Quy Mông nâng cao chất lượng "miến đao OCOP"

  • Cập nhật: Thứ hai, 2/10/2023 | 2:53:41 PM

YênBái - Sau nhiều năm nỗ lực đưa giống đao DR1 vào trồng cũng như không ngừng nâng cao chất lượng, sản phẩm miến đao của xã Quy Mông, huyện Trấn Yên đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Đặc biệt, đây cũng là 1 trong 3 sản phẩm OCOP của huyện Trấn Yên đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng để xuất khẩu sang thị trường Anh quốc thời gian qua.

Sản phẩm miến đao của HTX Việt Hải Đăng, xã Quy Mông, huyện Trấn Yên làm bằng bột đao riềng nguyên chất, không sử dụng hóa chất tẩy trắng và được phơi một nắng ở nơi có không khí trong lành nên nhiều khách hàng ưa chuộng.
Sản phẩm miến đao của HTX Việt Hải Đăng, xã Quy Mông, huyện Trấn Yên làm bằng bột đao riềng nguyên chất, không sử dụng hóa chất tẩy trắng và được phơi một nắng ở nơi có không khí trong lành nên nhiều khách hàng ưa chuộng.

Tranh thủ thời tiết nắng ráo, những ngày này, Hợp tác xã (HTX) Việt Hải Đăng, xã Quy Mông, huyện Trấn Yên tập trung nhân lực, máy móc để sản xuất miến đao. Hiện, trung bình mỗi ngày, HTX sản xuất khoảng 120 kg miến thành phẩm. Để duy trì đơn hàng và mở rộng thị trường, HTX Việt Hải Đăng luôn cẩn thận, tỉ mỉ trong từng công đoạn từ đánh nước, lắng bột, loại bỏ tạp chất, đảm bảo sản phẩm miến chỉ phơi một nắng ở nơi có không khí trong lành; được làm hoàn toàn bằng bột đao riềng, không sử dụng hóa chất tẩy trắng, miến thành phẩm có màu trong, hơi xám; khi nấu sợi dẻo, mềm, dai, không nát, có vị thơm của dong riềng. 

Minh bạch quy trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm dễ dàng, do đó, sản phẩm miến của HTX không chỉ được các nhà hàng, quán ăn trong tỉnh đặt mua mà còn bán ra nhiều tỉnh, thành trong cả nước như: Hà Nội, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hải Phòng, thậm chí là thành phố Hồ Chí Minh… Nhờ đó, vừa góp phần nâng cao thu nhập của nhiều hộ dân trong xã vừa nâng tầm sản phẩm miến đao của địa phương. 

Chị Phùng Thị Tuyền - Giám đốc HTX Việt Hải Đăng cho biết: "Tất cả các khâu làm miến đều đảm bảo an toàn thực phẩm. Vì vậy, sản phẩm của chúng tôi làm ra đến đâu hết đến đó, có thời điểm không đủ sản phẩm để cung cấp cho thị trường. Trung bình 1 năm, HTX xuất bán khoảng 6 tấn miến, doanh thu 400 triệu đồng”.

Sản phẩm miến đao Quy Mông đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Sau nhiều lần tham gia các hội chợ OCOP, các triển lãm quảng bá giới thiệu sản phẩm trong vào ngoài tỉnh, sản phẩm  không chỉ được các thương lái đến tận nơi thu mua mà còn được bán qua kênh bán hàng thương mại điện tử Shopee, website của HTX. Đặc biệt, đây cũng là 1 trong 3 sản phẩm OCOP của huyện Trấn Yên đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng để xuất khẩu sang thị trường Anh quốc thời gian qua. Đó là động lực rất lớn cho sản phẩm Miến đao Quy Mông tiếp tục nâng cao chất lượng, mở rộng thị trường xuất khẩu.


