Xã Vĩnh Lạc có vị trí thuận lợi trong giao thương hàng hóa và có nhiều sản phẩm nông nghiệp phong phú. Chính quyền, các hội, đoàn thể xã đã tích cực thông tin, tuyên truyền những lợi ích, ý nghĩa của Chương trình OCOP tới các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn; phân công cán bộ hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục đảm bảo các yêu cầu về điều kiện sản xuất và theo quy định của Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.
Cơ sở sản xuất kinh doanh Hoàng Thị Dương, xã Vĩnh Lạc vừa giới thiệu 2 sản phẩm là tỳ hưu đá phong thủy và thiềm thừ đá phong thủy (cóc ba chân). Hai sản phẩm này có nhiều sáng tạo, đa dạng về mẫu mã, đảm bảo điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc. Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện đã đánh giá 2 sản phẩm đều đạt 3 sao.
Việc đánh giá để Cơ sở sản xuất kinh doanh Hoàng Thị Dương tiếp tục duy trì, nâng cao giá trị sản phẩm; nghiên cứu sáng tạo chế tác thêm các sản phẩm khác cung cấp ra thị trường, góp phần nâng cao thu nhập tạo việc làm cho lao động địa phương.
Được biết, năm 2023, huyện Lục Yên đăng ký phân hạng 4 sản phẩm, phấn đấu hoàn thành 9 sản phẩm... Thực hiện Chương trình OCOP, Lục Yên đã xây dựng kế hoạch cụ thể, quán triệt quan điểm chỉ đạo của tỉnh và thực tế ở địa phương, xác định rõ nội dung, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Huyện cũng chú trọng đổi mới hình thức tổ chức sản xuất theo hướng hiện đại để nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi; khuyến khích và tạo điều kiện cho các HTX, doanh nghiệp, cá nhân tích tụ ruộng đất, phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn; duy trì, phát huy hiệu quả và mở rộng các mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết để nâng cao chất lượng, giá trị các sản phẩm, nhất là các sản phẩm đặc trưng của từng địa phương.
Ngoài ra, huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với Văn phòng Điều phối NTM tỉnh và đơn vị tư vấn Chương trình OCOP của tỉnh tổ chức khảo sát, hướng dẫn, hỗ trợ hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chí OCOP trực tiếp tại các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất có sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP.
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, đến nay, toàn huyện có 18 sản phẩm được công nhận đạt 3 sao. Trong đó: 11 sản phẩm thuộc ngành thực phẩm; 5 sản phẩm thuộc ngành dược liệu và sản phẩm từ dược liệu, nhóm ngành thực phẩm chức năng, thuốc từ dược liệu, thuốc y học cổ truyền; 2 sản phẩm thuộc ngành thủ công mỹ nghệ, nhóm thủ công mỹ nghệ, gia dụng, trang trí.
Năm 2023, Lục Yên có 9 sản phẩm hết thời hạn, trong đó có 8 sản phẩm tham gia đánh giá lại. Cùng với đó, Lục Yên đã giao các ngành chuyên môn thông tin và lựa chọn các chủ thể tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại do Sở Công thương, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tổ chức bằng hình thức trực tuyến, tham gia trưng bày và bán sản phẩm OCOP của huyện tại thị xã Nghĩa Lộ… Qua đó, 16/18 sản phẩm được công nhận đạt sao OCOP đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử.
Ông Đoàn Ngọc Tuấn - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: "Các chủ thể triển khai phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp với thị trường thực tế, doanh thu trung bình đạt 680,3 triệu đồng/1 sản phẩm. Hiện, huyện có 2 sản phẩm OCOP được chứng nhận VietGAP là sản phẩm cam sành Lục Yên của HTX Cam sành Lục Yên, sản phẩm măng mai của HTX Thanh niên Lâm Thượng; 5 sản phẩm được chứng nhận GMP; còn lại 11 sản phẩm OCOP chưa có chứng nhận quản lý chất lượng tiên tiến”.
Thời gian tới, huyện Lục Yên tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò của lãnh đạo cấp xã; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm; ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong truyền thông về Chương trình OCOP…
Quang Thiều