Không còn phải mất thời gian tới các siêu thị, cửa hàng, giờ đây, mỗi khi cần mua sắm các vật dụng sinh hoạt phục vụ cho gia đình, chị Phan Thị Minh Phương ở tổ 2, phường Minh Tân, thành phố Yên Bái lại sử dụng điện thoại di động, truy cập vào sàn TMĐT Shopee để tìm kiếm và mua sắm trực tuyến. Những sản phẩm chị tìm hầu hết đều là các vật dụng thường ngày trong gia đình như: nồi cơm điện, tivi, tủ lạnh, mỹ phẩm, quần áo, thậm chí cả sách vở, đồ dùng học tập của các con…
Chị Phương chia sẻ: "Trên mạng cái gì cũng có, lại đa dạng mẫu mã, chủng loại, giá thành rẻ hơn so với các cửa hàng bán trực tiếp. Hơn nữa, nếu săn được chương trình giảm giá thì còn "hời” nữa. Mua online vừa nhanh, tiện lợi, không mất thời gian, giao hàng tận nhà nên tôi thấy rất thuận tiện”.
Không chỉ chị Phương mà thời gian gần đây, mẹ chồng chị Phương là cán bộ hưu trí cũng đã biết lên mạng tìm đồ giảm giá, lựa chọn quần áo theo sở thích. Tiết kiệm thời gian, nguồn hàng phong phú, giá cả hợp lý… là những tiện ích mà người mua sắm online được thụ hưởng mà không cần biết đến cửa hàng đặt ở đâu, kinh doanh như thế nào.
Thực tế cho thấy, ngày nay, với sự phát triển của khoa học công nghệ, hình thức kinh doanh online ngày càng phổ biến, đem lại nhiều tiện lợi trong hoạt động mua, bán hàng hóa. Tuy nhiên, còn rất nhiều người kinh doanh online chưa chủ động, nghiêm túc tuân thủ các quy định của Nhà nước về nghĩa vụ thuế trong hoạt động kinh doanh này.
Công tác quản lý thuế và chống thất thu ngân sách nhà nước đối với hoạt động kinh doanh TMĐT còn nhiều khó khăn, vướng mắc do một số tổ chức, cá nhân liên quan đến kinh doanh TMĐT chưa ủng hộ cơ quan thuế trong phối hợp cung cấp thông tin phục vụ công tác quản lý thuế; việc truy tìm cá nhân kinh doanh TMĐT theo thông tin cá nhân để yêu cầu khai nộp thuế cũng rất khó khăn; nhiều shop online chỉ có tên, rất khó xác định địa điểm kinh doanh...
Ông Trần Quốc Toản - Chi Cục trưởng Chi cục Thuế thành phố cho biết: Trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 1.800 hộ kinh doanh phát sinh thuế phải nộp hàng tháng. Trong đó, nhiều hộ kinh doanh trên các sàn TMĐT và các trang mạng xã hội như: facebook, zalo, instagram... Các mặt hàng kinh doanh rất đa dạng với nhiều mức giá khác nhau như: quần áo, giày dép, mỹ phẩm, nông sản, đồ gia dụng… Theo quy định, kinh doanh trên trang mạng xã hội thuộc diện cá nhân kinh doanh sẽ nộp thuế theo tỷ lệ 1% giá trị gia tăng và 0,5% thu nhập cá nhân. Tuy nhiên hiện nay, nhiều doanh nghiệp dù có doanh thu lớn nhưng lại không kê khai, tính thuế và thực hiện nghĩa vụ thuế với ngân sách Nhà nước.
Để làm tốt công tác quản lý, tránh thất thu thuế, Chi cục Thuế thành phố đã đẩy mạnh rà soát các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên các trang mạng xã hội xác định tên, địa chỉ và người thụ hưởng để hướng dẫn cá nhân kinh doanh trên các sàn TMĐT thực hiện các thủ tục đăng ký thuế, hướng dẫn cụ thể về nội dung kê khai đối với người nộp thuế. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách thuế tới người dân và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Nhờ vậy từ đầu năm đến nay, Chi cục Thuế thành phố đã truy thu và xử lý vi phạm trên sàn TMĐT trên 20 cá nhân với số tiền trên 200 triệu đồng”.
Trung bình mỗi tháng, thông qua các kênh bán hàng anh Nông Ngọc Biển - chủ kênh bán hàng online Ngọc Biển Fishing, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái thu về được khoảng 500 - 600 đơn hàng với doanh thu 300 triệu đồng. Anh Biển cho biết: "Mặc dù kinh doanh online nhưng chúng tôi vẫn luôn chấp hành mọi quy định của Nhà nước, thực hiện kê khai và đóng thuế đầy đủ hàng tháng trên tinh thần tự nguyện, tự giác bởi đây là quyền và nghĩa vụ của mỗi công dân. Cán bộ của cơ quan thuế cũng thường xuyên tuyên truyền, vận động về các chính sách thuế đối với các hộ kinh doanh. Từ đó, giúp chúng tôi hiểu và thực hiện đầy đủ các quy định, chính sách thuế”.
Mặc dù đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhưng thực tế cho thấy hoạt động kinh doanh TMĐT hoàn toàn trên môi trường mạng có tính phi biên giới, không phụ thuộc vào địa bàn quản lý hành chính, dễ dàng thay đổi, che dấu hoặc xóa dữ liệu giao dịch. Do đó, cơ quan thuế khó xác định chính xác người nộp thuế, doanh thu phát sinh; khó nắm bắt được quy mô hoạt động kinh doanh cũng như quá trình giao dịch bán hàng, dẫn đến việc phối hợp trao đổi thông tin giữa cơ quan ngân hàng và cơ quan thuế gặp nhiều khó khăn.
Ông Trần Quốc Toản cho biết thêm: "Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục triển khai các nội dung, giải pháp tăng cường công tác quản lý thuế đối với kinh doanh TMĐT. Trong đó, chú trọng rà soát, tổng hợp, phân loại và thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin các công ty, cá nhân, hộ kinh doanh đang hoạt động kinh doanh, có phát sinh thu nhập từ các hình thức kinh doanh thuộc lĩnh vực TMĐT trong phạm vi địa bàn quản lý để thu thập thông tin của các hộ, cá nhân kinh doanh về kinh doanh TMĐT, tài khoản ngân hàng, đơn vị vận chuyển... để xác định doanh thu thực tế, thực hiện điều chỉnh doanh thu và mức thuế khoán phù hợp, đúng quy định…”
Theo số liệu thống kê năm 2022, số lượng người Việt mua hàng trực tuyến lên đến hơn 51 triệu người, tăng 13,5% so với năm trước, tổng chi tiêu cho việc mua sắm trực tuyến đạt 12,42 tỷ USD. Qua khảo sát, có tới 73% người tiêu dùng cho biết họ thường xuyên mua hàng trên các nền tảng mua sắm TMĐT và 59% cho biết họ đã từng nhiều lần đặt hàng hoặc mua sắm trên các website quốc tế. Điều này cho thấy, việc đẩy mạnh công tác quản lý thuế từ hoạt động kinh doanh qua mạng là rất cần thiết để tạo môi trường kinh doanh bình đẳng và chống thất thu thuế cho Nhà nước. |
Thu Trang