Khi sản phẩm miến đao của xã Quy Mông ngày càng được ưa chuộng, đơn hàng vì thế cũng tăng lên,  đòi hỏi nguồn nguyên liệu đủ để đáp ứng nhu cầu sản xuất. Những năm qua, các hộ trồng đao, sản xuất miến ở xã Quy Mông đã đầu tư mua giống đao DR1 cho năng suất, chất lượng cao để làm nguyên liệu sản xuất miến. Giống đao DR1 có thời gian sinh trưởng ngắn, củ nạc, đồng đều, ruột trắng, năng suất củ tươi đạt 45 - 60 tấn/ha, hàm lượng tinh bột cao, cây rất hợp với vùng đất soi bãi, phù sa ven sông như xã Quy Mông. Sự phù hợp này không chỉ góp phần nâng cao chất lượng nguồn nguyên liệu cũng như chất lượng sản phẩm miến đao của địa phương mà còn góp phần xây dưng vùng nguyên liệu, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Ông Vũ Văn Lượng, thôn Thịnh Lợi, xã Quy Mông cho biết: "Trước đây, gia đình trồng giống đao bản địa nên hiệu quả không cao. Từ năm 2019, gia đình chuyển sang trồng giống đao DR1, năng suất củ và chất lượng bột tăng lên gấp rưỡi. Hiện gia đình có khoảng 5 sào đao riềng, ước tính vụ năm nay thu trên 20 tấn củ, tương đương thu nhập trên 20 triệu đồng”. 

Hiệu quả từ cây đao riềng ở xã Quy Mông đã được khẳng định nên diện tích trồng mới tăng theo từng năm. Hiện, toàn xã có gần 300 hộ trồng đao với diện tích lên tới trên 70 ha, tập trung tại các thôn: Thịnh Bình, Thịnh An, Thịnh Hưng và Thịnh Lợi. Quy Mông cũng từng bước phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tập huấn, hướng dẫn người trồng đao ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất; xây dựng vùng nguyên liệu củ đao đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Theo ông Phùng Tiến Hiển - Phó Chủ tịch UBND xã Quy Mông, khi bà con được tiếp cận giống đao mới giống DR1 đem lại hiệu quả kinh tế cao, hầu hết người dân chuyển trồng giống đao này. Hiện xã Quy Mông có gần 190 hộ trồng đao, 2 HTX sản xuất miến đao, sản lượng miến thành phẩm trung bình mỗi năm đạt 42 tấn, đem lại doanh thu cho người dân khoảng 2,7 tỷ đồng. 

Để tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm, xã khuyến khích người dân tiếp tục duy trì ổn định diện tích cây đao riềng, cùng với đó áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật canh tác, các quy định về chăm sóc, thu hoạch, bảo đảm nguồn nguyên chất lượng cao và đảm bảo an toàn thực phẩm trong khâu sản xuất thành phẩm.

Với những nỗ lực của chính quyền các cấp và người dân trong xã, sản phẩm miến đao của xã Quy Mông đang dần khẳng định thương hiệu, uy tín trên thị trường, các hộ dân tích cực tăng gia sản xuất, nâng cao thu nhập, góp phần đưa bộ mặt nông thôn của Quy Mông ngày càng khởi sắc.

Minh Huyền

Tags Quy Mông miến đao OCOP đao riềng

Các tin khác
Đến 30/9/2023, tổng dư nợ cho vay trên toàn địa bàn đạt 39.100 tỷ đồng, tăng 6,24% so với 31/12/2022 và tăng 10,98 % so với cùng kỳ.

Hoạt động huy động vốn tại Yên Bái tăng trưởng tốt ngay từ tháng đầu năm, tổng nguồn vốn của các chi nhánh ngân hàng đến 30/9 tăng 12,34% so cuối năm 2022 và tăng 22,6% so cùng kỳ.

Các xe hàng tại khu vực phi thuế quan.

Phía Trung Quốc đã chuẩn bị xong các điều kiện để công bố mở rộng cửa khẩu đường bộ Hữu Nghị Quan, Quảng Tây đến 2 lối mở Pò Chài và Lũng Nghịu và đề nghị Việt Nam chuẩn bị để công bố đồng bộ.

Người dân thành phố Yên Bái luyện tập thể dục thể thao trong không gian xanh, trong lành.

“Phát triển hài hòa kinh tế - xã hội - môi trường nghĩa là phát triển kinh tế phải gắn chặt với quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường” - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hồ Đức Hợp đã khẳng định trong cuộc trao đổi với phóng viên (P.V) Báo Yên Bái về kết quả, nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về môi trường theo định hướng phát triển hài hòa kinh tế - xã hội - môi trường, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của tỉnh.

Cây sơn tra ở bản Lùng Cúng, xã Nậm Có vụ này chỉ lác đác vài quả.

Năm 2023, do ảnh hưởng thời tiết nên phần lớn diện tích cây táo mèo (sơn tra) tại xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải không đậu quả, sản lượng giảm nhiều so với vụ trước. Cùng đó, giá cả thị trường không có chuyển biến nhiều so với niên vụ trước nên người dân năm nay có một vụ sơn tra buồn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục