Để hỗ trợ người dân, hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp liên kết trong sản xuất, Nhà nước đã ban hành
Nghị định số 98/2018/NĐ-CP nhằm hỗ trợ chi phí tư vấn liên kết, cơ sở hạ tầng, khuyến nông, giống, bao bì, nhãn mác.
Đồng thời, hướng đến sản xuất nông nghiệp mang tính bền vững, tỉnh cũng đã đẩy mạnh thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển hợp tác liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị định số 98; trong đó, phải kể đến
Nghị quyết số 69/2020/NQ-HĐND ngày 16/12/2020 ban hành Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025.
Các chính sách hỗ trợ thực sự đã trở thành động lực để các HTX đẩy mạnh đầu tư theo mô hình chuỗi giá trị; trong đó, phải kể đến HTX Lũng Lô được hỗ trợ xây dựng dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm dược liệu, với kinh phí 2,8 tỷ đồng; HTX Miến đao Giới Phiên được hỗ trợ xây dựng dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm miến đao Giới Phiên với kinh phí gần 1 tỷ đồng bằng nguồn kinh phí từ Chương trình Mục tiêu quốc gia về Xây dựng nông thôn mới (NTM).
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số chuỗi liên kết sản xuất trong nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nổi bật, phải kể đến chuỗi liên kết trong sản xuất đối với sản phẩm măng tre Bát độ của HTX Dịch vụ tổng hợp Kiên Thành (Trấn Yên); HTX Dịch vụ tổng hợp Hồng Ca liên kết với Công ty cổ phần Yên Thành (Yên Bình) đầu tư vật tư, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và thu mua toàn bộ sản phẩm cho nông dân.
Trong sản xuất và chế biến chè, có kết quả rất đáng khích lệ từ việc liên kết giữa HTX Dịch vụ tổng hợp Kiến Thuận, HTX Vạn Hoa (Văn Chấn) và Công ty TNHH Hưng Thịnh (Trấn Yên) với HTX Trường Xuân, HTX Tân Hương (Yên Bình) để đầu tư kỹ thuật chăm sóc, thu hái chè theo tiêu chuẩn Unilever và VietGAP...
Trong đó, khi tham gia liên kết, các hộ trồng chè được tham gia các khóa tập huấn, chuyển giao kỹ thuật canh tác, thu hái bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng được doanh nghiệp hướng dẫn và đặt hàng; doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ sản phẩm HTX sản xuất, sơ chế và tiếp tục chế biến sâu phục vụ xuất khẩu.
Những mô hình liên kết kể trên đã phát huy được khả năng hợp tác từ khâu cung cấp nguyên liệu đầu vào đến khâu hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chế biến cho đến tiêu thụ sản phẩm, góp phần tạo việc làm, nâng cao giá trị sản phẩm.
Bên cạnh đó, Liên minh HTX tỉnh tập trung hỗ trợ các nguồn lực giúp HTX, tổ hợp tác đẩy mạnh, chuyển dịch từ sản xuất nông nghiệp trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản theo hướng chuyên canh, sản xuất hàng hóa theo hướng phát triển kinh tế nông nghiệp, góp phần quan trọng trong tổ chức lại sản xuất, tiêu thụ nông sản hàng hóa trên địa bàn tỉnh.
Tham gia tích cực vào các chuỗi sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP, sản phẩm có lợi thế của tỉnh gắn với phát triển du lịch như: quế, cây ăn quả, chè, dâu tằm, cây dược liệu, thủy sản… góp phần tạo thêm nhiều việc làm mới, nâng cao thu thập và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn.
Nhiều HTX đã khẳng định được vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn như: HTX Dịch vụ nông - lâm nghiệp tổng hợp Công Tâm; HTX Lũng Lô; HTX Dịch vụ tổng hợp Kiến Thuận; HTX Suối Giàng, huyện Văn Chấn; HTX Quế hồi Việt Nam, huyện Trấn Yên; HTX Thực phẩm sạch và Du lịch Bảo Ngọc, huyện Yên Bình…
Có thể nói, Nghị định 98 chính là chất xúc tác, là cầu nối giúp các doanh nghiệp, HTX, người nông dân có điều kiện mở rộng diện tích sản xuất và giúp vấn đề tiêu thụ nông sản của nông dân được thuận lợi, bền vững hơn.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh, trong quá trình thực hiện Nghị định 98/2018/NĐ-CP còn gặp khó khăn, vướng mắc trong hỗ trợ HTX nông nghiệp tham gia liên kết. Năng lực nội tại của phần lớn các HTX nông nghiệp còn yếu về tổ chức quản lý, tài chính, cơ sở vật chất, áp dụng khoa học và công nghệ mới; việc đáp ứng yêu cầu tham gia chuỗi liên kết hạn chế; việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm còn hạn chế.
Bên cạnh đó, do là tỉnh miền núi, nên còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc tích tụ ruộng đất, liên kết đất đai trong sản xuất nông nghiệp, hình thành các vùng chuyên canh, sản xuất hàng hóa tập trung; ứng dụng công nghệ cao; quy hoạch vùng nguyên liệu.
Một số chính sách hỗ trợ phải tuân thủ sự điều chỉnh của nhiều những quy định của pháp luật có liên quan về đất đai, môi trường, xây dựng, đầu tư...; dẫn đến chưa hoặc khó triển khai thực hiện được như: chính sách đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ tập trung, chính sách đầu tư nhà máy sơ chế, bảo quản, chế biến sản phẩm thủy sản...
Đề cập đến các giải pháp hoàn thiện chính sách thúc đẩy phát triển hợp tác, liên kết, Liên minh HTX tỉnh đề nghị, cần rà soát các luật chuyên ngành về đất đai, thuế, khoa học và công nghệ… để tạo sự thống nhất trong triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với HTX nông nghiệp, tránh những vướng mắc trong tổ chức thực hiện.
Rà soát, bổ sung các cơ chế, chính sách thúc đẩy liên kết, hợp tác giữa HTX với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị; thực hiện chính sách xúc tiến thương mại và chuyển đổi số; trong đó, cần có điều khoản riêng hỗ trợ cho HTX (không lồng ghép hoặc quy định chung chung) thì HTX mới tiếp nhận được.
Đồng thời, cần có chính sách thiết thực, phù hợp hỗ trợ cho các HTX nông nghiệp nâng cao năng lực, đặc biệt là HTX nông nghiệp ở địa bàn vùng cao còn nhiều khó khăn nhằm đáp ứng yêu cầu tham gia liên kết chuỗi: hỗ trợ vốn, kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm, nâng cao năng lực.
Văn Thông