Nhiệm kỳ qua, hoạt động công tác Hội và phong trào nông dân trong tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực, thể hiện rõ vai trò định hướng, dẫn dắt và tổ chức phong trào hành động cách mạng của tổ chức Hội Nông dân.
Đặc biệt, để đổi mới tư duy, thay đổi cách tiếp cận nhằm tạo ra nhiều không gian phát triển mới, những giá trị mới cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, các cấp bộ Hội đã tích cực tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện hiệu quả chiến lược xây dựng ngành nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Trong đó đặc biệt đề cao vai trò chủ thể của nông dân, là trung tâm trong mọi hoạt động, thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Đây chính là tiền đề quan trọng để Yên Bái hướng tới nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Hợp tác xã (HTX) Rau và nấm dược liệu Nậm Khắt được xem là điển hình trong việc thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. 4 ha ruộng bỏ không vào mỗi vụ xuân vì thiếu nước sản xuất trước đây giờ đã phủ xanh mướt một màu của rau cải mầm đá. Tới nay, trừ các chi phí đầu tư, HTX thu về được gần 400 triệu đồng/ha/vụ, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương.
Không chỉ rau mầm đá, hoa hồng đã khẳng định là cây làm giàu cho đồng bào Mông ở Nậm Khắt. Khởi đầu chỉ với vài ha, sau hơn 2 năm, HTX Hoa Hồng Nậm Khắt đã mở rộng diện tích lên 43 ha với 18 thành viên tham gia. Hiện mỗi ha cho thu nhập từ 800 - 900 triệu đồng/năm, trừ chi phí thu về 400 - 500 triệu đồng/ha. Không chỉ ký hợp đồng thuê đất ruộng 1 vụ của người dân với giá 35 triệu đồng/ha/năm, HTX còn thuê chính họ làm công nhân chăm sóc hoa với mức thu nhập từ 3 - 4 triệu đồng/người/tháng. Tư duy mới, cách làm mới đã mang lại thu nhập cao cho người nông dân vốn trước đây sản xuất dựa hoàn toàn vào tự nhiên.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh Yên Bái tham quan mô hình trồng hoa hồng tại xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải.
Được thành lập năm 2017 với 23 thành viên chính thức và hơn 700 hộ nông dân ký kết tham gia, Hợp tác xã Quế hồi Việt Nam xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên mỗi tháng thu mua khoảng 100 tấn quế tươi để sản xuất 12 sản phẩm quế các loại như: quế bột, quế tăm, quế điếu thuốc, tinh dầu quế… xuất khẩu sang các thị trường: EU, Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Hàn Quốc. Hoạt động của HTX đã nâng cao giá trị sản phẩm quế, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Thời gian qua, từ sự quan tâm của tỉnh với nhiều cơ chế, chính sách, đề án phát triển nông - lâm nghiệp, thủy sản để nâng cao giá trị sản xuất, nhiều hộ nông dân đã được tiếp cận với các nguồn vốn vay, được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao KHKT và liên kết thành các nhóm hộ, các tổ hợp tác, HTX để phát triển sản xuất bền vững, tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Trong nhiệm kỳ, các cấp Hội nông dân trong tỉnh đã tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn thành lập 54 hợp tác xã, 459 tổ hợp tác và hàng nghìn mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Nhờ liên kết sản xuất mà nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất, chi thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Nhận thức rõ vai trò, vị thế của nông dân trong sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương, những năm qua, Hội Nông dân Yên Bái đã tích cực phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp tổ chức nhiều hoạt động, chương trình hỗ trợ nông dân thay đổi tư duy "sản xuất nông nghiệp" sang tư duy "kinh tế nông nghiệp" thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đặc biệt Nghị quyết số 20 của Tỉnh uỷ về phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) bền vững tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 – 2025 đã tạo thêm cú huých cho khu vực nông nghiệp, nông thôn giúp đời sống của người nông dân có sự cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 5%/năm, trong cso vai trò "tiếp sức' đắc lực của các câp hội nông dân.
Sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, chất lượng luôn là mục tiêu mà tỉnh Yên Bái hướng tới trong tương lai. Để hiện thực hoá mục tiêu quan trọng này, người nông dân phải thay đổi tư duy từ "trông trời, trông đất…” sang chuyên nghiệp hóa, chuyển từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang làm kinh tế nông nghiệp. Sự chuyển hướng này sẽ góp phần tạo tiền đề để nền nông nghiệp Việt Nam nói chung và nông nghiệp Yên Bái nói riêng sẽ chuyển mình mạnh mẽ, trở thành nền nông nghiệp hiện đại, phát triển bền vững, có sức cạnh tranh, nâng cao giá trị về nhiều mặt.
Thu Trang - Mạnh Cường