Còn nhiều khó khăn
Theo khảo sát mới đây của Nielsen Việt Nam, 80% người tiêu dùng Việt sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm có cam kết xanh và sạch, sản xuất từ những nguyên liệu thân thiện với môi trường. Trong "Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan 2023" vừa được tổ chức hồi giữa tháng 8, sản phẩm xanh chiếm ưu thế và dễ dàng có được thiện cảm từ người tiêu dùng.
Lần thứ hai mang hàng Việt Nam quảng bá tới người tiêu dùng Thái Lan và thế giới, ông Hoàng Hữu Danh - Nhà sáng lập thương hiệu Miss Ede - chia sẻ, khi mang các dòng sản phẩm gồm socola và cà phê đến với "Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan 2023", doanh nghiệp muốn giới thiệu tới đối tác, khách hàng cả về chất lượng sản phẩm và câu chuyện kinh doanh hướng đến sự phát triển bền vững.
Theo tính toán của các tổ chức trên thế giới, để làm ra được 1 tấn cà phê thành phẩm sẽ thải ra ngoài môi trường khoảng 3 tấn carbon. Nhưng canh tác bền vững đã giúp doanh nghiệp giảm lượng carbon thải ra môi trường xuống gần một nửa, chỉ còn khoảng 1,6 tấn carbon. Doanh nghiệp đang theo đuổi chiến lược giảm phát thải đến năm 2025 việc sản xuất 1 tấn cà phê thành phẩm chỉ thải ra ngoài môi trường khoảng 1 tấn carbon.
Có thể thấy, để cạnh tranh, xu hướng xanh hóa trong xây dựng thương hiệu ngày càng phổ biến, nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực đầu tư sản xuất nhằm cho ra đời những sản phẩm bảo đảm xanh và sạch; xây dựng thương hiệu xanh gắn với phát triển bền vững. Tuy nhiên, các thương hiệu cam kết xanh và sạch hiện có mức tăng trưởng chỉ khoảng 4%/năm.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư mạnh hơn vào khâu chế biến, đa dạng hóa sản xuất, liên kết với nhau tạo thành phong trào sản xuất các sản phẩm hữu cơ và phát triển rộng khắp cả nước. Tuy nhiên, sự xuất hiện của sản phẩm xanh trong hệ thống bán lẻ hiện đại tại nước ta vẫn còn chừng mực và khiêm tốn.
Về vấn đề này, Phó Chánh Văn phòng sản xuất và tiêu dùng bền vững (Bộ Công Thương) Cù Huy Quang phân tích, khi chuyển đổi sang nền sản xuất xanh, doanh nghiệp phải lựa chọn được công nghệ phù hợp với quy mô phát triển của doanh nghiệp. Tuy nhiên, vốn đầu tư là một trong những thách thức lớn đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ có nguồn vốn đầu tư thấp. Chưa kể đến những chính sách của Nhà nước về hỗ trợ doanh nghiệp trong chuyển đổi sang nền sản xuất xanh còn hạn chế.
Cần thêm những chính sách ưu tiên
Xu hướng tiêu dùng xanh đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp phải thay đổi tư duy, làm sao để sản phẩm và dịch vụ của mình đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng mới hiện nay.
Đứng ở góc độ nhà phân phối, Quản lý bộ phận trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (MM Mega Market Việt Nam) Nguyễn Thị Mỹ Hưng cho rằng, người tiêu dùng hiện nay, đặc biệt là giới trẻ rất chủ động trong việc tìm kiếm những sản phẩm hay những dịch vụ bảo vệ môi trường bền vững hơn. "Chủ động mang túi đựng hàng thay vì lấy túi ni lông; chủ động lựa chọn những sản phẩm tốt hơn cho sức khỏe, tốt hơn cho môi trường; chủ động lựa chọn những thương hiệu có trách nhiệm hơn với xã hội… là cách mà các bạn trẻ đang làm”, bà Nguyễn Thị Mỹ Hưng cho biết.
Theo các chuyên gia, sản xuất và tiêu dùng bền vững là một trong những xu hướng tất yếu không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước trên thế giới. Thời gian qua, sự chỉ đạo của các bộ, ngành và sự tích cực của các doanh nghiệp đã góp phần thúc đẩy tiêu dùng xanh, nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc sử dụng các sản phẩm sinh thái, túi ni lông sinh thái, 3R (tiết giảm - tái sử dụng - tái chế). Tuy nhiên, phần lớn mới chỉ dừng lại ở những hoạt động đơn lẻ, chưa kết nối với nhau, phạm vi tác động hẹp, chưa có tính phổ biến và tính bền vững.
Vấn đề được đặt ra lúc này là cần thêm những trợ lực từ phía cơ quan quản lý nhà nước trong việc chung tay thúc đẩy việc sản xuất và tiêu dùng bền vững. Cụ thể là những giải pháp về cơ chế, chính sách; ưu tiên, khuyến khích việc nghiên cứu khoa học, phát triển các công nghệ hiện đại để áp dụng vào sản xuất. Bên cạnh đó, việc sản xuất xanh và sạch cần một nguồn vốn dài hạn và ổn định. Vì vậy, rất cần những cơ chế, chính sách giúp doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi.
Nhiều doanh nghiệp đề xuất ý kiến, Nhà nước cần có những chính sách khuyến khích và ưu tiên những đơn vị sản xuất xanh, sạch hơn; hoàn thiện khung cơ chế chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sang nền sản xuất xanh và tiêu dùng bền vững; đồng bộ hóa những chính sách ưu tiên.
Ở góc độ cơ quan quản lý, Phó Chánh Văn phòng sản xuất và tiêu dùng bền vững Cù Huy Quang cho rằng, để đáp ứng được những thách thức trước mắt, các doanh nghiệp cần nhận thức rõ ràng là quá trình chuyển đổi sang nền sản xuất bền vững, sản xuất xanh, tiêu dùng bền vững, tiêu dùng xanh là một xu thế tất yếu và là con đường chiến lược để doanh nghiệp hướng tới phát triển bền vững.
(Theo HNM)