Những năm qua, ngành công nghiệp chế biến nông lâm sản, thực phẩm, luôn đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hiện, giá trị sản xuất chế biến ngành công nghiệp này chiếm khoảng 43% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của toàn tỉnh; hàng năm, tạo công ăn việc làm cho khoảng 10.000 lao động, thu nhập bình quân từ 6 - 8 triệu đồng/tháng. Đóng góp chủ lực cho ngành công nghiệp này phải kể đến công nghiệp chế biến gỗ rừng trồng.
Theo Sở Công Thương, trên địa bàn tỉnh có khoảng 520 cơ sở chế biến gỗ; trong đó, có 44 doanh nghiệp, công ty và 476 hộ cá thể, tập trung chủ yếu trên địa bàn các huyện: Trấn Yên, Yên Bình, Lục Yên, Văn Yên, Văn Chấn và thành phố Yên Bái.
Tỉnh cũng đã thu hút được nhiều dự án sản xuất gỗ quy mô và chất lượng cao như: Công ty TNHH Ngành gỗ Thiên An, Công ty TNHH Hoàng Gia Yên Bái, Công ty TNHH Kim Gia, Công ty TNHH Good Industry; Công ty TNHH Trường Minh; Công ty cổ phần Junma Yên Bái; Công ty TNHH Một thành viên An Việt Phát; Công ty TNHH YiFan Hồng Kông, Doanh nghiệp Tư nhân Đăng Khoa. Hiện, công nghiệp chế biến gỗ rừng trồng đã có bước phát triển cả số lượng, lẫn quy mô, công nghệ; chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao.
Sản phẩm ván ép, ván ghép thanh, đũa gỗ, viên nén đã được xuất khẩu đến các thị trường: Hàn Quốc, Trung Quốc, Hoa Kỳ qua một số đơn vị đầu mối tại Phú Thọ, Hà Nội và một phần được tiêu thụ trong nước. Tuy nhiên, thời gian qua, các doanh nghiệp ngành chế biến gỗ đã bắt đầu bị sụt giảm đơn hàng cả trong và ngoài nước dẫn đến, nhiều doanh nghiệp bị tồn kho lớn, nguồn vốn lưu động khó khăn khiến doanh nghiệp chỉ hoạt động cầm chừng, thậm chí có doanh nghiệp phải đóng cửa.
Ông Vũ Văn Việt - Giám đốc Công ty TNHH Việt Phát Plywood, xã Vũ Linh, huyện Yên Bình cho biết: "Doanh nghiệp chuyên chế biến ván bóc phục vụ thị trường nội địa. Tuy nhiên, thời gian qua do lạm phát ở mức cao, các nước "thắt lưng buộc bụng", hạn chế tiêu dùng những mặt hàng không thiết yếu; trong đó, có các sản phẩm gỗ làm từ ván ép; dẫn đến, thị trường trong nước cũng ảm đạm. Từ đầu năm tới nay, chủ yếu là các đơn hàng nhỏ lẻ, giá trị thấp, đối tác thanh toán chậm, nên rất khó cho sản xuất nói chung và ván bóc vô cùng ế ẩm. Doanh nghiệp đang phải sản xuất cầm chừng để giữ chân người lao động, nhiều cơ sở sản xuất ván bóc đã ngừng hoạt động”.
Không chỉ chế biến gỗ, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến tinh dầu quế cũng điêu đứng vì phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Ông Ngô Thành Hưng - Phó Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp xanh Đông Yến, xã Đông An, huyện Văn Yên cho biết: "Từ đầu năm tới nay, thị trường tiêu thụ tinh dầu quế gần như "đóng băng”. Bên cạnh đó, giá nguyên liệu đầu vào khá cao trong khi giá sản phẩm bán ra trên thị trường thấp chỉ đạt 420 - 450 triệu đồng/tấn sản phẩm. Do đó, từ đầu năm tới nay, doanh nghiệp mới xuất được khoảng 10 tấn tinh dầu quế và hiện còn tồn kho khoảng 30 tấn sản phẩm. Rất mong các cấp, ngành đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đặc biệt là tìm kiếm thị trường mới ngoài thị trường Trung Quốc”.
Bên cạnh khó khăn về thị trường tiêu thụ, các doanh nghiệp, cơ sở chế biến nông lâm sản còn đối mặt với khó khăn như: tình trạng cạnh tranh giữa các đơn vị thu mua nguyên liệu chế biến; nguồn lao động tham gia sản xuất còn thiếu, không ổn định; sản phẩm chế biến chè gặp khó khăn trong việc kiểm soát dư lượng chất bảo vệ thực vật; các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn để duy trì sản xuất...
Trước những khó khăn trên, các doanh nghiệp trong ngành kiến nghị, cơ quan chức năng đẩy mạnh hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu tại các thị trường chính và thị trường nhỏ để gia tăng doanh thu; đề nghị các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm lãi suất, giảm chi phí thủ tục vay vốn, tiếp cận vốn ưu đãi...
Để đẩy mạnh phát triển công nghiệp nói chung và công nghiệp chế biến nông lâm sản nói riêng, Sở Công Thương tiếp tục thường xuyên rà soát, nắm tình hình các doanh nghiệp, phối hợp với các sở ngành, địa phương, tham mưu với UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp; tập trung phát triển thị trường mới cho các sản phẩm xuất khẩu có sức cạnh tranh lớn, có giá trị gia tăng cao hoặc các nhóm sản phẩm có tỷ trọng kim ngạch lớn, giữ vững thị trường xuất khẩu truyền thống; khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng và vận hành có hiệu quả các website nhằm quảng bá thương hiệu, sản phẩm, ngành hàng; giới thiệu quảng bá thương hiệu, sản phẩm, doanh nghiệp trên website chuyên về xúc tiến đầu tư - thương mại, trên sàn giao dịch điện tử của tỉnh nhằm giúp doanh nghiệp có cơ hội giao thương đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh.
Đặc biệt, tăng cường công tác thông tin, phổ biến các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, giúp các doanh nghiệp nắm vững, chủ động phát triển sản xuất, kinh doanh, hội nhập kinh tế quốc tế; tiếp tục hỗ trợ để xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, truy xuất nguồn gốc.... đảm bảo hàng hóa đạt các tiêu chuẩn xuất khẩu đến được với các thị trường khó tính: EU, Mỹ, Nhật Bản...
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đề nghị UBND tỉnh không cấp chủ trương đầu tư cho những dự án thô, lãng phí nguyên liệu; trong đó, có những dự án sản xuất tinh dầu quế ở dạng thô không gắn với vùng nguyên liệu; các ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý quy hoạch, cương quyết xử lý các cơ sở sản xuất đầu tư không theo quy hoạch, đầu tư không gắn với vùng nguyên liệu, như: chế biến chè, chế biến gỗ rừng trồng; tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư các dự án chế biến sâu, sản xuất tiêu thụ các sản phẩm chế biến thô của tỉnh như các dự án sản xuất ván ép, MDF, chế biến chè, chế biến gỗ, đồ gỗ nội thất... sớm đi vào hoạt động đúng tiến độ.
Đề nghị tỉnh tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh đào tạo nghề, thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nhân lực chất lượng cao, lành nghề gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo với nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, như: đường giao thông, hệ thống cấp điện, cấp nước, đặc biệt là hệ thống xử lý nước thải tập trung để tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp.
Văn Thông