PV: Xin ông cho biết kết quả thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Yên Bái?
Ông Vũ Lê Thành Anh: Thực hiện Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các sở, ngành liên quan tích cực tham mưu cho UBND tỉnh triển khai tổ chức thực hiện Chương trình đảm bảo tiến độ và thu được một số kết quả quan trọng:
- Về ban hành văn bản quản lý, hướng dẫn, điều hành thực hiện Chương trình: Sau khi Quyết định số 90/QĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ ban hành, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 81/KH-UBND ngày 04/04/2022 về thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững tỉnh Yên Bái giai đoạn 2022-2025, trong đó xác định rõ các mục tiêu, giải pháp và phân công rõ trách nhiệm của các sở, ngành.
Thực hiện Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các sở, ngành, theo chức năng, nhiệm vụ được giao đã tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh ban hành 7 văn bản quy phạm pháp luật quy định việc quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, UBND tỉnh và các sở, ngành đã ban hành trên 60 văn bản để chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện Chương trình.
- Về kết quả tổ chức thực hiện Chương trình: Tổng nguồn vốn Trung ương giao để thực hiện Chương trình trong 2 năm 2022 và 2023 là 500,56 tỷ đồng. Trên cơ sở quy định, hướng dẫn của Trung ương và Nghị quyết số 07/2022/NQ-HĐND ngày 30/3/2022 của HĐND tỉnh quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh phân bổ nguồn vốn cho các địa phương, đơn vị để triển khai thực hiện theo quy định.
Tính đến hết ngày 30/6/2023, toàn tỉnh đã giải ngân 201 tỷ đồng/500,56 tỷ đồng, đạt 40,01% kế hoạch. Theo đó, đã triển khai đầu tư xây dựng 61 công trình hạ tầng thiết yếu trên địa bàn 2 huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải; cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất 6 cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị còn tổ chức 9 phiên giao dịch việc làm; thu thập thông tin vào 6.300 phiếu điều tra để xây dựng cơ sở dữ liệu Người tìm việc - Việc tìm người; trang bị 6 cụm loa tuyên truyền tại các xã đặc biệt khó khăn; phát hành 473 cuốn hệ thống văn bản và hàng trăm tin bài về giảm nghèo; mở 25 lớp tập huấn cho cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp... đóng góp vào kết quả giảm nghèo hàng năm.
Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 5,15% so với 2021, đạt 127,5% kế hoạch đề ra. Dự kiến năm 2023, tỷ lệ này tiếp tục giảm từ 3,5% so với năm 2022.
PV: Đâu là giải pháp để đạt được kết quả trên?
Ông Vũ Lê Thành Anh: Căn cứ Quyết định số 90/QĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương và Nghị quyết số 61-NQ/TU ngày 20/10/2021 của Tỉnh uỷ về lãnh đạo hiệu quả công tác giảm nghèo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2020, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 81/KH-UBND, đề ra một số nhóm giải pháp chủ yếu để thực hiện tốt Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Đó là:
Quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức về giảm nghèo bền vững: tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo nói chung và về Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 nói riêng.
Thường xuyên rà soát, kiện toàn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác phối hợp giữa các sở, ngành đầu mối các dự án, tiểu dự án và các địa phương triển khai thực hiện các nội dung thuộc Chương trình nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình trên địa bàn toàn tỉnh; nâng cao năng lực của đội ngũ làm công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh, nhất là đội ngũ cán bộ cấp cơ sở.
Ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản quản lý, hướng dẫn, điều hành và tổ chức thực hiện Chương trình thuộc thẩm quyền của địa phương; thường xuyên rà soát các văn bản quy định, hướng dẫn việc thực hiện các chương trình của cả Trung ương và của tỉnh nhằm kịp thời phát hiện các vướng mắc, bất cập để đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương sửa đổi, bổ sung kịp thời, góp phần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh..
