Những ngày này, người trồng dâu ở Văn Chấn đang tích cực chăm sóc, nuôi dưỡng cây dâu, chuẩn bị nhanh chóng để nuôi lứa tằm mới. Mọi người đều hồ hởi, phấn khởi khi giá kén tằm năm nay tăng cao "đột biến”. Sau bao nhiêu năm kiên trì với cây dâu, con tằm, đây là lúc người nông dân được hưởng trái ngọt.
Cuối năm 2020, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Dâu tằm Sơn Thịnh ở tổ dân phố Thác Hoa, thị trấn Sơn Thịnh được thành lập gồm 18 thành viên với nhiều hỗ trợ để xây dựng nhà tằm lớn, cây giống. Tuy nhiên do là cây, con giống mới, thiếu kinh nghiệm trồng, chăm sóc, giá kén thấp trong thời điểm ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên một số hộ thành viên đã phá bỏ dâu để chuyển sang hướng đi khác. Đến nay, HTX chỉ còn 6 thành viên với diện tích trồng dâu 8 ha.
Năm 2022, HTX nhận được sự hỗ trợ từ Tổng cục Phát triển nông thôn Hàn Quốc (Dự án COPIA) để xây dựng các nhà tằm lớn, nhà tằm con với nhiều cơ sở vật chất, trang thiết bị, cây giống cùng kỹ thuật tiên tiến để phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm bền vững.
Ông Đinh Văn Mong - Giám đốc HTX chia sẻ: "HTX còn được Dự án COPIA hỗ trợ con giống để nuôi tằm con khi đạt mốc ngủ dậy tuổi 3 sẽ cung cấp miễn phí con giống đảm bảo chất lượng cho các thành viên HTX sản xuất. Hiện nay, HTX ươm mỗi lứa 35 vòng tằm tương đương khoảng 70 nong, trong đó 10 vòng là cung cấp cho HTX ở xã Đồng Khê.
Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã xuất bán được 5 lứa kén với sản lượng gần 3 tấn với giá kén khá cao, gần gấp đôi năm ngoái, trung bình là 165.000 đồng/kg. Sau nhiều năm kiên trì với nghề này, đây là lúc chúng tôi vui nhất, bởi trước đây chỉ với giá khoảng 80.000 - 100.000 đồng/kg kén, chúng tôi đã cảm thấy đủ sống hơn nhiều cây trồng khác rồi”.
Hiện nay, trung bình 1 năm, các thành viên HTX thu được 14 lứa kén tằm, sản lượng trung bình đạt gần 8 tấn. Với giá bán ổn định như đầu năm thì năm nay mỗi 1 ha dâu, thành viên HTX thu lãi khoảng 150 triệu đồng, chủ yếu chi phí phát sinh trong sản xuất đều được hỗ trợ.
Phát triển muộn hơn ở huyện Trấn Yên 15 năm, nghề dâu tằm ở Văn Chấn còn gặp nhiều khó khăn song với nhiều hỗ trợ từ Đề án phát triển trồng dâu, nuôi tằm giai đoạn 2019-2025, người dân Văn Chấn đã mạnh dạn hơn với việc chuyển đổi các diện tích đất ruộng, soi bãi kém hiệu quả sang trồng dâu, nuôi tằm.
Huyện còn chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ, hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện xây dựng mô hình trình diễn, mở lớp tập huấn kỹ thuật, thực hiện đề án trồng dâu nuôi tằm, đưa giống cây dâu GQ2 do Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương nghiên cứu lai tạo tới các hộ dân. Cây giống dần sinh trưởng, phát triển tốt, đủ thấy cây dâu có khả năng thích nghi và phát triển tại đất này.
Đến nay, huyện đã phát triển diện tích dâu với quy mô tập trung trên 140 ha, trong đó: 50 ha từ nguồn kinh phí thực hiện đề án của huyện, 5 ha thuộc mô hình khuyến nông, 74 ha từ nguồn dự án COPIA tài trợ, 11 ha do dân tự nhân giống, tự trồng.
Ngoài ra, toàn huyện có 70 hộ nuôi tằm với 70 nhà tằm lớn, 3 nhà tằm con tập trung. Không những diện tích tăng mà người dân Văn Chấn còn hình thành được 1 tổ hợp tác và 5 HTX tạo thành chuỗi liên kết với các công ty, doanh nghiệp từ khâu cung ứng vật tư, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Đến nay, sản lượng kén tằm của huyện đạt trên 30 tấn/năm, giá trị sản phẩm bình quân đạt 200 triệu đồng/ha/năm cao hơn nhiều lần so với trồng lúa hoặc các cây rau màu khác. Người dân Văn Chấn bước đầu đã có thể yên tâm và sống được bằng nghề trồng dâu nuôi tằm, đồng thời giải quyết việc làm thường xuyên cho nhiều lao động nông thôn.
Hoài Anh