Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nghèo nhưng chủ yếu vẫn là do thiếu sinh kế. Thiếu sinh kế tất sẽ dẫn đến thu nhập thiếu bền vững. Bởi vậy, những năm qua, tỉnh Yên Bái đã huy động nhiều nguồn lực để tạo sinh kế cho người nghèo thông qua các mô hình sản xuất phù hợp với nhu cầu, trình độ canh tác và thế mạnh của địa phương.
Tiêu biểu như: các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; các dự án hỗ trợ sản xuất từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, Quỹ Vì người nghèo… Bằng cách chuyển từ việc "cho con cá” sang hỗ trợ "cần câu”, các dự án không những đã tạo sinh kế cho người nghèo mà còn dần loại bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại của một bộ phận người nghèo.
Anh Vàng A Chua ở xã Dế Xu Phình, huyện Mù Cang Chải là một trong 27 hộ được hỗ trợ bò từ Dự án nhân rộng mô hình phát triển chăn nuôi bò cái sinh sản do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh triển khai từ năm 2020 đã từng bước vươn lên ổn định cuộc sống.
Anh Chua chia sẻ: "Những năm trước, do thiếu vốn, thiếu tư liệu sản xuất nên cuộc sống của gia đình rất khó khăn. Rồi tôi được hỗ trợ 1 con bò sinh sản, được hướng dẫn kiến thức kỹ thuật chăm sóc tỉ mỉ. Sau gần 2 năm, bò sinh sản, thấy có hiệu quả tôi lại vay vốn Ngân hàng Chính sách để mở rộng chăn nuôi. Giờ đây, gia đình tôi đã có 4 con bò sinh sản, thu nhập của gia đình bắt đầu ổn định, sẽ sớm trả hết nợ trong 1 - 2 năm nữa”.
Với mô hình này, sau khi bò sinh sản các hộ sẽ tiếp tục bàn giao bò con cho các hộ nghèo khác để cùng nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Các hộ dân tham gia cũng cho rằng, mô hình này rất phù hợp với vùng cao vì có thể sử dụng nguồn lao động các độ tuổi, tận dụng thời gian nhàn rỗi của lao động, công việc chăm sóc bò đơn giản, không đòi hỏi nhiều kỹ thuật phức tạp.
Cùng với đó, nguồn vốn từ chính sách tín dụng ưu đãi cho người nghèo từ Ngân hàng Chính sách xã hội cũng giúp người dân có điều kiện thuận lợi hơn để tự sản xuất, tự kinh doanh, tự tạo sinh kế để tự vươn lên thoát nghèo. Riêng 9 tháng năm 2023, hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh đã giải ngân cho vay các nguồn tín dụng chính sách đối với 17.756 lượt hộ gia đình với tổng doanh số cho vay trên 926,6 tỷ đồng; trong đó có 7.767 hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo được vay các chương trình tín dụng với tổng vốn vay 553,3 tỷ đồng.
Anh Tráng A Páo ở xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn từng được vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện nay đã tạo sinh kế bền vững và vươn lên thoát nghèo.
Anh Páo chia sẻ: "Khi ấy, 30 triệu là số tiền lớn với tôi nên tôi luôn tự nhủ phải sử dụng đồng tiền hiệu quả, tạo được một sinh kế bền vững từ nguồn vốn này. Qua tìm hiểu, tôi đã mua cây quế giống và chăn nuôi. Cứ bán được một ít lợn, gà tôi để quay vòng vốn, còn dư lại tiếp tục mở rộng diện tích quế. Giờ đây, đồi quế của tôi đã được mở rộng gần 4 ha, 3 năm nay đã được thu tỉa mỗi năm khoảng 3 tấn quế vỏ. Do vốn vay lãi suất ưu đãi, thời gian vay dài, nên gia đình tôi không quá khó khăn trong việc trả nợ, trả lãi hàng năm. Giờ đây, gia đình cũng đã thoát nghèo và có thu nhập tương đối ổn định gần 100 triệu đồng mỗi năm từ quế và chăn nuôi gà, dúi bán cho các nhà hàng, điểm du lịch trên địa bàn”.
Có thể thấy, trong các chương trình, chính sách hỗ trợ người nghèo, hỗ trợ về sinh kế luôn được chú trọng, thông qua các hình thức như: cho vay vốn ưu đãi, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, trao tặng cây, con giống, tư liệu sản xuất…
Việc hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo phát triển sản xuất đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của người dân. Từ đó, người dân nhận thức rõ hơn về chủ trương đúng đắn của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác giảm nghèo, tạo động lực cho các hộ nghèo vươn lên có cuộc sống ổn định.
Đây cũng là giải pháp hiệu quả để tỉnh Yên Bái hoàn thành mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2021 - 2025 là giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 3,3%/năm theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025, trong đó huyện Trạm Tấu giảm 6,5%/năm, huyện Mù Cang Chải giảm 7,67%/năm.
Hoài Anh