Bài dự thi "Vì một Yên Bái phát triển "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc” lần thứ III năm 2023 – 2024

Đột phá hạ tầng giao thông ở Yên Bái - Bài 3: Động lực bứt phá đi lên

  • Cập nhật: Thứ sáu, 20/10/2023 | 9:03:39 AM

YênBái - Những năm qua, bằng những bước đi đúng đắn và có tính chiến lược, tỉnh Yên Bái đã và đang phát huy tiềm năng, lợi thế để bứt phá đi lên; tập trung huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Công trình cầu Giới Phiên, thành phố Yên Bái là cây cầu thứ 8 bắc qua sông Hồng trên địa bàn tỉnh và là cây cầu thứ 5 được xây dựng trên địa bàn thành phố Yên Bái.
Công trình cầu Giới Phiên, thành phố Yên Bái là cây cầu thứ 8 bắc qua sông Hồng trên địa bàn tỉnh và là cây cầu thứ 5 được xây dựng trên địa bàn thành phố Yên Bái.

Công trình cầu Giới Phiên, thành phố Yên Bái được khánh thành đúng vào dịp chào mừng kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ thăm Yên Bái (25/9/1958 -25/9/2023). Đây là cây cầu thứ 8 bắc qua sông Hồng trên địa bàn tỉnh và là cây cầu thứ 5 được xây dựng trên địa bàn thành phố Yên Bái. Công trình được khởi công xây dựng từ tháng 12/2021 do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Yên Bái làm chủ đầu tư, nhà thầu thi công phần cầu là Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính. 

Công trình được thiết kế vĩnh cửu, dạng cầu vòm thép hiện đại, kết cấu bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, gồm 10 nhịp với quy mô bề rộng toàn cầu 20,5m, chiều dài toàn cầu gần 520m với tổng mức đầu tư 650 tỷ đồng. Công trình hoàn thành góp phần hoàn thiện đồng bộ cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông, bảo đảm kết nối hai bên bờ sông Hồng tạo thành trục kết nối từ cao tốc Nội Bài - Lào Cai với quốc lộ 32C, quốc lộ 70 với đường Âu Cơ và kết nối với trung tâm thành phố Yên Bái. 

Năm nay đã bước sang tuổi 85, từ ngày khánh thành, ngày nào ông Trần Văn Trạch, thôn Tiền Phong, xã Giới Phiên cũng có mặt để được ngắm cây cầu mơ ước. Ông bảo: "Tuyệt vời, tuyệt vời lắm! Yên Bái có 8 cây cầu thì thành phố có đến 5 cây cầu; bà con hai xã Giới Phiên, Văn Phú được giao lưu văn hóa, giao thương hàng hóa thuận lợi. Tôi cảm thấy sung sướng vô cùng. Dân chúng tôi tự hào vì đã có những con đường, những cây cầu đẹp, tạo diện mạo mới cho thành phố”. 

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Đỗ Việt Bách cho biết: Công trình đưa vào sử dụng từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, là động lực thúc đẩy thu hút đầu tư xây dựng trung tâm thành phố Yên Bái mới, các khu đô thị, khu trung tâm dịch vụ thương mại, giáo dục, y tế, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và khu công nghiệp tại các xã thuộc hữu ngạn sông Hồng thông qua các tuyến đường trục ngang, trục dọc kết hợp các công trình cầu vượt sông Hồng kết nối quốc lộ 37, đường Âu Cơ với quốc lộ 32C và tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, để thành phố Yên Bái xứng tầm là đô thị loại II, là đầu tàu, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Đây là sự quan tâm đặc biệt của các đồng chí lãnh đạo tỉnh dành cho xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông với mục tiêu giao thông "đi trước mở đường” phục vụ cho phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Yên Bái có thuận lợi khi hội đủ 4 loại hình giao thông là đường bộ, đường sắt, đường thuỷ và đường hàng không (loại hình hàng không đang phục vụ lĩnh vực quốc phòng, an ninh); trong đó, giao thông đường bộ giữ vai trò chủ đạo. Đến hết năm 2022, mạng lưới giao thông đường bộ của Yên Bái gồm 1 tuyến đường cao tốc với chiều dài 80,5km; 5 tuyến quốc lộ với tổng chiều dài gần 400km; 11 tuyến đường tỉnh với tổng chiều dài trên 434km và gần 8.500 km đường đô thị, đường giao thông nông thôn, đường thôn, bản, đường chuyên dùng. Mật độ mạng lưới giao thông đường bộ tính đến hết năm 2022 đạt 1,36 km/km2. 

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX đã xác định một trong ba đột phá chiến lược là "Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, trọng tâm là lĩnh vực giao thông, thông tin, viễn thông, thủy lợi, đô thị, khu, cụm công nghiệp, liên kết nông thôn với đô thị, công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp và liên kết vùng, đáp ứng yêu cầu phát triển”. 

Đồng thời, Nghị quyết số 56 ngày 16/12/2020 của HĐND tỉnh cũng đề ra nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là "Ưu tiên các dự án kết nối các tuyến quốc lộ với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, dự án liên kết vùng và kết nối tỉnh Yên Bái với các địa phương trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc, tập trung vào một số công trình trọng điểm; một số tuyến đường kết nối vùng, liên vùng quan trọng”. 

Để cụ thể hóa và triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, trong giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh đã quyết định đầu tư 26 dự án, công trình trọng điểm (tổng mức đầu tư đến nay khoảng 12.977 tỷ đồng), trong đó có 17 dự án, công trình phát triển hạ tầng giao thông (tổng mức đầu tư là 9.557 tỷ đồng), chiếm 65,38% danh mục các dự án trọng điểm và chiếm 73,64% tỷ trọng vốn đầu tư cho các công trình trọng điểm giai đoạn 2021-2025. 

Liên tiếp nhiều dự án, công trình giao thông trọng điểm, kết nối vùng, liên vùng, kết nối hạ tầng giao thông của tỉnh với tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai được khởi công xây dựng như: cầu Giới Phiên, thành phố Yên Bái; đường Khánh Hòa - Văn Yên thuộc dự án xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông liên vùng hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các huyện nghèo tỉnh Yên Bái; đường nối quốc lộ 32 với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (IC15 và IC14); nút giao IC13, đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; cải tạo, nâng cấp đường nối quốc lộ 37 với cao tốc Nội Bài - Lào Cai (IC15); đường nối tỉnh lộ 163 với cao tốc Nội Bài - Lào Cai; đường nối các quốc lộ 70, 32C, 37 với cao tốc Nội Bài - Lào Cai và đường kết nối Mường La (Sơn La), Than Uyên, Tân Uyên (Lai Châu), Mù Cang Chải, Văn Chấn, Văn Yên (Yên Bái) với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai... 


Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy kiểm tra tiến độ thi công đường kết nối Mường La (Sơn La), Than Uyên, Tân Uyên (Lai Châu), Mù Cang Chải, Văn Chấn, Văn Yên (Yên Bái) với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai. 

Bên cạnh đó, một số dự án kết nối vùng, liên vùng do Bộ Giao thông vận tải quyết định đầu tư trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư xây dựng như: tuyến nối Nghĩa Lộ (Yên Bái) với cao tốc Nội Bài - Lào Cai thuộc Dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc do Ngân hàng Châu Á (ADB) và Chính phủ Úc tài trợ; đoạn Km 295+300 - Km 306+00 thuộc dự án nâng cấp quốc lộ 37; đoạn từ Km 280 - Km 340, đoạn Km 87+150 - Km 94+300 thuộc dự án đầu tư nâng cấp quốc lộ 32C đoạn Hiền Lương - thành phố Yên Bái với tổng vốn dự kiến đầu tư giai đoạn 2021 - 2025 khoảng gần 2.000 tỷ đồng.

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Đỗ Việt Bách cho biết: Đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông nhất là mạng lưới, kết cấu hạ tầng giao thông kết nối vùng, liên vùng, có tính lan tỏa và kết nối với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai tiếp tục được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt tạo động lực đột phá mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Để thực hiện mục tiêu này, ngành giao thông vận tải tiếp tục tập trung triển khai đầu tư, đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình giao thông trọng điểm giai đoạn 2021 - 2025 theo Chương trình hành động số 10, ngày 30/10/2020 của Tỉnh ủvề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025. 

Đồng thời, ngành tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông Vận tải đẩy nhanh tiến độ đầu tư tuyến nối Nghĩa Lộ với cao tốc Nội Bài - Lào Cai (IC14) và nâng cấp, sửa chữa hoàn thành tuyến quốc lộ 32C, quốc lộ 37, quốc lộ 2D; tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành Trung ương thực hiện quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ, đường sắt, kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa và quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không sân bay theo các quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 

Trong đó, tập trung phối hợp triển khai phát triển hạ tầng giao thông đối ngoại kết nối vùng, liên vùng như: đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; đầu tư mới tuyến nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai với Hà Giang; cải tạo, nâng cấp, mở mới các tuyến quốc lộ 32C, 37, 2D, 32D, 3B...; nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt điện khí hóa, đường đôi Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; nâng cấp và nâng cao hiệu quả khai thác tuyến đường thủy nội địa quốc gia, kêu gọi đầu tư mới, nâng cấp các cảng thủy nội địa trên sông Hồng và hồ Thác Bà; phối hợp với các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu, khảo sát, đánh giá khả năng quy hoạch sân bay quân sự Yên Bái hiện nay theo mô hình sân bay chuyên dùng, khai thác theo hình thức lưỡng dụng để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung vào quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. 

Ngành cũng sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức thực hiện phát triển hạ tầng giao thông vận tải, logistics, vận tải trên địa tỉnh theo Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, tập trung ưu tiên đầu tư các dự án, công trình giao thông trọng điểm, quan trọng của tỉnh, có tính kết nối vùng, liên vùng, kết nối với tuyến đường bộ cao tốc Nội Bài - Lào Cai, tạo đột phá mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội và kết cấu hạ tầng giao thông như: tuyến đường kết nối Mường La (Sơn La), Than Uyên, Tân Uyên (Lai Châu), Mù Cang Chải, Văn Chấn, Văn Yên (Yên Bái) với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (IC15); nút giao IC13, IC15 đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; đường nối quốc lộ 32 với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (IC14); đường nối quốc lộ 32 với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (IC15); đường nối tỉnh lộ170 và quốc lộ 70 với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (đoạn An Phú - Tân Nguyên - Mậu A), đường kết nối huyện Đoan Hùng (Phú Thọ), huyện Yên Sơn (Tuyên Quang), huyện Yên Bình và thành phố Yên Bái với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; tuyến đường tránh quốc lộ 37 thành phố Yên Bái kết nối huyện Yên Bình với huyện Trấn Yên... 

Sở Giao thông Vận tải sẽ tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển mạng lưới, hạ tầng giao thông đồng bộ, tạo mạng lưới giao thông thông suốt giữa các khu vực của tỉnh; đồng thời gắn kết với mạng giao thông vận tải quốc gia, tạo sự liên kết vùng thông suốt, trọng tâm là tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. 

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh phát triển giao thông nông thôn theo Đề án phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025 với phương châm linh hoạt trong triển khai thực hiện; huy động, lồng ghép các nguồn vốn và sự tham gia của nhân dân. Giai đoạn 2023 – 2025, phấn đấu kiên cố hóa trên 1.200 km đường giao thông nông thôn. 

Yên Bái tiếp tục xác định thu hút đầu tư, nhất là thu hút, kêu gọi đầu tư phát triển mạng lưới, kết cấu hạ tầng giao thông vận tải theo hình thức đối tác công tư (PPP) là nhiệm vụ chính trị quan trọng, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện với nỗ lực, quyết tâm chính trị cao nhất bảo đảm khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh để thu hút được những nhà đầu tư lớn, có tiềm lực, kinh nghiệm đến phát triển hạ tầng giao thông vận tải của tỉnh gắn với quan điểm và triết lý phát triển tỉnh Yên Bái nhanh, bền vững theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc” góp phần quan trọng và tạo bước đột phá về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Mạnh Cường

Tags Yên Bái Giao thông Động lực phát triển Đỗ Đức Duy Đỗ Việt Bách Bí thư Tỉnh ủy

Các tin khác
Giá lợn hơi tiếp tục có xu hướng giảm.

Ngày 19-10, giá lợn hơi trên địa bàn cả nước tiếp tục giảm 1.000 đồng/kg so với hôm qua. Mức giá này đang trở lại mặt bằng giá thấp nhất được ghi nhận vào tháng 3-2023.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tiếp Chủ tịch AIIB Kim Lập Quần.

Nhân dịp tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế Vành đai và Con đường lần thứ 3 tại Bắc Kinh, Trung Quốc, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã tiếp Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) Kim Lập Quần.

Quang cảnh buổi làm việc

Sáng 19/10, UBND tỉnh tổ chức buổi làm việc với Đoàn thanh tra của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để công bố quyết định về việc thanh tra việc chấp hành pháp luật về đầu tư công giai đoạn 2021 - 2022 và thời kỳ trước có liên quan; việc chấp hành pháp luật về đầu tư giai đoạn 2020 - 2022 tại tỉnh Yên Bái.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) dẫn đầu danh sách 1.000 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất năm 2022.

Tổng cục Thuế vừa công bố danh sách 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất (V.1000) trong năm 2022.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục