Về xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên thấy cơ man nào là quế, trên đồi quế xanh ngắt, hai bên lề đường phơi đầy vỏ quế, mùi hương tỏa ra thơm ngát. Đang vào vụ thu hoạch, nhà nhà lên đồi bóc quế.
Hướng về phía những tán quế ken dày, anh Đặng Tòn Ba ở thôn Khe Dứa bảo rằng, quế chính là nguồn sống của người dân mình đấy. Gia đình anh hiện sở hữu 10 ha quế, từ 5 năm đến 20 năm. Anh Ba cho biết thêm: "Giờ đây, cây quế chẳng phải bỏ đi thứ gì, từ lá thân gốc đều bán được cả. Hàng năm, gia đình tôi thu được hàng trăm triệu đồng từ quế. Quế không chỉ gắn bó máu thịt với đồng bào mà giúp người dân có nhà ở kiên cố, có thêm thu nhập ổn định, giảm nghèo bền vững”.
Thực ra, những người thuộc thế hệ như anh Đặng Tòn Ba cũng không biết cây quế có mặt từ bao giờ. Những người cao tuổi kể rằng, vào những năm đầu của thế kỷ trước, trên những cánh rừng ở Viễn Sơn đã có quế. Đến những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, Viễn Sơn đã có hai hợp tác xã nổi tiếng về sản xuất, chế biến quế là Công Tâm và Cộng Lực, trong đó 6 bản người Dao thuộc Hợp tác xã Cộng Lực được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lao động về thành tích phát triển cây quế. Năm Bác mất, trong niềm tiếc thương vô hạn đối với Người và nhớ lời Bác dạy, người Dao, người Tày chung sức trồng nên đồi quế để tưởng nhớ công ơn của Bác, lấy tên là "Đồi quế ơn Bác”.
Từ đấy, quế mọc thành rừng, rừng nối tiếp rừng để Viễn Sơn hôm nay trở thành vùng trọng điểm quế của Văn Yên. Ông Bàn Phúc Hín - Chủ tịch UBND xã Viễn Sơn cho biết: "Giờ đây, Viễn Sơn coi quế là cây chủ lực nhằm xóa đói, giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống cho trên 900 hộ dân của xã. Đến nay, toàn xã có trên 2.700 ha quế. Hiện nay, trên địa bàn xã có 1 công ty chuyên chế biến tinh dầu quế; 1 doanh nghiệp kinh doanh tổng hợp chuyên thu mua, chế biến các sản phẩm từ quế. Trung bình mỗi năm, đồng bào Dao xã Viễn Sơn bán ra thị trường trên 600 tấn quế vỏ, trên 4.000 m3 gỗ quế, trên 100 tấn tinh dầu quế, đem về thu nhập khoảng trên 45 tỷ đồng. Nhiều hộ trở thành triệu phú, tỷ phú, như hộ ông Lý Tiến Thắng, Bàn Phú Hoa, Bàn Kim Quý, Bàn Văn Lý”.
Từ "Đồi quế ơn Bác” phong trào trồng quế đã lan tỏa khắp nơi, đến nay, Văn Yên duy trì vùng nguyên liệu quế trên 52.000 ha tại 25 xã, thị trấn; trong đó, có 25.359 ha quế được canh tác theo hướng hữu cơ tại 8 xã trọng điểm gồm: Phong Dụ Thượng, Phong Dụ Hạ, Xuân Tầm, Châu Quế Hạ, Tân Hợp, Đại Sơn, Viễn Sơn, Mỏ Vàng. Để nâng cao giá trị cho người trồng quế, tỉnh, huyện Văn Yên đã xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quế Văn Yên; quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý quế Văn Yên; thành lập Hội Sản xuất, chế biến và kinh doanh quế Văn Yên để liên doanh, liên kết từ khâu trồng, khai thác, chế biến và bán quế, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm quế Văn Yên. Hàng năm, sản lượng quế vỏ khô đạt trên 6.000 tấn và trên 300 tấn tinh dầu quế, tổng giá trị các sản phẩm từ quế hằng năm đạt trên 800 tỷ đồng.
Không chỉ ở thủ phủ quế Văn Yên, cây quế hiện được nhiều địa phương xác định là cây chủ lực phát triển kinh tế của địa phương. Đến nay, Yên Bái có trên 81.000 ha quế, trong đó có trên 38.000 ha chuyên canh, tập trung chủ yếu ở các huyện Văn Yên, Trấn Yên. Diện tích quế được cấp chứng nhận hữu cơ đạt trên 9.844 ha.
Hàng năm, sản lượng khai thác quế đạt khoảng 18 nghìn tấn, gỗ quế tận thu sau khai thác đạt 200.000 m3; cành lá quế phục vụ chế biến và xuất khẩu khoảng trên 85.000 tấn. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 16 nhà máy chiết xuất tinh dầu quế quy mô lớn với tổng công suất 1.000 tấn sản phẩm tinh dầu quế/năm và hàng trăm cơ sở chế biến tinh dầu quế quy mô nhỏ lẻ hộ gia đình với sản lượng chế biến tinh dầu mỗi năm bình quân từ 300 - 800 kg/cơ sở.
Giai đoạn 2021- 2025, tỉnh Yên Bái thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất quế hữu cơ, liên kết theo chuỗi giá trị có quy mô vùng nguyên liệu từ 1.000 ha trở lên được hỗ trợ 2 tỷ đồng/dự án. Yên Bái cũng đề ra mục tiêu đến năm 2025, phát triển cây quế với diện tích ổn định khoảng 80.000 ha; diện tích tập trung chuyên canh khoảng 35.000 ha; trong đó, diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ khoảng 2.000 ha.
Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất quế bền vững theo hướng hữu cơ đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước; gắn sản xuất quế theo chuỗi giá trị từ sản xuất, khai thác, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; chú trọng chế biến sâu, chế biến tinh nhằm đem lại các sản phẩm có giá trị cao; nhân rộng các mô hình phát triển quế theo hướng thâm canh, sản xuất quế hữu cơ hướng đến cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững; quy hoạch các cơ sở chế biến vỏ quế, gỗ quế và tinh dầu quế theo hướng bền vững, hướng tới việc áp dụng các công nghệ chế biến và quy trình quản lý chất lượng tốt cho sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm quế.
Văn Thông