Thực hiện việc phân bổ nguồn lực thực hiện Chương trình dựa trên các nguyên tắc, tiêu chí do HĐND tỉnh ban hành, phù hợp với hướng dẫn của các cơ quan Trung ương để đảm bảo công khai, minh bạch trong quá trình tổ chức thực hiện.
Tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra để kịp thời nắm bắt, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện Chương trình; giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong quá trình triển khai thực hiện.
PV: Vậy, xin ông cho biết những thuận lợi và khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện?
Ông Vũ Lê Thành Anh: Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 được ban hành và tổ chức thực hiện với một số thuận lợi cơ bản. Đó là: việc tổ chức, triển khai thực hiện Chương trình luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự tham gia tích cực của các sở, ngành, địa phương, sự đồng tỉnh ủng hộ của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh; nội dung của Chương trình có nhiều đổi mới về phạm vi, nội dung, đối tượng hỗ trợ theo hướng trợ giúp toàn diện đối với các địa bàn nghèo, hộ nghèo, người nghèo, tạo ra cơ hội cho các địa phương, hộ gia đình thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, tình trạng nghèo một cách bền vững.
Nhiều mô hình chăn nuôi tổng hợp được hỗ trợ theo Nghị quyết 69 cảu HĐND tỉnh đem lại thu nhập ổn định cho người dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, việc thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh còn có những khó khăn, hạn chế. Đó là: Chương trình của giai đoạn này có nhiều thay đổi so với giai đoạn trước về cơ chế quản lý, thực hiện có yêu cầu cao hơn; số lượng văn bản quản lý, hướng dẫn Chương trình cần ban hành rất lớn, trong đó có nhiều văn bản quy phạm pháp luật đòi hỏi trình tự ban hành chặt chẽ; một số văn bản quản lý, hướng dẫn Chương trình của Trung ương còn nhiều nội dung vướng mắc, bất cập, không thống nhất hoặc chưa phù hợp với thực tiễn và chậm được sửa đổi, bổ sung.
PV: Xin ông cho biết những giải pháp trong thời gian tới?
Ông Vũ Lê Thành Anh: Để tiếp tục thực hiện tốt Chương trình MQTG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, bên cạnh các giải pháp đã đề ra từ đầu giai đoạn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, căn cứ Nghị định số 38/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2023 của Chính phủ, các sở, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh ban hành sửa đổi, bổ sung các văn bản quản lý, hướng dẫn thực hiện Chương trình thuộc thẩm quyền theo đúng quy định để tạo hành lang pháp lý cho việc triển khai thực hiện.
Hai là, các sở, ngành được phân công chủ trì Chương trình dự án, tiểu dự án thành phần bám sát hướng dẫn của các cơ quan cấp bộ, ngành trung ương để kịp thời triển khai các dự án, tiểu dự án trên địa bàn tỉnh.
Ba là, các sở, ngành, cơ quan, đơn vị và địa phương căn cứ các quy định, nguồn vốn được giao, chủ động, tích cực tổ chức thực hiện Chương trình đảm bảo kịp thời, hiệu quả, trường hợp có khó khăn, vướng mắc phải kịp thời báo cáo cơ quan có thẩm quyền để tháo gỡ, giải quyết.
Bốn là, lồng ghép tốt các nguồn lực của các chương trình MTQG đi đôi với huy động tối đa các nguồn lực khác của xã hội để thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững, trước mắt là hoàn thành Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Yên Bái năm 2023 và giai đoạn 2023-2025.
Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để phát hiện, nhân rộng các điển hình tốt, ngăn chặn, xử lý kịp thời các biểu hiện sai phạm trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình.
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tin tưởng rằng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự giám sát chặt chẽ của HĐND tỉnh; các sở, ngành, địa phương sẽ tích cực phối hợp để triển khai thực hiện Chương trình đảm bảo kịp thời, hiệu quả, góp phần hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội nói chung và chỉ tiêu giảm nghèo bền vững nói riêng mà tỉnh đã đề ra.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Thu Trang (thực hiện)