Dự án cải tạo nâng cấp tuyến đường Nghĩa Tâm nối với xã Trung Sơn, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ được khởi công vào tháng 1/2023. Đây là tuyến đường do UBND huyện Văn Chấn làm chủ đầu tư với tổng số vốn 79 tỷ đồng, chiều dài toàn tuyến trên 12 km, mở rộng mặt đường từ 5m lên 6,5m theo tiêu chuẩn cấp 5 miền núi.
Tuyến đường có ý nghĩa quan trọng trong việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, mở ra cơ hội phát triển cho địa phương, đáp ứng mong mỏi nhiều năm của cử tri các xã vùng ngoài huyện Văn Chấn. Tuy nhiên, dự án này sẽ không có kinh phí cho công tác giải phóng mặt bằng như nhiều dự án trước đây nên lúc đầu, chính quyền xã không khỏi lo lắng. Song, kết quả thật bất ngờ khi trên 700 hộ của 8 thôn trong xã đã tự nguyện hiến đất, bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư với mức giá...
"0 đồng”!
Ông Hoàng Ngọc Út - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Tâm cho biết: "Theo Quyết định của UBND tỉnh phê duyệt thì phần giải phóng mặt bằng con đường này, bà con không được đền bù về cây cối, hoa màu, các vật kiến trúc. Bước đầu, nhân dân cũng do dự vì nhiều hộ dân bị ảnh hưởng rất nhiều đất và cây cối, hoa màu, có những hộ phải tháo dỡ cả nhà. Song, xã đã tích cực tuyên truyền, vận động nên người dân đã hiểu được ý nghĩa của tuyến đường và 100% hộ dân đã đồng thuận ủng hộ và hiến đất cho Dự án”.
Anh Nguyễn Đình Cảnh, thôn Tiên Đồng, xã Nghĩa Tâm chia sẻ: "Nay được Đảng và Nhà nước quan tâm mở rộng con đường và nâng cấp, chúng tôi mừng lắm. Gia đình tôi ở gần đường, khi được chính quyền về tận thôn, xóm họp để vận động hiến đất thì mình vì mình trước và mình vì mọi người, chúng tôi sẵn sàng. Công trình cố định của nhà tôi khi Nhà nước có chủ trương, tôi đã tự nguyện phá dỡ bức tường bao xi măng cao 2m, dài 50m với trị giá khoảng hơn 30 triệu đồng để trả mặt bằng cho đơn vị thi công”.
Trong giai đoạn 2020 – 2025, huyện Văn Chấn phấn đấu kiên cố hóa, bê tông hóa 300 km đường giao thông. Để vận động người dân hiến đất làm đường giao thông, đối với những dự án trọng điểm nhưcác tuyến đường: Sơn Lương - Sùng Đô - Nậm Mười; Đại Lịch - Chấn Thịnh - Bình Thuận - Nghĩa Tâm - Minh An; Tân Thịnh - Chấn Thịnh - Yên Lập (Phú Thọ), Nghĩa Tâm - Trung Sơn (Phú Thọ)…, huyện Văn Chấn đã thành lập Ban chỉ đạo vận động nhân dân hiến đất làm đường do đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện làm Trưởng ban.
Đối với các dự án làm đường giao thông nông thôn, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn thành lập Ban chỉ đạo do đồng chí chủ tịch ủy ban nhân dân xã, thị trấn làm Trưởng ban. Đối với các trường hợp gặp vướng mắc trong quá trình tuyên truyền, vận động, các đồng chí trong Thường trực Huyện ủy đã trực tiếp gặp gỡ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân để có giải pháp hỗ trợ các hộ gia đình bị mất nhiều đất do hiến đất làm đường.
Mọt hộ dân thôn Tiên Đồng, xã Nghĩa Tâm, huyện Văn Chấn tự nguyện tháo dỡ trụ cổng để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công tuyến đường Nghĩa Tâm - Trung Sơn
"Từ năm 2020 đến nay, huyện Văn Chấn có 64 tuyến đường giao thông đã được nâng cấp và làm mới với tổng chiều dài gần 186 km. Có 2.589 hộ gia đình, cá nhân đã hiến đất tương ứng với diện tích đã hiến trên 446 nghìn m2, trên 126.814 cây hoa màu các loại và các công trình trên đất khác. Tổng giá trị đã hiến ước tính lên đến 28,7 tỷ đồng”, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn Phạm Thái Sơn cho biết.
Xã Mường Lai, huyện Lục Yên có trên 98% là đồng bào dân tộc thiểu số. 5 năm trước; tỷ lệ kiên cố hóa đường giao thông nông thôn của xã mới đạt gần 40%. Cuối năm 2020, xã nhận được chủ trương cải tạo, nâng cấp tuyến đường Mường Lai – Liễu Đô với chiều dài 4,2 km.
Đây là nhiệm vụ khó với cấp ủy, chính quyền xã, bởi khi mở rộng sẽ ảnh hưởng đến đất đai, cây cối, vật kiến trúc của nhiều hộ dân và cũng như ở Nghĩa Tâm, dự án này không có đền bù, hỗ trợ. Với quyết tâm giải phóng "0 đồng” tuyến đường làm điển hình để nhân rộng ra toàn xã, Đảng ủy đã huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc làm công tác tuyên truyền, vận động. "Mưa dầm thấm lâu", người dân đã hiểu được việc hy sinh trước mắt đạt được lợi ích lâu dài nên đã đều xung phong hiến đất, phá dỡ cổng xây, tường rào, chặt bỏ cây cối, tạo mặt bằng sạch bàn giao cho đơn vị thi công... Tuyến đường nhanh chóng hoàn thành sau 4 tháng thi công mà không có bất cứ vướng mắc nào. Toàn tuyến đã có 32 hộ dân hiến trên 3.000 m2 đất, trên 1.200 cây cối có giá trị như quế, keo, mít, bồ đề…
Bí thư Đảng ủy xã Mường Lai - Triệu Văn Huấn thông tin: Từ năm 2020 đến nay, nhân dân trong xã đã đóng góp được trên 4 tỷ đồng để bê tông hóa trên 20 km đường giao thông; trên 500 hộ gia đình hiến trên 20.000 m2 đất, trên 5.000 cây cối, trên 1.500 m2 vật kiến trúc. Đến nay, tỷ lệ cứng hóa đường giao thông trên địa bàn xã đạt trên 75%.
Đầu tháng 7/2023, xã Mường Lai lại nhận thông tin tỉnh sẽ sớm bố trí nguồn vốn để thi công tuyến đường Mường Lai (Lục Yên, Yên Bái) - Đồng Yên (Bắc Quang, Hà Giang). Tuyến đường có chiều dài 7,5 km, nền đường được mở rộng từ 5m lên 10m, đoạn qua trung tâm xã rộng 13,5m. Dự án khi thi công sẽ tác động đến 205 hộ dân, trong đó có hơn 100 hộ dân bị ảnh hưởng lớn vì nhiều công trình, kiến trúc như nhà ở, tường rào, trụ cổng sẽ phải tháo dỡ.
Phát huy tinh thần tự nguyện từ khi làm đường Mường Lai – Liễu Đô, để có sẵn mặt bằng sạch bàn giao cho nhà thầu thi công, Đảng ủy xã đã họp ra nghị quyết vận động nhân dân hiến đất, cây cối, vật kiến trúc để sẵn sàng thi công khi có vốn đầu tư. Tuy nhiên lần này, thay vì trực tiếp đi đến từng hộ gia đình để nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân, ứng dụng công nghệ 4.0, tận dụng tối đa tiện ích của mạng xã hội, xã đã thực hiện việc vận động, thăm dò ý kiến nhân dân thông qua trang fanpage Đảng bộ xã Mường Lai.
Theo dõi các bài viết trên trang Facebook thấy người dân rất đồng tình hưởng ứng, nhận định thời điểm thích hợp đã đến, xã quyết định ra quân đồng loạt để nhân dân ký cam kết ngay. Đầu tiên chọn những hộ là cán bộ, đảng viên để thực hiện trước. Nhờ cách làm mới, hiệu quả này mà chỉ trong vòng 1,5 ngày ra quân, 100% hộ dân bị ảnh hưởng đã viết đơn tự nguyện hiến đất, cây cối, vật kiến trúc, tự tay vạch sơn đánh dấu mốc đường.
Theo thống kê ban đầu, 205 hộ dân cam kết hiến trên 11.000 m2 đất các loại; trên 1.000 m tường rào, trên 1.000 m2 sân bê tông, 69 trụ cổng xây, trên 1.600 m2 mái tôn, hàng nghìn cây cối các loại cùng nhiều công trình xây dựng có giá trị khác. "Nhiều hộ dân còn viết đơn xin hiến đất với phương châm Nhà nước làm đường đến đâu, cần lấy bao nhiêu, nhân dân sẵn sàng hiến bấy nhiêu”, Bí thư Huấn phấn khởi khoe.
Không chỉ ở Văn Chấn, Lục Yên, Yên Bình, nhiều con đường ở Văn Yên, Mù Cang Chải, Trạm Tấu đã được mở rộng, bê tông hóa từ "lòng dân”. Tiêu biểu như đảng viên Phùng Văn Minh, dân tộc Dao ở thôn Trung Tâm, xã Mỏ Vàng, huyện Văn Yên sẵn sàng hiến trên 3.000 m2 đất đồi rừng để mở rộng đường đi vào khu vực trồng quế của thôn. Thêm nữa, ông còn hiến mấy trăm mét vuông đất thổ cư, mấy sào ruộng để mở rộng tỉnh lộ 175 đi qua xã.
Cùng ở thôn Trung Tâm, có ông Cứ A Chinh hiến trên 4.000 m2 đất đồi đang trồng trên 2.000 cây quế; ông Ly Seo Chúng cũng hiến trên 3.000 m2 đất đồi cũng đang trồng hơn 1.500 cây quế; ông Nguyễn Văn Nam ở xã Yên Hợp hiến gần 3.500 m2 đất nông nghiệp để thực hiện dự án sửa chữa, nâng cấp tuyến đường Xuân Ái - Viễn Sơn - Yên Phú - Yên Hợp...
"Nhân dân rất vui mừng, cảm ơn Đảng, Nhà nước đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông kết nối "ý Đảng, lòng dân”. Trước đây, Nhà nước có chủ trương, rồi vận động người dân để làm, nhưng bây giờ ở nhiều địa phương người dân lại xin tự nguyện được hiến đất đai, cây cối, hoa màu, vật kiến trúc để mở rộng đường, làm đường mới, hiến đất làm nhà văn hóa thôn và các công trình phúc lợi khác”, ông Vi Hiển Đu – người dân xã Khánh Thiện, huyện Lục Yên chia sẻ.
Những tấm gương tiêu biểu về hiến đất làm đường ở Yên Bái ngày một nhiều lên để nối dài thêm những con đường "ý Đảng, lòng dân”. Thêm một con đường mở từ "lòng dân” là thêm những "con đường hạnh phúc”, tiếp thêm động lực để Yên Bái bức phá đi lên, phát triển nhanh, bền vững theo hướng "xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.
Mạnh Cường
(Bài 3: Động lực để Yên Bái bứt phá đi lên)