Đa dạng giải pháp thúc đẩy sản xuất công nghiệp
Ông Vũ Vinh Quang - Giám đốc Sở Công Thương Yên Bái cho biết, để tăng tốc sản xuất công nghiệp, ngay từ những tháng đầu năm 2023, ngành Công Thương đã phối hợp với chính quyền các địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp. Theo đó, cùng với việc triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp và tích cực xúc tiến đầu tư các dự án mới. Bên cạnh đó, ngành Công Thương cũng tập trung triển khai một số giải pháp phù hợp với đặc thù riêng của những ngành công nghiệp chủ lực. Mục tiêu hàng đầu của ngành Công Thương là phát triển công nghiệp bền vững, hiệu quả và thân thiện với môi trường.
Thông qua các Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp được tổ chức hàng năm, tỉnh Yên Bái đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho hàng chục dự án mỗi năm; trong đó, nhiều doanh nghiệp có dự án đầu tư với công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, xây dựng được mối liên kết trong sản xuất gắn với vùng nguyên liệu.
Ông Đỗ Bảo Long, Giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm Yên Bái cho biết, đơn vị đã định hướng chiến lược mới, mạnh mẽ hơn; đưa những sản phẩm trước đây vốn chủ yếu tiêu thụ ở khu vực phía Bắc ra toàn quốc và hướng ra thị trường nước ngoài.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương đã tham mưu trình UBND tỉnh bổ sung quy hoạch dự án Nhà máy điện gió Nậm Búng, huyện Văn Chấn; bổ sung Nhà máy nhiệt điện dư BBCIM Yên Bái vào dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; báo cáo đề xuất với UBND tỉnh cho phép khảo sát, lập hồ sơ bổ sung quy hoạch các dự án thủy điện Suối Bánh 1 và Suối Bánh 2.
Đồng thời, trình UBND tỉnh phê duyệt quy trình vận hành hồ chứa, các phương án bảo vệ đập, hồ chứa dự án thủy điện; hoàn thành dự thảo báo cáo thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 – 2020; xây dựng kế hoạch hoạt động của Ban chỉ đạo bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp trên địa bàn tỉnh Yên Bái năm 2023; tham mưu trình UBND tỉnh kế hoạch bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Yên Bái năm 2023; tổ chức đánh giá, lựa chọn sản phẩm đăng ký tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2023.
Sở Công Thương còn chủ trì thực hiện thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi ĐTXD các dự án thủy điện, Thiết kết bản vẽ thi công dự án lưới điện; tham gia ý kiến: Quy hoạch chi tiết Cụm công nghiệp Phú Thịnh 1, Phú Thịnh 2, huyện Yên Bình; Dự thảo Chiến lược phát triển ngành điện lực Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; thẩm định dự án "Hệ thống điện năng lượng mặt trời, thiết bị lưu trữ và hệ thống giám sát IOT trên hệ thống đám mây tại huyện Mù Cang Chải".
Nhằm khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh, Sở Công Thương đã thực hiện rà soát bổ dung quy hoạch 04 khu vực quặng sắt vào Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Song song với đó, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế cơ sở đối với dự án 04 dự án khai thác, chế biến khoáng sản; 01 dự án hóa chất, thẩm định; thẩm định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện trạm nạp LPG vào chai cho Công TNHH Bắc Thăng Long. Chủ trì, phối hợp mở lớp huấn luyện về kỹ thuật an toàn thuộc lĩnh vực ngành, trong năm đã tổ chức 03 lớp tuận huấn, huấn luyện về kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp, kinh doanh khí, an toàn hóa chất.
Sở còn tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát thực hiện tốt các quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp. Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm, đã thẩm định trình cấp 08 Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, 02 kho chứa vật liệu nổ công nghiệp, 04 địa điểm dịch vụ nổ mìn để thi công công trình và khai thác khoáng sản.
Triển khai thực hiện tốt các biện pháp đảm bảo an toàn đập hồ chứa bùn thải quặng đuôi; phối hợp kiểm tra công tác đảm bảo an toàn đối với đập hồ chứa bùn thải quặng đuôi trước mùa mưa lũ năm 2023.
Đặc biệt, xây dựng Kế hoạch về đảm bảo an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến 2030, tầm nhìn 2045 ngành Công thương; Kế hoạch và tuyên truyền hưởng ứng Tháng Công nhân và tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2023.
Nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp công nghiệp nông thôn, Sở Công Thương đã tổ chức khảo sát xây dựng 02 đề án Khuyến công Quốc gia, hỗ trợ 05 cơ sở công nghiệp nông thôn ứng dụng máy móc thiết bị vào sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp trình Cục Công nghiệp địa phương - Bộ Công Thương; Chủ động phối hợp với các địa phương, các cơ sở công nghiệp nông thôn khảo sát, xây dựng 03 đề án khuyến công (đợt 1 năm 2023) và triển khai các hoạt động khuyến công khác với tổng kinh phí 880 triệu đồng, hiện đang triển khai các đề án.
Hoàn thành xây dựng và trình Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch phân bổ nguồn kinh phí Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2023 với tổng kinh phí 900 triệu đồng.
Giá trị sản xuất công nghiệp tăng cao
Nhờ tổng hoà các giải pháp kể trên, giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá hiện hành) tháng 6 năm 2023 ước đạt 1.913 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá hiện hành) ước đạt 10.669 tỷ đồng, ước tính theo giá so sánh 2010 đạt 7.800 tỷ đồng, tăng 7,31% so với cùng kỳ năm 2022, bằng 46,2% kế hoạch năm (KH = 16.900 tỷ đồng).
Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, chỉ số công nghiệp toàn ngành tăng 5,25% so với cùng kỳ năm trước. Trong các ngành công nghiệp, ngành khai khoáng tăng 13,82%, đóng góp 1,66 điểm phần trăm trong mức tăng chung; ngành chế biến, chế tạo tăng 11,38%, đóng góp 7,31 điểm phần trăm; ngành sản xuất, phân phối điện giảm 22,79%, làm giảm 3,82 điểm phần trăm trong mức tăng chung; ngành cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 5,89%, đóng góp 0,10 điểm phần trăm.
Thời gian tới, ông Vũ Vinh Quang cho biết, Sở Công Thương Yên Bái xác định tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phục hồi phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định và duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh; tham mưu cho UBND tỉnh thành lập tổ công tác, tổ giúp việc tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mặc trong quá trình triển khai các dự án điện trên địa bàn tỉnh; tổ chức đoàn khảo sát, nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp xuất khẩu.
Song song với đó, tổ chức đoàn công tác đi nắm tình hình sản xuất kinh doanh và việc chấp hành các quy định của Nhà nước trong đầu tư, quản lý vận hành của các nhà máy thủy điện trên địa bàn; rà soát, báo cáo kết quả tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án đầu tư các dự án công nghiệp, năng lượng, khái thác chế biến khoáng sản, thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Theo dõi, bám sát diễn biến tình hình giá cả, thị trường, đảm bảo nguồn cung cầu hàng hóa phục vụ sản xuất, tiêu dùng, phối hợp với các ngành, đơn vị tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đặc biết là mặt hàng kinh doanh xăng dầu. Tăng cường nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, tăng cường chỉ đạo công tác đảm bảo cung cấp điện, cung cấp xăng dầu, đảm bảo an toàn, phòng chống cháy nổ tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Căn cứ kết quả thực hiện nhiệm vụ tháng 6 đầu năm, Sở Công Thương Yên Bái đặt mục tiêu phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp (so sánh 2010) tháng 7 phấn đấu đạt từ 1.480 tỷ đồng trở lên, quý III ước đạt 4.430 tỷ đồng.
Yên Bái cũng xác định thời gian tới phải thu hút được những dự án đầu tư có quy mô vừa, quy mô khá đến quy mô lớn và những dự án này có tính chất lan tỏa, tức là những dự án đóng vai trò đầu tầu trong việc dẫn dắt các dự án nhỏ hơn, có thể tham gia vào chuỗi cung ứng, làm sao phát triển đồng đều từ các dự án lớn đến các dự án của công nghiệp nông thôn. Các dự án này phải yêu cầu là chế biến sâu. Mà để chế biến sâu được sản phẩm, nâng cao giá trị sản phẩm, đưa được đến sản phẩm cuối cùng thì phải có hệ thống dây chuyền máy móc, thiết bị tiên tiến, hiện đại.
Trên cơ sở những lợi thế về tiềm năng, vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế vùng Tây Bắc, Yên Bái đang nỗ lực đẩy mạnh phát triển công nghiệp, từ đó trở thành tỉnh phát triển nhanh, bền vững theo hướng "xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.
(Theo Công Thương)