Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư công:

Nhiệm vụ then chốt để phát triển bền vững

  • Cập nhật: Thứ hai, 19/5/2025 | 1:50:43 PM

YênBái - Trong bối cảnh ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp, nhu cầu đầu tư phát triển ngày càng cao, thì thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư công không chỉ là yêu cầu cấp thiết mà còn là thước đo năng lực quản trị, tinh thần trách nhiệm của từng cấp chính quyền. Tại Yên Bái, nhiệm vụ này đang được triển khai với quyết tâm cao, tuy đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, song vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra cần nhìn thẳng vào vấn đề và xử lý dứt điểm.

Công ty Điện lực Yên Bái sử dụng thiết bị Flycam chuyên dụng thường xuyên kiểm tra tình hình vận hành đường dây và TBA để bảo đảm lưới điện vận hành an toàn, ổn định.
Công ty Điện lực Yên Bái sử dụng thiết bị Flycam chuyên dụng thường xuyên kiểm tra tình hình vận hành đường dây và TBA để bảo đảm lưới điện vận hành an toàn, ổn định.


Theo Sở Tài chính tỉnh Yên Bái, năm 2024, toàn tỉnh đã giải ngân 4.401 tỷ đồng trong tổng kế hoạch vốn hơn 5.352 tỷ đồng, đạt 82,2%. Riêng nguồn vốn do Thủ tướng Chính phủ giao, Yên Bái đạt tỷ lệ giải ngân ấn tượng: 100,4%. Con số này phản ánh nỗ lực lớn của các cấp ngành, chính quyền địa phương trong tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân chưa đồng đều giữa các nguồn vốn, cho thấy một số "nút thắt" trong công tác chuẩn bị đầu tư, lập hồ sơ thủ tục và điều hành dự án vẫn chưa được tháo gỡ triệt để. 

Thực tế cho thấy, tại một số công trình trọng điểm, tình trạng chậm tiến độ đã và đang gây ra sự lãng phí nguồn lực không nhỏ. Điển hình như Dự án Khu Trung tâm thương mại Khách sạn Hoa Sen Yên Bái, được khởi công từ năm 2016 với kỳ vọng trở thành điểm nhấn hiện đại ở khu vực trung tâm thành phố. 

Nhưng sau gần 10 năm, dự án vẫn dở dang, phần lớn hạng mục hoàn thiện, cơ điện, phòng cháy chữa cháy chưa được triển khai, gây ra lãng phí nghiêm trọng về đất đai, nguồn lực đầu tư và cơ hội phát triển kinh tế - xã hội. 

Để chấn chỉnh tình trạng này, Yên Bái đã ban hành hàng loạt chương trình hành động và kế hoạch cụ thể. Trong năm 2024 và đầu năm 2025, UBND tỉnh liên tục ban hành các quyết định như các quyết định số 200/QĐ-UBND, 145/QĐ-UBND nhằm cụ thể hóa Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trong đó nhấn mạnh các nội dung như tăng cường kỷ luật tài chính - ngân sách; đẩy mạnh công khai, minh bạch trong lập, thẩm định và phân bổ vốn đầu tư; nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công. 

Yên Bái cũng chủ trương đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đầu tư công. Trong đó, năm 2024 và 4 tháng đầu năm 2025, có nhiều cuộc kiểm tra trực tuyến để giảm chi phí di chuyển, họp hành. Thông qua hoạt động này, tỉnh đã kiến nghị xử lý tài chính trên 50 tỷ đồng, phát hiện và xử lý kỷ luật các cán bộ, tập thể vi phạm trong quá trình sử dụng vốn đầu tư công. Không chỉ dừng ở các cấp quản lý nhà nước, một số đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước cũng tiên phong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí một cách bài bản. 

Đơn cử như Công ty Điện lực Yên Bái đã triển khai chương trình tiết kiệm tổng thể giai đoạn 2021-2025 với 5 nhóm nội dung: đầu tư xây dựng, quản lý tài sản, quản lý tài nguyên, lao động và sản xuất, kinh doanh. Việc áp dụng quy trình 5S, quản trị chi phí, định kỳ rà soát vật tư tồn kho, thiết bị không sử dụng đã giúp đơn vị tiết giảm trung bình từ 8 - 10% chi phí mỗi năm. 

Ông Cao Bình Định - Giám đốc Công ty Điện lực Yên Bái cho biết: "Tiết kiệm, chống lãng phí không chỉ là nhiệm vụ về tài chính, mà còn là văn hóa quản trị mà chúng tôi đang xây dựng trong toàn đơn vị. Mỗi cán bộ, công nhân viên đều được quán triệt tinh thần sử dụng hiệu quả từng đồng vốn, từng thiết bị, từng giờ lao động. Chúng tôi đặt mục tiêu tiết kiệm nhưng vẫn bảo đảm hiệu quả sản xuất, kinh doanh, cải thiện dịch vụ khách hàng và nâng cao đời sống người lao động. Nhờ đó, Công ty không chỉ duy trì hoạt động ổn định mà còn góp phần tích cực vào mục tiêu chung của tỉnh về sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công và nguồn lực Nhà nước”.

