Kỳ vọng thoát nghèo ở Suối Bu

  • Cập nhật: Thứ tư, 23/8/2023 | 1:49:12 PM

30ha tre măng Bát độ trồng tại xã Suối Bu, huyện Văn Chấn đã được thu hoạch những lứa đầu tiên. Niềm vui đang hiện rõ trên từng gương mặt, nụ cười của người dân nơi đây với một ước mơ và kỳ vọng thoát nghèo từ giống cây mới.

Người dân xã Suối Bu trao đổi kỹ thuật trồng chăm sóc tre măng Bát Độ.
Người dân xã Suối Bu trao đổi kỹ thuật trồng chăm sóc tre măng Bát Độ.

Từ nhiều năm trước, trong một chương trình, dự án hỗ trợ của Nhà nước, tre măng Bát độ đã được trồng ở Suối Bu nhưng do thiếu kiến thức, kinh nghiệm nên diện tích cứ thế giảm dần. Những nhà được cấp giống nay chỉ còn một vài gốc nhưng phát triển khá tốt, có những gốc hiện tại thu được cả tạ măng mỗi lứa. 

Rồi đến năm 2021, sau nhiều năm trăn trở nghiên cứu về cây làm giàu của người Mông xã Hồng Ca, Kiên Thành (huyện Trấn Yên), Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã - Sùng A Dê đã trực tiếp đi tham quan thực tế, tìm hiểu về đơn vị cung ứng, tiêu thụ sản phẩm măng tre Bát độ. 

Anh Dê chia sẻ: "Tìm hiểu xong thì càng thấy khâm phục. Đồng bào mình ở đó giàu lắm, nhà to, xe đẹp đầy đủ cả nên mình rất muốn đưa cây tre măng Bát độ về trồng để người dân xã mình thoát nghèo. Nhưng dân mình sợ nhiều thứ: sợ không trồng được, trồng không phát triển, không bán được nên chúng mình phải tuyên truyền, vận động, tháo gỡ từng khó khăn. Sau khi dân mình hiểu thì đã có gần 40 hộ dân mạnh dạn đăng ký trồng 15 vạn gốc tương đương diện tích khoảng 30 ha”. 

Để có được kết quả này, Chủ tịch Cựu chiến binh Sùng A Dê đã tổ chức cho đại diện các hộ dân đi tham quan thực tế tại xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên. Đồng thời làm việc, liên kết với Công ty cổ phần Yên Thành ở huyện Yên Bình cung ứng cây giống. Tiền mua giống sẽ được trừ dần vào tiền bán măng và bắt đầu trừ sau khi măng đã phát triển ổn định. 

Công ty còn trực tiếp cử cán bộ "cầm tay chỉ việc” hướng dẫn tỷ mỷ những kỹ thuật trồng, chăm sóc. Tổ hợp tác (THT) Hội Cựu chiến binh cũng được thành lập do Sùng A Dê làm Chủ nhiệm cam kết thu mua sản phẩm măng cho bà con. Như vậy, các vấn đề người dân lăn tăn đã được giải quyết ngọn nguồn, giúp người dân yên tâm sản xuất. 

Vốn chỉ biết trồng ngô nhưng giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ngày một tăng mà giá ngô lại thấp nên khi có cây trồng mới, lại không phải lo lắng đầu vào, đầu ra nên anh Sùng A Thông ở thôn Ba Cầu đã đăng ký trồng 140 gốc tre măng Bát độ. 

Anh Thông chia sẻ: "Được hướng dẫn, chỉ bảo cụ thể, tôi đã nắm chắc các kiến thức trồng, chăm sóc, tiêu chuẩn thu hái cũng như làm thế nào để cây tạo nhiều măng. Mặc dù 140 gốc giờ chỉ còn hơn 100 gốc nhưng đều đang phát triển rất tốt. Sau 2 năm trồng, vừa qua, gia đình tôi đã được thu hái lứa đầu tiên được hơn 1 tạ măng và được THT bao tiêu sản phẩm ổn định với giá 5.000 đồng/kg. Ngoài ra, tôi cũng thu hái được thêm 1 tạ lá bán cho thương lái với giá 16.000 đồng/kg. Từ trước đến nay, đây là loại cây đầu tiên chúng tôi trồng mà các bộ phận đều bán được. Chắc chẳng lâu nữa đâu, chúng tôi sẽ thoát nghèo”. 

Không chỉ có anh Thông, gần 40 hộ dân ở Suối Bu cũng đã được bán những lứa măng đầu tiên với tổng sản lượng trên 6 tấn. Được biết, mỗi năm, cây măng tre sẽ cho thu 5 lứa, càng những lứa sau, sản lượng sẽ càng tăng và giảm dần về cuối vụ. Dự kiến, sản lượng măng năm 2023 toàn xã sẽ đạt trên 35 tấn. Và con số này sẽ còn tiếp tục tăng gấp bội vào những năm tới khi tre măng bước vào giai đoạn phát triển ổn định. 

Những ưu điểm của giống cây mới đã bộc lộ rõ ràng, người dân trong xã tiếp tục đăng ký mở rộng diện tích. Hiện nay, đã có trên 100 hộ dân ở 2 thôn Bu Cao, Làng Hua đăng ký trồng trên 2 vạn cây giống; đã cấp 860 cây giống cho 14 hộ ở Bu Cao. Chỉ vài năm nữa thôi, tre măng Bát độ sẽ phủ kín những diện tích đất trống, đất trồng ngô, lúa kém hiệu quả. Tin tưởng rằng, khi tre măng bám chắc đất Suối Bu, ước mơ thoát nghèo mà người dân nơi đây gửi gắm sẽ thành hiện thực.

Hoài Anh

Tags Suối Bu măng Bát độ Văn Chấn thoát nghèo hạnh phúc nông thôn mới

Các tin khác
Công nhân ngành điện kiểm tra, bảo dưỡng trạm biến áp đảm bảo cấp điện an toàn, ổn định.

Để đảm bảo cung cấp điện phục vụ nhân dân dịp lễ Quốc khánh 2/9 và khai giảng năm học mới 2023 - 2024, Công ty Điện lực Yên Bái (PCYB) đã xây dựng kế hoạch triển khai, chỉ đạo các điện lực trực thuộc kiểm tra toàn bộ đường dây, trạm biến áp và tăng cường nhân lực ứng trực.

Các đồng chí lãnh đạo huyện Lục Yên kiểm tra thực địa dự án đầu tư tuyến đường nối 3 xã Yên Thắng – Mai Sơn – Khánh Thiện, huyện Lục Yên với tỉnh lộ 183, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang.

Từ đầu năm đến nay, huyện Lục Yên đã chỉ đạo các phòng chức năng phối hợp với các đơn vị tư vấn đẩy nhanh tiến độ thực hiện các quy hoạch, chương trình đồ án trên địa bàn.

EU là thị trường xuất hàng may mặc lớn thứ 2 của Việt Nam.

Những quy định mới của EU đối với hàng dệt may rất phức tạp và khó, DN dệt may trong nước đề nghị được cung cấp thông tin cụ thể để có kế hoạch ứng phó.

Cửa hàng của chị Hoàng Thị Sơn chỉ bán bánh Trung thu của các hãng, cơ sở sản xuất uy tín trong nước.

Cứ mỗi dịp tết Trung thu đến, không kể những người con xa quê, xa bố mẹ mà cả những người ở gần cũng đều muốn được sum họp cùng người thân. Một đêm trăng tròn thanh mát, tiếng cười reo trẻ thơ rộn vui trong tiếng trống múa lân, các con các cháu vui vầy cùng ông bà, bố mẹ, anh em thưởng thức vị bánh nướng, bánh dẻo…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục