Từ khi Nhà nước khởi công tuyến đường Tân Lĩnh - Tân Lập - Phan Thanh gắn với phát triển du lịch huyện Lục Yên, hầu như ngày nào, ông Vi Đình Vân, thôn Thủy Văn, xã Phan Thanh, huyện Lục Yên cũng có mặt trên đường. Khi thì tham gia vận động nhân dân dịch rào, hiến đất, giúp đỡ các hộ dân thu dọn vật kiến trúc, khi thì tham gia giám sát nhà thầu thi công đảm bảo chất lượng, tiến độ để công trình hoàn thành đúng tiến độ đề ra.
Ông Vân vẫn nhớ ngày ông cùng một số bà con trong thôn hết sức vui mừng và phấn khởi được đón đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy đến thăm, thị sát và quyết định đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường: Chính hôm đó - ngày 26/6/2021, tại bến Thủy Văn, Bí thư Tỉnh ủy có hỏi tôi một câu: "Nếu đường làm qua phần đất nhà bác, bác có sẵn sàng hiến để Nhà nước làm đường không?”. Ngay lập tức, tôi trả lời đồng chí: "Nhà nước mở rộng đường đến đâu, tôi sẵn sàng hiến đến đó”.
Nói là làm, gia đình ông Vân đã dịch rào, hiến 2.118 m2 đất và dịch chuyển hơn 50 cây cau sang vị trí mới để nhường đất làm đường. "Tôi rất vui và phấn khởi khi được đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình để làm đường. Dù đường làm chưa xong, nhưng dân chúng tôi đi từ Phan Thanh lên thị trấn Yên Thế đã chỉ mất khoảng 40 phút mà trước kia cũng từng ấy cây số, chúng tôi đi mất chừng hơn tiếng", ông Vân phấn khởi.
"Tôi nghĩ đây chính là hạnh phúc. Hạnh phúc khi người dân vui vẻ hiến đất, chặt cây, đập tường, dỡ mái nhà mình mà không kêu ca, đòi hỏi đền bù hay hỗ trợ gì. Nhiều hộ khó khăn cũng cố gắng làm ruộng, trồng ngô hay nuôi con gà để ủng hộ đơn vị thi công, động viên và cảm ơn họ đã làm việc hết công để con đường sớm hoàn thành, phục vụ nhân dân đi lại và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Tôi năm nay 64 tuổi đời, 43 năm tuổi Đảng mà chưa khi nào thấy vui, thấy hạnh phúc như thế bởi con đường được nâng cấp mở rộng và đẹp đẽ như hôm nay đã thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số chúng tôi; con đường là khát vọng để chúng tôi vươn lên tiến kịp miền xuôi.
Tôi mong sau khi hoàn thành tuyến đường, Nhà nước tiếp tục làm một cây cầu nối xã Phan Thanh với tuyến quốc lộ 70. Chúng tôi sẽ rất vui và hạnh phúc nếu ước nguyện đó sớm hoàn thành và chúng tôi sẽ tiếp tục hiến đất, dịch rào để làm đường và xây dựng cầu. Mong lắm khi được đi trên con đường rộng thênh thang với cây cầu mới, con đường về trung tâm thành phố Yên Bái sẽ chỉ còn 60 km chứ không phải là 120 km như hiện nay”, ông Vân chia sẻ thêm.
Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh và huyện Lục Yên kiểm tra tiến độ thi công tuyến đường Tân Lĩnh – Tân Lập – Phan Thanh gắn với phát triển du lịch huyện Lục Yên.
Nói xong, tôi thấy mắt ông rớm lệ. Có lẽ, ông khóc vì hạnh phúc, vì sung sướng và cả vì sự quan tâm của đồng chí lãnh đạo tỉnh mà trực tiếp là đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã nhiều lần đến với bà con, đến với thôn Thủy Văn này.
Được biết, Dự án cải tạo, nâng cấp đường Tân Lĩnh - Tân Lập - Phan Thanh gắn với phát triển du lịch huyện Lục Yên được khởi công xây dựng với tổng chiều dài 17,5 km; tổng mức đầu tư 112 tỷ đồng với quy mô đường cấp IV miền núi, nền đường 7,5m, mặt đường 5,5m được khởi công vào tháng 11/2021. Tuyến đường hoàn thành sẽ đảm bảo hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện Lục Yên nói chung, hướng tới mục tiêu phát triển du lịch trên lòng hồ Thác Bà và các vùng lân cận.
Điều đặc biệt ở tuyến đường này là 100% hộ dân tự nguyện hiến đất, cây cối, vật kiến trúc để mở rộng mặt nền. 550 hộ dân đã đồng thuận, tự nguyện hiến gần 100.000 m2 đất các loại, trên 24.000 cây cối, trên 6.000 mét tường rào xây và hơn 400 m2 sân bê tông, trụ cổng để mở rộng nền đường lên hơn 7m mà không đòi hỏi đền bù hay hỗ trợ gì.
