Đến nay, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 108 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực, của 93 tổ chức, doanh nghiệp gồm: 42 giấy phép do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp, 66 giấy phép do tỉnh cấp. Tổng công suất khai thác gần 4,3 triệu m3/năm và trên 17,4 tấn/năm, trên tổng diện tích khai thác mỏ là 1.421 ha. Hiện tại, có 76 mỏ đang khai thác, 21 mỏ chưa khai thác, 8 mỏ dừng khai thác và dừng xây dựng cơ bản, 3 mỏ xây dựng cơ bản.
Trên địa bàn tỉnh hiện nay có 88 nhà máy chế biến khoáng sản đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư hoặc chủ trương đầu tư; 55 tổ chức, doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực vật liệu nổ công nghiệp.
Các doanh nghiệp khai thác mỏ cơ bản chấp hành tốt các quy định của pháp luật trong hoạt động khoáng sản như: phê duyệt thiết kế, bổ nhiệm giám đốc điều hành mỏ; có xác nhận hoàn thành các công trình xử lý môi trường hoặc giấy phép môi trường, khai thác, đổ thải đúng thiết kế được thẩm định, phê duyệt. Hầu hết doanh nghiệp khai thác mỏ đã xây dựng nhà máy chế biến để nâng cao giá trị tài nguyên.
Hoạt động khoáng sản trong 8 tháng năm 2023 đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Đã khai thác được tiềm năng thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên của tỉnh, nâng cao được giá trị sản phẩm sản xuất, tiết kiệm tài nguyên, đảm bảo giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường... Hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tạo việc làm cho trên 7.865 lao động, với mức thu nhập bình quân khoảng 7 triệu đồng/người/tháng, đóng góp ngày càng cao cho ngân sách Nhà nước.
Tại Hội nghị, các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản đã nêu rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động như: thiếu chỗ đổ thải, khó khăn trong thực hiện hợp đồng thuê đất, nâng công suất khai thác, thiếu điện sản xuất, có thêm các mức giá phù hợp với từng loại đá, mở rộng hành lang an toàn tại các khu khai thác mỏ...
Sở Công thương và đại diện các sở, ngành liên quan đã trực tiếp trả lời một số khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp thuộc thẩm quyền của đơn vị mình. Đồng thời tổng hợp các ý kiến, kiến nghị không thuộc thẩm quyền tại Hội nghị trình UBND tỉnh hoặc tham mưu cho UBND tỉnh có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Sở Công thương cũng yêu cầu các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất nghiên cứu nắm rõ đầy đủ và tuân thủ các quy định trong các văn bản luật, các quy định trong các nghị định, thông tư, quy chế hiện hành, các quy định đã được thể hiện trong giấy phép khai thác khoáng sản, giấy chứng nhận đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư để hoàn thiện các hồ sơ pháp lý trước và trong quá trình hoạt động khoáng sản.
Đồng thời tiếp thu, khắc phục triệt để các tồn tại đã được chỉ ra trong các cuộc thanh tra, kiểm tra, làm việc của các cơ quan quản lý nhà nước; thường xuyên trao đổi, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước để được giải đáp, hướng dẫn, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc để hoạt động sản xuất, kinh doanh đảm bảo đúng quy định...
Hồng Duyên