Yên Bái từng bước tiếp cận kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp

  • Cập nhật: Thứ hai, 6/11/2023 | 9:46:38 AM

YênBái - Tận dụng triệt để nguồn nguyên liệu, phế phẩm trong nuôi trồng, chế biến, người dân Yên Bái bước đầu xây dựng, phát triển nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp theo hướng tuần hoàn, hình thành quy trình sản xuất, chế biến khép kín, gia tăng nguồn thu, cắt giảm nguồn rác thải và bảo vệ môi trường.

Công nhân Công ty TNHH chế biến Thủy sản sạch Hải Hà chế biến sản phẩm từ cá.
Công nhân Công ty TNHH chế biến Thủy sản sạch Hải Hà chế biến sản phẩm từ cá.

Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là mô hình sản xuất nông nghiệp nhằm giảm thiểu chất thải, tận dụng tối đa nguồn tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và bảo vệ sức khỏe con người. 

Ở Yên Bái, kinh tế tuần hoàn nông nghiệp đang trong giai đoạn đầu tiếp cận như: các mô hình tận dụng rơm rạ làm thức ăn chăn nuôi, sử dụng phân chuồng làm phân bón hữu cơ, mô hình sử dụng năng lượng tái tạo trong chăn nuôi... 

Công ty TNHH chế biến Thủy sản sạch Hải Hà ở xã Hán Đà, huyện Yên Bình là đơn vị nuôi trồng các loại cá đặc sản trên hồ Thác Bà của tỉnh Yên Bái. Công ty chế biến hàng chục tấn cá và cũng kéo theo tương ứng lượng lớn phụ phẩm thừa như đầu, da và xương cá mỗi ngày. 

Để tận dụng nguồn phụ phẩm và không để ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, Công ty đã đầu tư máy móc, sử dụng các phụ gia để biến phụ phẩm thành thức ăn chăn nuôi. Cách làm này không những giúp Công ty giải được bài toán môi trường mà còn tiết kiệm được nguồn chi phí tương đối lớn trong việc mua thức ăn cho cá, tạo ra chuỗi sản phẩm khép kín. 


Bà Vũ Thị Thu Phương - Quản lý sản xuất Công ty TNHH chế biến Thủy sản sạch Hải Hà cho biết: "Khi được tư vấn về việc tận dụng nguồn phế phẩm để sản xuất cám viên cung cấp ngược lại cho việc nuôi trồng thủy sản, Công ty đã đầu tư, cử cán bộ đi học tập kinh nghiệm, thử nghiệm và áp dụng vào sản xuất sản phẩm. Qua đánh giá, các sản phẩm thức ăn cho cá của Công ty đều đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật. Công ty đã áp dụng vào chăn nuôi và cho hiệu quả cao, cá thích ứng với nguồn thức ăn, sinh trưởng, phát triển tốt". 

Thời điểm này, Công ty xác định, việc tái tạo sản phẩm từ chế biến thành thức ăn chăn nuôi cho cá nói riêng và cho gia súc, gia cầm khác sẽ trở thành một hướng đi mới, góp phần ngày càng khép kín quy trình sản xuất, tăng thu nhập và mở rộng thị trường trong thời gian tới. 

Việc chủ động được nguồn thức ăn cho cá đã giúp Công ty cắt giảm đáng kể chi phí thức ăn cho cá. Cụ thể, so với chi phí thức ăn cho cá từ 17 -18 nghìn đồng/kg thì Công ty tự sản xuất chỉ còn từ 11 - 12 nghìn đồng/kg, tiết kiệm được 5-6 nghìn đồng/kg thức ăn. 

Trên địa bàn huyện Yên Bình, việc sử dụng đệm lót sinh học và chế phẩm sinh học, xây dựng hầm khí sinh học (biogas) cũng được nhiều doanh nghiệp, trang trại, hộ dân áp dụng hiệu quả. Từ đó, nhiều mô hình giúp thực hiện tốt công đoạn vỗ béo gia súc lớn, xử lý môi trường bằng chế phẩm sinh học, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi đại gia súc. Nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư vốn để xây dựng hầm biogas xử lý chất thải chăn nuôi. 

Theo ông Đào Văn Lợi, một hộ chăn nuôi lợn tại thôn Hợp Nhất, xã Thịnh Hưng, chi phí xây dựng hầm khí biogas không quá cao nên nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cũng có thể làm được. Việc sử dụng hầm biogas đã giúp gia đình có thêm chất đốt và cắt giảm đáng kể chi phí chăn nuôi, sinh hoạt của gia đình. 

Ông Lợi khẳng định: "Hơn 10 năm nay, gia đình tôi không mất tiền chất đốt. Mỗi tháng chúng tôi chỉ dùng hết 200 nghìn tiền điện, khí biogas đảm bảo việc đun nấu của gia đình. Thêm vào đó, việc chăn nuôi có sử dụng hầm biogas đã giúp gia đình thuận lợi trong việc vệ sinh chuồng trại, nguồn rác thải tận dụng sẽ được trộn với trấu, vôi bột sẽ tạo thành phân bón hữu cơ rất tốt cho cây trồng”. 


Tận dụng nguồn phân chuồng để làm phân bón hữu cơ. 

Cũng giống gia đình đình ông Lợi, chị Ngô Thị Dung ở thôn Hợp Thịnh, xã Phú Thịnh đã có thêm nguồn thu từ việc tận dụng phân chuồng trong chăn nuôi gà quy mô lớn. Với quy mô 2.000 con gà/lứa, ngoài nguồn thu từ bán trứng, bán thịt gà thì chị Dung có thêm từ 15 - 20 triệu đồng từ bán chất thải của gia cầm mỗi năm. Chị Dung đã sử dụng các chế phẩm sinh học trộn với vỏ trấu để làm nền chuồng gà vừa giúp đảm bảo vệ sinh chuồng trại còn có thêm nguồn phân bón bán cho các hộ trồng rau, trồng hoa. 

Chị Dung chia sẻ: "Mỗi lứa gà của gia đình nuôi sẽ có khoảng 400 - 500 bao tải chất thải. Số tiền bán chất thải trong chăn nuôi sẽ được gia đình tái đầu tư vào mua vỏ trấu, chế phẩm sinh học cho lứa gà tới và chi trả tiền điện, nước trong quá trình chăn nuôi. Như vậy là đầu tư chuồng trại nuôi gà, con gà cũng tạo nguồn thu để sửa chữa chuồng trại”. 

Theo anh Nguyễn Đức Hiệp - Cán bộ Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp huyện Yên Bình, hầu hết các mô hình kinh tế tuần hoàn nông nghiệp tại địa phương đều được thực hiện dựa trên các nguyên tắc, giảm thiểu lượng chất thải, phế phụ phẩm phát sinh trong quá trình sản xuất nông nghiệp; tận dụng tối đa các chất thải, phế phụ phẩm để làm nguyên liệu đầu vào cho các quá trình sản xuất khác; tái chế, chuyển hóa các chất thải, phế phụ phẩm thành các sản phẩm có giá trị và tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới từ các nguồn nguyên liệu tái tạo. 

Có thể nói, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đã và đang thay đổi phương thức sản xuất, chăn nuôi của nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ cá thể tại Yên Bái, góp phần xây dựng mô hình khép kín, bảo vệ môi trường, tăng thêm nguồn thu, hình thành tư duy sản xuất mới. Chính vì vậy, rất cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về kinh tế tuần hoàn đồng thời, cần có các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân cùng tham gia.

Hoài Văn

Tags Kinh tế tuần hoàn nông nghiệp sạch Yên Bái

Các tin khác

Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 64/2023/TT-BTC và Thông tư số 66/2023/TT-BTC bãi bỏ toàn bộ 7 thông tư liên quan đến sử dụng vốn ODA, hướng dẫn các chương trình khoa học và công nghệ.

Cả nước có 27 địa phương đề nghị giảm dự toán vay với tổng số vốn hơn 5.500 tỷ đồng. (Ảnh minh họa)

Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại cho biết, đến hết tháng 8 năm nay có 27 địa phương đề nghị giảm dự toán vay với tổng số vốn hơn 5.500 tỷ đồng.

Nông dân huyện Trạm Tấu nuôi nhốt và bổ sung thức ăn cho trâu, bò trong những ngày giá rét.

Theo dự báo, mùa đông năm nay sẽ xuất hiện nhiều đợt rét đậm, rét hại, nhất là tại các địa phương vùng cao. Để chủ động phòng chống đói, rét cho đàn gia súc, huyện Trạm Tấu đã chỉ đạo các xã tập trung tuyên truyền về phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho gia súc nhằm giảm thiểu thiệt hại ở mức thấp nhất cho người chăn nuôi.

Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu sang thị trường châu Âu tại Công ty cổ phần May Sơn Hà (thị xã Sơn Tây). Ảnh: Nguyễn Quang

Doanh nghiệp Việt đã và đang nhắm tới thị trường Liên minh châu Âu (EU). Trao đổi thương mại hai bên càng sôi động hơn trong 3 năm qua từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được thực thi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục