Trạm Tấu phát triển nông nghiệp nâng cao thu nhập

  • Cập nhật: Thứ năm, 14/9/2023 | 8:36:46 AM

YênBái - Là địa phương điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, huyện Trạm Tấu xác định nông nghiệp là ngành kinh tế quan trọng, trụ đỡ cho phát triển kinh tế địa phương. Vì vậy, những năm qua, huyện triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phát triển trồng trọt, chăn nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất; tích cực khai hoang ruộng nước, đẩy mạnh thâm canh tăng vụ... nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Nông dân xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu trồng ngô hè thu năm 2023.
Nông dân xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu trồng ngô hè thu năm 2023.

Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trạm Tấu cho biết: Hàng năm, ngay từ những ngày đầu năm Phòng sẽ chủ động tham mưu giúp huyện ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, trước tiên tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chuẩn bị vật tư nông nghiệp phục vụ cho sản xuất; áp dụng nhanh các tiến bộ KHKT mới; tích cực khai hoang ruộng nước; quan tâm đẩy mạnh thâm canh tăng vụ; phòng chống đói rét cho gia súc. Trong 6 tháng đầu năm 2023, các cơ quan chuyên môn của huyện đã thực hiện được 68 buổi hướng dẫn, tuyên truyền kỹ thuật cho 4.180 lượt người về các biện pháp trồng trọt, chăn nuôi. 

Công tác tuyên truyền đã làm thay đổi nhận thức của nhân dân và minh chứng rõ nét nhất chính là việc diện tích, năng suất, sản lượng cây lương thực có hạt tăng nhanh qua các năm, an ninh lương thực được giữ vững ổn định. Năm 2023, nhân dân Trạm Tấu đã cấy được 1.572 ha lúa xuân, năng suất đạt 50,89 tạ/ha, sản lượng đạt 8.003 tấn; trồng 2.100 ha ngô xuân, năng suất đạt 30,8 tạ/ha, sản lượng đạt 6.468 tấn; cấy 1.535 ha lúa mùa; trồng 600 ha khoai sọ,  693 ha chè...

Cũng như trồng trọt, nhờ làm tốt việc tuyên truyền, trong chăn nuôi, nhân dân Trạm Tấu đã có nhiều chuyển biến về mặt nhận thức, hành động. Thay đổi từ chăn nuôi thả rông sang nuôi nhốt, bán chăn thả, biết áp dụng các biện pháp kỹ thuật như làm chuồng trại, phòng chống đói, rét, kết hợp trồng các loại cỏ phục vụ chăn nuôi. 

Ngoài ra, huyện đã triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi; thực hiện tốt tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm; chỉ đạo nhân dân trồng cỏ, dự trữ rơm khô, làm chuồng trại, phòng chống đói, rét cho đàn gia súc. Các giải pháp được triển khai đồng bộ đã góp phần giúp chăn nuôi của Trạm Tấu phát triển mạnh, tổng đàn gia súc các loại của huyện không ngừng được tăng lên, không có dịch bệnh xảy ra. 

Đến nay, tổng đàn gia súc chính của huyện đạt gần 45.900 con; trong đó, có 9.760 con trâu, gần 6.300 con bò, 29.850 con lợn (lợn bản địa là 19.800 con). Việc giết mổ gia súc được kiểm soát chặt chẽ theo quy định, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 253 tấn. 

Bên cạnh đó, việc xây dựng mô hình được Trạm Tấu chú trọng thực hiện. Nửa đầu năm 2023, huyện đã triển khai xây dựng được mô hình trình diễn giống lúa Thiên trường 217 với diện tích 1 ha tại thôn Lừu 2, xã Hát Lừu năng suất đạt 48,9 tạ/ha; mô hình lúa nếp TĐ2 với diện tích 1 ha tại thôn Lừu 2, xã Hát Lừu, năng suất đạt trên 50 tạ/ha; mô hình lúa lai 3 dòng ADI 73 kết hợp bón phân gà hữu cơ để cải tạo đất với diện tích 0,35 ha tại thôn Khấu Ly, xã Bản Mù; mô hình trình diễn giống lúa ADI 73 kết hợp bón phân gà hữu cơ để cải tạo đất với diện tích 0,35 ha tại xã Xà Hồ, năng suất đạt là 68,2 tạ/ha. 

Đặc biệt, các cơ quan, đơn vị chuyên môn của huyện đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh xây dựng mô hình vỗ béo trâu, bò tại xã Trạm Tấu với 61 con bò thuộc 20 hộ. Là một trong những hộ tham gia mô hình vỗ béo bò tại xã Trạm Tấu, anh Lưu Văn Hòa chia sẻ: "Tham gia mô hình, tôi được hỗ trợ rất nhiều về kỹ thuật chăn nuôi, hỗ trợ thức ăn hỗn hợp, chế phẩm sinh học, thuốc tẩy nội, ngoại kí sinh trùng. Nhờ đó, 14 con bò của tôi luôn khỏe mạnh, lớn nhanh. Tôi cảm ơn ngành nông nghiệp huyện đã quan tâm đến nông dân như chúng tôi”.

Phát triển trồng trọt, chăn nuôi đã giúp Trạm Tấu có những bước tiến vững chắc trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân. Đây sẽ là nguồn lực to lớn giúp Trạm Tấu dần vượt qua khó khăn của một huyện vùng cao, đông đồng bào dân tộc sinh sống để vươn lên xây dựng trở thành miền quê phát triển, nhân dân có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Lê Thương

Tags Trạm Tấu nông nghiệp thu nhập xóa đói cây trồng vật nuôi

Các tin khác
Công trình cầu Tô Mâu, huyện Lục Yên đang được các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công.

Để bảo đảm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, tỉnh Yên Bái tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương thi đua “nước rút”; triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ các khó khăn, bảo đảm kịch bản giải ngân đến hết quý III đạt tối thiểu 75%, đến hết năm 2023 đạt 100% kế hoạch đề ra.

Lãnh đạo huyện Trấn Yên và xã Minh Quân kiểm tra việc nuôi tằm của một hộ nông dân trên địa bàn.

Năm 2023 là năm đầu tiên cây dâu, con tằm bén rễ trên đồng đất xã Minh Quân, huyện Trấn Yên. Song, hiệu quả từ nghề trồng dâu, nuôi tằm của các xã khác trên địa bàn huyện đã tạo ra sức hút, mở hướng phát triển kinh tế mới cho người dân có thu nhập cao hơn từ cây dâu, con tằm.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cùng các đại biểu tham quan gian hàng tại chuỗi sự kiện Viet Nam International Sourcing.

Các sản phẩm được quản lý, truy xuất nguồn gốc, sản phẩm thuộc chương trình trọng điểm, kinh tế tuần hoàn… sẽ là những mặt hàng được đặc biệt quan tâm tìm kiếm.

Huyện Trấn Yên hiện có 734 cơ sở chăn nuôi hàng hóa với quy mô lớn, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Đến nay, huyện Trấn Yên có 734 cơ sở chăn nuôi hàng hóa quy mô lớn, chủ yếu là nuôi gà, lợn, trâu bò, thỏ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục