Quyết tâm cao, nỗ lực lớn, tích cực đổi mới tư duy, cách nghĩ cách làm
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, giao thông là mạch máu lưu thông của nền kinh tế, là một trong những khâu đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước. Trong điều kiện nguồn lực còn rất hạn chế, Đảng và Nhà nước đã lựa chọn các hành lang kinh tế để tập trung nguồn lực đầu tư, tạo động lực lan toả cho phát triển. Trong đó đặt ra yêu cầu hoàn thành trước năm 2025 tuyến cao tốc Bắc-Nam phía đông từ Cửa khẩu Hữu Nghị-Lạng Sơn đến Cà Mau kết nối 32 tỉnh, thành phố, 3 vùng kinh tế trọng điểm.
Tuyến đường này sẽ tạo thành "trục xương sống", hành lang kinh tế-vận tải huyết mạch của đất nước, kết nối đồng bộ với hệ thống giao thông đường biển, đường sắt, đường thủy và đường không.
Với việc chính thức khánh thành 2 Dự án đoạn Quốc lộ 45-Nghi Sơn và Nghi Sơn-Diễn Châu với tổng chiều dài 94 km là một dấu mốc đáng nhớ khi cửa khẩu Hữu nghị (Lạng Sơn) đã được kết nối hoàn toàn bằng cao tốc đến Diễn Châu (Nghệ An) và nâng tổng chiều dài khai thác trên trục cao tốc Bắc-Nam lên 1.048 km. Điều đó có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong thúc đẩy lưu thông giữa các tỉnh khu vực phía bắc và Bắc Trung Bộ; sự phát triển các đô thị vùng, trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An nói riêng và khu vực Bắc Trung Bộ nói chung.
Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, trong quá trình thi công, hai dự án Quốc lộ 45-Nghi Sơn và Nghi Sơn-Diễn Châu đã gặp nhiều khó khăn, vướng mắc làm ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ như đại dịch COVID-19, biến động giá nguyên, nhiên vật liệu, thiếu hụt về nguồn vật liệu đắp, thời tiết diễn biến bất thường…
Nhưng với tinh thần "Khó khăn đến đâu thì tháo gỡ đến đó, khó khăn ở đâu thì tháo gỡ ở đó; vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó giải quyết"; Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời ban hành các cơ chế, chỉ đạo quyết liệt, giải quyết khó khăn nhất là thiếu hụt vật liệu cho các dự án; yêu cầu các bộ, ngành thực hiện nhiều giải pháp để sớm bình ổn giá vật liệu xây dựng, bảo đảm nguồn cung ứng xăng dầu…;
Thủ tướng Chính phủ cùng các đồng chí lãnh đạo Chính phủ đã dành nhiều thời gian kiểm tra thực tế hiện trường, làm việc với các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ mọi vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ, hiệu quả thi công các dự án…; kịp thời chỉ đạo và động viên, khích lệ, tạo khí thế thi đua sôi nổi, tích cực, quyết tâm, nỗ lực của các cán bộ, kỹ sư, người lao động trên công trường.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà biểu dương cán bộ, công chức, người lao động ngành GTVT, các nhà thầu, các đơn vị tư vấn đã có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, tích cực đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm để khắc phục các khó khăn về dịch bệnh, thời tiết bất lợi, đề xuất các giải pháp kỹ thuật phù hợp điều kiện thực tế hiện trường, với tinh thần hăng say lao động, thi công xuyên Lễ, xuyên Tết trên công trường, đã kịp thời hoàn thành các hạng mục trọng điểm của dự án như: Công trình hầm, cầu lớn, xử lý nền đất yếu...
Các bộ, ngành, UBND hai tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An cũng chủ động vào cuộc, tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ, kịp thời việc đẩy nhanh tiến độ, di dời hạ tầng kỹ thuật, xây dựng các khu tái định cư để người dân yên tâm về nơi ở mới với điều kiện sống tốt hơn.
"Đây là bài học kinh nghiệm lớn cần nhân rộng để trong từng dự án, chương trình phát triển phải bảo đảm tiến bộ, công bằng và thụ hưởng của các tầng lớp nhân dân", Phó Thủ tướng bày tỏ và trân trọng cảm ơn 6.300 hộ dân đã nhường đất, nhất là 652 hộ dân đã nhường cả đất và nhà để các dự án được triển khai, hoàn thành đúng tiến độ.
Tạo không gian phát triển mới cho tiểu vùng Bắc Trung Bộ
Phó Thủ tướng cho biết, việc kết nối các khu kinh tế động lực của Thanh Hoá, Nghệ An đã tạo không gian phát triển mới cho tiểu vùng Bắc Trung Bộ, gắn kết với vùng kinh tế trọng điểm phía bắc, thúc đẩy hình thành phát triển hệ sinh thái kinh tế công nghiệp-dịch vụ-đô thị.
Phó Thủ tướng gợi mở một số suy nghĩ để phát huy tối đa hiệu quả đầu tư các dự án.
Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần tính toán quy hoạch các hệ sinh thái kinh tế gắn kết với tuyến giao thông trong quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ. UBND các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh rà soát, bổ sung quy hoạch theo hướng "giao thông đến đâu phát triển đến đó, nhằm phát huy tối đa lợi thế của tuyến đường cao tốc, chuyển hoá tiềm năng thành nguồn lực".
Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức khai thác, bảo trì, bảo dưỡng công trình, vệ sinh môi trường. "Tuyến đường như một dải lụa nhưng cần chú ý phục hồi môi trường, cảnh quan thiên nhiên hai bên đường", Phó Thủ tướng mong muốn.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ GTVT khẩn trương thực hiện các bước chuẩn bị để triển khai giai đoạn 2 của dự án; tổ chức rà soát việc bố trí các trạm dừng nghỉ, các nút giao kết nối trên tuyến đường bộ cao tốc liên thông, đồng bộ mạng lưới giao thông trên địa bàn của địa phương, khu vực.
Bộ GTVT cần xây dựng và ban hành Quy chuẩn thiết kế đường cao tốc như quy mô, hành lang an toàn, hệ thống hạ tầng đi kèm như trạm dừng nghỉ, điểm cung cấp xăng dầu, phục vụ sạc pin ô tô điện…
Từ những bài học kinh nghiệm về công tác quản lý, phát huy sáng tạo về thiết kế, thi công để ứng phó linh hoạt với những biến động… Phó Thủ tướng cho rằng ngành giao thông cần nghiên cứu, phân tích, đánh giá việc triển khai 2 dự án cao tốc Quốc lộ 45-Nghi Sơn và Nghi Sơn-Diễn Châu để làm bài học cho các dự án sau này, nhất là bố trí tái định cư, xây dựng từ phương án thiết kế, thi công gắn với nguồn vật liệu, cũng như các giải pháp phòng ngừa nguy cơ sạt lở, sụt lún, ngập lụt… Từ đó, có các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công, đưa các đoạn còn lại của tuyến cao tốc Bắc-Nam vào khai thác đúng kế hoạch, đạt yêu cầu về chất lượng; phối hợp, hỗ trợ chặt chẽ với các địa phương khẩn trương triển khai xây dựng các dự án cao tốc trục Đông-Tây, các dự án Vành đai đô thị kết nối các trung tâm đô thị lớn.
Các địa phương cần tiếp tục chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nhất là những gia đình nhường toàn bộ đất đai, nhà cửa cho các dự án.
(Theo Chinhphu.vn)