Theo bảng xếp hạng PCI năm 2022, tỉnh Yên Bái đạt 63,09 điểm xếp 51/63 tỉnh thành. Trong 3 chỉ số tăng điểm số và thứ hạng có sự vươn lên mạnh mẽ của Chỉ số Chính sách hỗ trợ DN khi tăng 0,63 điểm và 19 bậc. Kết quả trên cho thấy, các ban, sở, ngành của tỉnh đã nỗ lực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, tăng cường và nâng cao chất lượng các dịch vụ hỗ trợ DN trên địa bàn. Nhờ đó, DN thuận lợi hơn trong tiếp cận các chính sách, chương trình hỗ trợ DN nhỏ và vừa.
Theo khảo sát, khoảng 80% DN cho biết có thể dễ dàng, nhanh chóng thực hiện thủ tục miễn, giảm chi phí tư vấn pháp luật; giảm giá thuê mặt bằng tại khu/cụm công nghiệp; cấp bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa; miễn, giảm chi phí tham gia các khóa đào tạo có sử dụng ngân sách Nhà nước về khởi sự kinh doanh và quản trị DN, tỷ lệ này cao hơn mặt bằng chung của cả nước.
Công tác tuyên truyền được chú trọng triển khai dưới nhiều hình thức phong phú, nội dung đa dạng trên phương tiện thông tin đại chúng. Sử dụng có hiệu quả công cụ truyền thông mới trên nền tảng số, Internet, mạng xã hội để các DN nhanh chóng tiếp cận các nguồn thông tin chính thống, có chất lượng cao.
Tỷ lệ DN đánh giá có thể dễ dàng thực hiện thủ tục nhận hỗ trợ từ chương trình hỗ trợ DN tận dụng cơ hội của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTAs) đạt 19%, cao hơn mặt bằng chung cả nước là 4%.
Ông Phạm Trung Lân - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, là đơn vị được phân công theo dõi, chủ trì thực hiện Chỉ số Dịch vụ hỗ trợ DN và qua nhiều năm theo dõi cho thấy, kết quả đạt được của tỉnh còn chưa ổn định. Mặc dù tăng 19 bậc trong năm 2022 nhưng Chỉ số Chính sách hỗ trợ DN của tỉnh vẫn đạt thấp dưới mức mục tiêu phấn đấu chung của tỉnh (đạt 44/63, dưới TOP 40).
Trong 13 chỉ tiêu của Chỉ số Chính sách hỗ trợ DN, bên cạnh những chỉ tiêu đạt cao hơn mức trung bình cả nước (chủ yếu những chỉ tiêu mang nỗ lực hỗ trợ của cơ quan nhà nước đến cộng đồng DN như về thủ tục, về thông tin...) vẫn còn những chỉ tiêu đạt thấp chủ yếu là sự áp dụng, tận dụng, khai thác hiệu quả của cộng đồng DN với sự hỗ trợ của các chính sách như: Chỉ tiêu Thủ tục để được miễn, giảm chi phí đào tạo nghề cho người lao động dễ thực hiện; tỷ lệ nhà cung cấp dịch vụ trên tổng số doanh nghiệp; tỷ lệ nhà cung cấp tư nhân và nước ngoài trên tổng số nhà cung cấp dịch vụ...
Những tồn tại trên, bên cạnh nguyên nhân khách quan do là tỉnh miền núi, địa hình chia cắt điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, quy mô nền kinh tế nhỏ, xuất phát điểm thấp, hệ thống cơ sở hạ tầng còn chưa đồng bộ, nguồn lực đầu tư hạn hẹp, chưa đáp ứng được yêu cầu... thì còn có cả các nguyên nhân chủ quan như tính chủ động của cộng DN còn chưa cao, chưa chuẩn bị tốt các điều kiện để tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước biến động. Việc phổ biến thông tin về các chính sách đến cộng đồng DN và người dân vẫn còn một số hạn chế.
Để khắc phục những hạn chế, chủ động và quyết liệt trong việc tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN hoạt động nhằm nâng cao hơn nữa thứ hạng Chỉ số Dịch vụ hỗ trợ DN, Sở Công Thương tiếp tục chủ trì tham mưu phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ cải thiện các chỉ tiêu đạt thấp trong chỉ số thành phần "Dịch vụ hỗ trợ DN”.
Trong đó, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả trong việc triển khai các chính sách DN, hỗ trợ người dân và DN phục hồi sản xuất, kinh doanh; thực hiện có hiệu quả kế hoạch "Ngày cuối tuần cùng dân và DN”, Chương trình "Cà phê doanh nhân”, thường xuyên gặp gỡ đối thoại với cộng đồng DN để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư và phát triển DN cũng như kịp thời đề xuất chính sách giải pháp hỗ trợ DN phát triển.
Bên cạnh đó, triển khai có hiệu quả chương trình hành động thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới trên địa bàn nhằm tìm kiếm mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; hỗ trợ các DN trong tỉnh tiếp cận thông tin, tận dụng hết những lợi thế về ưu đãi thuế quan do các FTA mang lại; thường xuyên cập nhật, cung cấp thông tin về các rào cản kỹ thuật mới của các nước đối với hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng có thế mạnh của tỉnh giúp các DN ứng phó kịp thời.
Một giải pháp quan trọng khác là tiếp tục rà soát tham mưu bãi bỏ, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh; các vướng mắc, bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để kịp thời tháo gỡ theo hướng các chính sách hướng đến người dân và DN, kịp thời đề xuất phương án tháo gỡ, xử lý đối với trường hợp vượt thẩm quyền.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương tăng cường phối hợp giữa các sở, ban, ngành trong công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của DN nhà đầu tư để tránh chồng chéo đảm bảo khách quan, công khai, không cản trở hoạt động của DN; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng để bảo vệ quyền lợi của nhà sản xuất và lợi ích người tiêu dùng.
Văn Thông