"Câu chuyện "con đường”như những bản tình ca/Tiếng nước reo vui như tiếng ai huýt sáo/ "Thứ 7 cùng dân” ướt đầm vai áo/Tiếng nói, tiếng cười, ríu rít hoan ca”. Ông Vân rưng rưng xúc động đọc những vần thơ trong bài thơ "Trở lại "ốc đảo” xưa" của cô giáo Vũ Thu Hương sáng tác trong một lần về với "ốc đảo” Phan Thanh tham dự "Ngày thứ Bảy cùng dân" như thay lời cảm ơn với Đảng, với chính quyền và cá nhân đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy.
Những "con đường hạnh phúc” ở Yên Bái cứ kéo dài thêm mãi, nối liền Lục Yên, Yên Bình, Trấn Yên, Văn Chấn lên vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải. Nói đến làm đường, mở rộng đường hay bê tông hóa đối với người dân nông thôn Yên Bái là nói đến chuyện vui. Người hiến đất, người chặt cây, phá bỏ tường rào, dù mất đi "tấc vàng” hay tiền bạc bỏ ra xây lại cổng, tường rào mới... đều vui!
Vui vì Đảng, Nhà nước quan tâm làm đường cho dân đi, cho dân phát triển kinh tế xây đời sống mới. "Vui vì con đường đã mở mang cuộc sống cho nhân dân rất nhiều, buôn bán thông thương thuận lợi, đi lại thuận tiện, lợi nhuận của người dân được hưởng cao. Cây lúa, cây gỗ, cây lâm sản được vận chuyển dễ. Thấy lợi thực tế luôn. Như ngày xưa người dân khai thác gỗ rừng trồng gặp ngày mưa gió không chở được nhưng bây giờ có đường bê tông, giờ nào cũng chở được. Đường đẹp mà dễ đi, tiện lợi cho con cháu học hành. Dân chúng tôi phấn khởi và vui mừng lắm chứ…”, ông Trần Văn Thỏa - thôn Khe Hùm, xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình quả quyết.
Để mở rộng đường thôn Khe Cọ đến trung tâm xã, ông Thỏa đã hiến hơn 20.000 m2 đất cùng nhiều cây cối đang đến kỳ thu hoạch, trị giá trên 1 tỷ đồng. Dù phải chịu thiệt hại về tài sản nhưng ông biết nếu không có đường giao thông thì nơi này mãi là nơi xa xôi, hẻo lánh, cuộc sống của bà con sẽ chẳng bao giờ phát triển.
Chủ tịch UBND xã Tân Nguyên Sạch Văn Mùi cho biết: "Từ tấm gương anh Thảo hiến đất làm đường mà nhiều hộ gia đình dọc tuyến đường Khe Cọ ra trung tâm xã cũng tự nguyện làm theo. Nhân dân đồng tình ủng hộ, cùng nhau giao mặt bằng cho chính quyền nên chỉ trong vòng 8 tháng, tuyến đường dài gần 2km đã làm xong, giúp 30 hộ dân là đồng bào dân tộc Dao của thôn Khe Cọ đi lại dễ dàng”.
Những con đường "khổ và khó” ở Yên Bái đã vắng thưa dần, thay vào đó là những "con đường hạnh phúc” đã và đang mang đến niềm vui, hạnh phúc, tiếng cười và sự no ấm cho nhân dân, giúp các miền quê nông thôn Yên Bái dễ dàng thực hiện tiêu chí khó về giao thông nông thôn trong xây dựng nông thôn mới.
Những "con đường hạnh phúc” đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều, mang đến niềm vui, hạnh phúc, tiếng cười và sự no ấm cho người dân Yên Bái
Sau hơn 10 năm tập trung phát triển hệ thống giao thông nông thôn, tỉnh Yên Bái đã huy động được tổng kinh phí trên 4.700 tỷ đồng; trong đó, vốn Nhà nước 2.700 tỷ đồng, vốn nhân dân đóng góp trên 100 tỷ đồng, vốn hợp pháp khác trên 1.900 tỷ đồng. Đặc biệt, phong trào tự nguyện hiến đất, tháo dỡ các công trình, vật kiến trúc với giá trị hàng trăm tỷ đồng đã lan tỏa sâu rộng, trở thành ý thức tự giác của mỗi hộ gia đình khi có tuyến đường đi qua.
Với nhiều cách làm sáng tạo, huy động mọi nguồn lực, từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã kiên cố hóa mặt đường bê tông xi măng được 1.592 km, đạt 79,59% kế hoạch giai đoạn 2021-2025, nâng tổng số chiều dài đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh được kiên cố hóa lên 5.450/8.090km (đạt 67,37%), góp phần quan trọng đưa diện mạo đô thị, nông thôn thay đổi theo hướng khang trang, hiện đại. 100% địa phương đã có đường ô tô đến trung tâm xã, đi lại được cả 4 mùa trong năm.
Yên Bái hạnh phúc với những con đường hạnh phúc!
Mạnh Cường
(Bài 2: Đường mở từ lòng dân)