Tại bản Dào Xa, xã Kim Nọi, huyện Mù Cang Chải chỉ mới năm trước, con đường đến bản vùng cao còn rất vất vả, gian nan, vừa quanh co, gồ ghề sỏi đá, vừa trơn trượt thì nay đã được bê tông hóa rộng rãi, sạch sẽ.
Anh Giàng A Thành - người dân bản Dào Xa tâm sự: "Con đường là mơ ước bao đời nay của người dân trong bản chúng tôi. Có đường mới rồi, người dân tự bảo nhau phải bảo vệ, giữ gìn, không cho xe chở nặng đi vào, không thả rông gia súc ra đường, hàng tháng thực hiện dọn dẹp, vệ sinh sạch sẽ. Có đường mới, bọn trẻ con đi học cũng thích, người già đi chợ cũng vui, thanh niên nam nữ trong bản đi sinh hoạt đoàn, giao lưu văn nghệ buổi tối cũng không thấy ngại”.
Thực hiện Đề án phát triển GTNT trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025 kết hợp lồng ghép các nguồn vốn khác dành cho xây dựng và phát triển hệ thống đường GTNT trên địa bàn tỉnh, đến nay, toàn tỉnh đã kiên cố 1.469 km mặt đường bê tông xi măng; nâng cấp mở rộng mặt đường bê tông 43,8 km; mở mới, mở rộng 195,2 km đường đất; xây dựng 1.458 công trình thoát nước (trong đó: công trình cầu, ngầm là 31 công trình; cống thoát nước các loại là 1.427 công trình).
Tổng số vốn huy động xây dựng các công trình GTNT giữa nhiệm kỳ giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh ước đạt 1.396,4 tỷ đồng. Trong đó: kinh phí thực hiện các công trình GTNT theo Đề án là 885,4 tỷ đồng; kinh phí thực hiện các công trình GTNT bằng các nguồn vốn khác nhưng áp dụng theo cơ chế hỗ trợ của Đề án là 66,2 tỷ đồng; kinh phí thực hiện các công trình GTNT bằng cách lồng ghép các nguồn vốn, các công trình, dự án khác là 444,8 tỷ đồng. Tỷ lệ kiên cố hóa đường GTNT trên địa bàn tỉnh đến nay là 5.610 km/8.054 km, đạt 69,6%.
Theo ông Đào Ngọc Hùng - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, hiện nay, việc xây dựng, phát triển GTNT còn gặp một số những khó khăn do một số địa phương có địa hình đồi núi cao, bị chia cắt, độ dốc lớn, mật độ dân cư thưa, xa trung tâm, mỏ vật liệu; tỷ lệ hộ nghèo còn cao nên việc đóng góp kinh phí làm đường GTNT còn hạn chế; giá vật liệu cát, sỏi, đá, xi măng, nhiên liệu xăng dầu biến động tăng, giảm liên tục làm cho công tác lập dự toán của các xã phải điều chỉnh, bổ sung nhiều lần cho phù hợp với giá trị thực tế xây dựng công trình; việc huy động người dân tham gia thi công làm đường đôi lúc còn chậm…
Để đạt được mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh hoàn thành kiên cố thêm khoảng 2.000 km đường GTNT theo Chương trình hành động số 10 ngày 30/10/2020 của Tỉnh ủy, thời gian tới, các sở, ngành, địa phương nên tiếp tục tuyên truyền, vận động, giúp người dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa hiểu rõ hơn về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phát triển GTNT.
Cùng với đó, các địa phương cần phải sử dụng hiệu quả các nguồn vốn được giao, bảo đảm cân đối nguồn vốn đối ứng từ ngân sách cấp huyện và có trách nhiệm huy động các nguồn lực hợp pháp khác để triển khai xây dựng các công trình GTNT. UBND cấp huyện chỉ đạo công tác chuẩn bị đầu tư, thẩm định và phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật đúng quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật quy định đảm bảo phù hợp với tiêu chí 2 về giao thông.
Hồng Oanh