Bên cạnh những kết quả tích cực, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại. Đó là sự chậm trễ trong khâu giải phóng mặt bằng, phê duyệt thiết kế, thẩm định dự toán khiến nhiều dự án không thể triển khai đúng tiến độ. Ở một số địa phương, năng lực quản lý dự án, đấu thầu, giám sát công trình của đội ngũ cán bộ còn hạn chế. 

Một số dự án tuy được công khai về mặt pháp lý nhưng chưa có cơ chế minh bạch để người dân, báo chí và các tổ chức xã hội tham gia giám sát hiệu quả. Công nghệ thông tin chưa được ứng dụng sâu vào quá trình theo dõi, đánh giá, điều chỉnh kế hoạch vốn, gây nên tình trạng manh mún, thiếu liên thông. Với yêu cầu ngày càng cao trong quản lý đầu tư công, Yên Bái cần tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực này. 

Một hệ thống giám sát trực tuyến minh bạch, cập nhật tiến độ, khối lượng, chi phí và kết quả đầu tư công sẽ không chỉ giúp người dân giám sát, mà còn là công cụ quản lý hiệu quả cho các cơ quan chức năng. Đồng thời, cần tổ chức tập huấn chuyên sâu cho cán bộ chuyên môn về Luật Đấu thầu, quản lý dự án và thanh quyết toán đầu tư công. Một khía cạnh quan trọng khác là mở rộng vai trò của cộng đồng trong giám sát đầu tư công. 

Việc kiện toàn ban giám sát đầu tư cộng đồng tại từng xã, phường, thị trấn không chỉ giúp người dân thực sự trở thành chủ thể giám sát mà còn tạo động lực để chính quyền hành động hiệu quả, minh bạch hơn. Cần có cơ chế rõ ràng về tiếp nhận phản ánh, khiếu nại, kiến nghị của người dân và công bố kết quả xử lý để tạo niềm tin trong xã hội.

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư công là một quá trình lâu dài, cần sự quyết liệt từ lãnh đạo, sự phối hợp đồng bộ từ các cấp, các ngành và sự tham gia tích cực từ người dân. Yên Bái đang có những nền tảng tốt để chuyển mình mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực này. Với sự quyết tâm chính trị cao, cơ chế minh bạch và hệ thống giám sát hiệu quả, hoàn toàn có thể kỳ vọng vào một nền đầu tư công hiệu quả, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững tỉnh Yên Bái trong giai đoạn tới.

Yên Bái đã sớm tiếp cận và triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống lãng phí giai đoạn đến năm 2035. Phấn đấu giảm tối thiểu 20% các khoản chi hành chính không cần thiết, giảm 15% thời gian giải quyết các thủ tục liên quan đến đầu tư công, đồng thời tăng cường giám sát, trách nhiệm cá nhân trong từng dự án cụ thể.

Anh Dũng

Tags Yên Bái điện lực đầu tư công tiết kiệm chống lãng phí

Các tin khác
Ông Kiều Tư Giang - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh.

Với tiềm năng lâm nghiệp to lớn, Yên Bái đang đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ và chuyển đổi số (CĐS) để khai thác bền vững nguồn tài nguyên rừng. Những nỗ lực này không chỉ bảo vệ hiệu quả "lá phổi xanh", mà còn gia tăng giá trị cho lâm sản, đáp ứng thị trường hiện đại.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thế Phước kiểm tra tiến độ một số công trình trọng điểm.

Thời gian đang đếm ngược tới những mốc son lớn: kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh, Đại hội XX Đảng bộ tỉnh, kỷ niệm 80 năm Ngày Quốc khánh 2/9. Trên từng công trường, khí thế vẫn bừng bừng. Mỗi công trình hoàn thành không chỉ là một cột mốc vật chất mà là bản tuyên ngôn kiêu hãnh cho một nhiệm kỳ dám nghĩ, dám làm, hành động quyết liệt vì nhân dân.

Ông Nguyễn Văn Trà - thôn Khau Vi, xã An Phú đã thành công với mô hình nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà.

Từ mảnh đất cằn cỗi và những bãi cỏ hoang sơ nơi vùng hồ rộng lớn, người dân xã An Phú, huyện Lục Yên đã tạo nên những “ốc đảo” giàu có. Họ thắp sáng giấc mơ no ấm bằng chính đôi tay và sự bền bỉ trước thiên nhiên khắc nghiệt. Những hòn đảo từng chỉ có cỏ dại, nay trở thành những mô hình kinh tế bền vững, hiệu quả - minh chứng sống động cho sức mạnh của con người trong việc thích ứng và phát triển.

Ngày hội tuyển dụng của GO! Yên Bái đã thu hút trên 400 hồ sơ, tham gia ứng tuyển ở rất nhiều vị trí việc làm.

Ngày 18/5, tại tỉnh Yên Bái, Tập đoàn Central Retail Việt Nam và Ban lãnh đạo Hệ thống siêu thị GO! miền Bắc tổ chức Ngày hội tuyển dụng nhằm chuẩn bị cho sự kiện khai trương Đại siêu thị GO! Yên Bái trong thời gian tới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục