549 km mặt đường bê tông xi măng (chiếm 25,7% khối lượng thực hiện toàn tỉnh) là địa phương đi đầu trong công tác xây dựng phát triển GTNT trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Sau 3 năm thực hiện Đề án phát triển giao thông nông thôn (GTNT), kết hợp lồng ghép các nguồn vốn khác dành cho xây dựng và phát triển hệ thống đường GTNT, đến nay, toàn tỉnh Yên Bái đã kiên cố hóa 1.760 km/2.000 km mặt đường bê tông xi măng (đạt 88% chỉ tiêu Chương trình hành động số 10-Ctr/TU ngày 30/10/2020 của Tỉnh ủy).

Lãnh đạo UBND huyện Trạm Tấu kiểm tra sản xuất vụ đông tại xã Hát Lừu.

Hết tháng 11 năm 2023, huyện Trạm Tấu đã giải ngân đạt trên 137 tỷ đồng, bằng 66,6% kế hoạch vốn giao thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giai đoạn 2021 - 2023.

Lực lượng QLTT kiểm tra hàng hoá đảm bảo rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Thời gian qua, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Yên Bái đã phát hiện và xử lý gần 50 cơ sở ứng dụng công nghệ số để kinh doanh vi phạm quy định, phạt hành chính và thu lợi bất hợp pháp gần 450 triệu đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục